Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Khu vực bảo vệ di tích và nguyên tắc cắm mốc, xác định phạm vi bảo vệ di tích
Luật sư Tư vấn Luật Di sản văn hóa – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 04 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Khu vực bảo vệ di tích và nguyên tắc cắm mốc, xác định phạm vi bảo vệ di tích
- Luật di sản văn hóa năm 2001 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009)
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
3./ Luật sư tư vấn
Di tích lịch sử – văn hóa, theo quy định của pháp luật là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, những di tích này là tài sản cần được bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc bảo vệ này cần được xác định trong một phạm vi nhất định và để xác định phạm vi này pháp luật có quy định về khu vực bảo vệ di tích và nguyên tắc cắm mốc, xác định phạm vi bảo vệ di tích như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 32 Luật di sản văn hóa quy định thì các khu vực bảo vệ di tích gồm có khu vực bảo vệ I (là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích) và khu vực bảo vệ II (là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I).
Ngoài ra, khi không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Khoản 2 Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định:
“2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.…”
Căn cứ Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP về “nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích”, theo đó:
Khu vực bảo vệ I được xác định như sau:
-Đối với di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó
-Đối với di tích là địa điểm khảo cổ thì phạm vi bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó
-Đối với di tích là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ thì phạm vi bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó;
-Đối với danh lam thắng cảnh thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải đảm bảo cho việc giữ gìn sự toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.
-Đối với di tích gồm nhiều công trình xây dựng, địa điểm phân bố trên phạm vi rộng thì phải xác định khu vực bảo vệ I cho từng công trình xây dựng, địa điểm.
Khu vực bảo vệ II được xác định là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Ngoài ra, việc xác định di tích không có khu vực bảo vệ II được áp dụng trong trường hợp di tích đó nằm trong khu vực dân cư hoặc liền kề các công trình xây dựng mà không thể di dời.
Việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP.
-Phân định rõ ranh giới các khu vực bảo vệ di tích với khu vực tiếp giáp trên thực địa theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ xếp hạng di tích;
-Cột mốc phải được làm bằng chất liệu bền vững và đặt ở vị trí dễ nhận biết;
-Hình dáng, màu sắc, kích thước cột mốc phải phù hợp với môi trường, cảnh quan của di tích và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Như vậy, việc xác định khu vực bảo vệ di tích và nguyên tắc cắm mốc, xác định phạm vi bảo vệ di tích được thực hiện theo quy định trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Khu vực bảo vệ di tích và nguyên tắc cắm mốc, xác định phạm vi bảo vệ di tích, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.