Câu hỏi của khách hàng: Kế toán làm ảnh hưởng tới bảo hiểm của người lao động xử lý thế nào
Chào các anh chị ! Nhờ anh chị tư vấn giúp em với . Em được nghỉ chế độ thai sản khi sinh bé từ 13/9/2017 đến 13/3/2018 và xin nghỉ dưỡng sức 5 ngày tiếp theo từ 14 -18/3/2018 và đã nộp hồ sơ đầy đủ cho kế toán của trường vào ngày 13/3/2018 nhưng đến tháng 8/2018 thì bên bảo hiểm xã hội gửi hồ sơ trả về trường báo lại là không được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 5 ngày đó do kế toán nộp hồ sơ muộn quá thời gian quy định, trong khi đó kế toán lại cắt lương của mình 5 ngày vào tháng 4/2018. Vậy xin hỏi các luật sư tư vấn giúp mình phải làm thế nào để đòi lại chế độ bảo hiểm ấy và ai là người chịu trách nhiệm trong việc để mất quyền lợi của người lao động.
Luật sư Tư vấn Luật bảo hiểm xã hội – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 19/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
3./ Luật sư trả lời Kế toán làm ảnh hưởng tới bảo hiểm của người lao động xử lý thế nào
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm muộn, người lao động vẫn có thể được hưởng chế độ nếu có văn bản trình bày về lý do nộp hồ sơ muộn và được chủ thể có thẩm quyền chấp nhận.
Căn cứ Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội:
“Điều 41.Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1.Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. …”
Theo đó, việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh là một trong những quyền của người lao động nữ sau khi sinh, mà chưa phục hồi. Căn cứ Khoản 1 Điều 103 Luật bảo hiểm xã hội:
“Điều 103.Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản
1.Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. …”
Trong trường hợp, quá thời hạn trên thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Luật bảo hiểm xã hội. Theo đó, nếu vượt quá thời hạn trên thì phải giải trình bằng văn bản. Ngoài ra, nếu việc nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo đó, nếu bạn thực hiện việc nộp hồ sơ theo đúng thời hạn trên, bạn không được hưởng trợ cấp (do lý do quá hạn không được chủ thể có thẩm quyền chấp nhận) là do kế toán công ty nộp sai thì chính kế toán sẽ phải bồi thường khoản tiền đáng lẽ bạn sẽ được trợ cấp theo quy định.
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì trước hết cần làm đơn trình bày lý do nộp hồ sơ quá hạn. Nếu chủ thể có thẩm quyền chấp nhận lý do này, bạn vẫn sẽ được chi trả trợ cấp. Nếu chủ thể có thẩm quyền không chấp nhận lý do trên thì bạn có quyền yêu cầu kế toán bồi thường cho bạn khoản tiền trợ cấp đáng lẽ ra bạn sẽ được hưởng nếu kế toán làm đúng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.