Sang tên đất trong trường hợp mâu thuẫn con chung con riêng

Câu hỏi của khách hàng: Sang tên đất trong trường hợp mâu thuẫn con chung con riêng

Em chào các anh chị và mong được tư vấn về vấn đề như sau.
Bố mẹ em sống chung với nhau được 25 năm, nhưng không đăng ký, cả 2 đều có con riêng và có một người con chung là em. Trước khi đến với nhau cả bố và mẹ đều có tài sản riêng cụ thể là hai mảnh đất. Trong thời gian chung sống thì sống và xây lại nhà ở mảnh đất của mẹ em và cả gia đình bao gồm các người con riêng đều sống ở đây. Bố mẹ em đều đồng đứng tên sổ đỏ hai mảnh đất với tư cách vợ chồng, trong hộ khẩu cũng là tư cách vợ chồng. Cách đây ít năm cả bố và mẹ em đã sang tên mảnh đất của bố em thì đã chuyển sổ đỏ cho anh trai thứ 2 con của bố. Sau khi bố em mất thì giữa con riêng của bố em và mẹ có một số tranh chấp về tài sản, cụ thể là mẹ em vì không có giấy đăng ký nên không được hưởng các quyền lợi của vợ và quản lý tài sản. Bây giờ mẹ em muốn sang tên quyền sở hữu đất của mảnh đất còn lại cho em thì thủ tục như thế nào? Và trường hợp 1/3 người con riêng của bố em không đồng ý thì việc sang tên có được thực hiện hay không ạ?


Luật sư Tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của nhiều chủ thể

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Sang tên đất trong trường hợp mâu thuẫn con chung con riêng

Theo quy định của pháp luật thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tức là trong trường hợp một người chết đi không để lại di chúc, việc chia thừa kế theo pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng của những người có quyền hưởng di sản. Quyền sở hữu số di sản đó sẽ được xác lập cho những người thừa kế theo pháp luật, gồm cha, mẹ, vợ/chồng, con (không phân biệt con chung hay con riêng, con đẻ hay con nuôi) của người đã chết.

Căn cứ Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1.Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2.Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Thì quan hệ giữa bố và mẹ bạn không được nhận định là quan hệ vợ chồng. Tài sản chung của hai người không được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Việc xác định quyền được quy định như sau:

Căn cứ Điều 207 Bộ luật dân sự thì sở hữu chung trong trường hợp này có thể là sở hữu chung theo phần hoặc sở hữu chung hợp nhất. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

Do không xác minh được quyền sở hữu của mẹ bạn đến đâu nên tài sản sẽ được chia đôi, bố của bạn sẽ coi như được sở hữu một nửa phần đất đó.

Do đó, khi bố của bạn mất, một nửa phần đất đó sẽ bị coi là di sản và được chia thừa kế. Theo thông tin bạn đưa ra thì bố bạn mất không để lại di chúc nên, mảnh đất này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a)Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; …

Theo đó, một nửa của mảnh đất trên sẽ được chia thành các phần bằng nhau (5 phần) và được chia cho mẹ của bạn, bạn và những người con riêng của bố bạn (3 người).

Nói cách khác, những người con riêng của bố bạn cũng là một trong những chủ ở hữu quyền sử dụng đất của mảnh đất mà mẹ bạn muốn chuyển nhượng cho bạn. Do vậy, để chuyển nhượng được mảnh đất sẽ cần sự đồng ý của mẹ bạn và các người con riêng của bố bạn (cả 3 người).

Nếu tất cả mọi người đều đồng ý chuyển nhượng mảnh đất cho bạn thì bạn có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng của chủ thể có thẩm quyền. Sau khi hợp đồng được công chứng, bạn có thể đi đăng ký biến động đất đai để thay đổi tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất thành tên của bạn hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trong trường hợp một trong 3 người con riêng của bố bạn không đồng ý việc chuyển nhượng, bạn có thể thỏa thuận với người đó về việc trao đổi lợi ích công bằng để nhận được sự đồng ý chuyển nhượng mảnh đất này hoặc yêu cầu phân chia quyền lợi. yêu cầu phân chia quyền lợi ở đây được hiểu là phân chia rõ rang phần quyền sử dụng đất của đối phương và thực hiện việc tách thửa. Tuy nhiên, để được tách thửa, diện tích mảnh đất sau khi tách cũng cần phải đáp ứng điều kiện nhất định. Sau khi tách thửa, các bên có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phần đất mới (sau khi tách) mà không cần sự đồng ý của người đã không đồng ý kia.

Trong trường hợp, không thể thực hiện việc tách thửa do không đáp ứng các yêu cầu theo quy định thì bạn cần yêu cầu Tòa án hoặc các chủ thể có thẩm quyền khác giải quyết tranh chấp.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ nhận được chuyển nhượng nếu các chủ sở hữu của mảnh đất được chuyển nhượng đều đồng ý việc chuyển nhượng này. Khi đã nhận được sự đồng ý của các đồng chủ sở hữu thì cần ký kết hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện việc công chứng hợp đồng. Kể từ khi hợp đồng được công chứng, việc chuyển nhượng đã được công nhận. Bạn có thể tiến hành đăng ký biến động đất đai hoặc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để là người duy nhất đứng tên trong Giấy chứng nhận.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191