Biên bản viết tay có xác nhận của phường thì có giá trị không

Câu hỏi của khách hàng: Biên bản viết tay có xác nhận của phường thì có giá trị không

Cho em xin hỏi hội, 1 biên bản viết tay nội dung họp gia đình phân chia tài sản tầm 10 tỷ
-đem ra phường phó chủ tịch chỉ ký nhận toàn thể chữ ký đó là đúng
-ngoài ra không công chứng hay thấy hiện vật vậy tờ họp gia đình đó có được công nhận không ạ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giá trị của văn bản vi phạm hình thức

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Biên bản viết tay có xác nhận của phường thì có giá trị không

Trong việc xác định giá trị của một giao dịch dân sự, bạn cần xác định rõ hình thức của giao dịch, mục đích giao dịch, chủ thể tham gia giao dịch,… Trong một số trường hợp, giao dịch dân sự sẽ chỉ phát sinh giá trị khi giao dịch đó được công chứng bởi chủ thể có thẩm quyền, tuy nhiên, phần lớn các giao dịch sẽ không yêu cầu công chứng, tức, việc không công chứng không làm ảnh hưởng tới giá trị giao dịch.

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự thì một giao dịch dân sự (trong đó có hợp đồng dân sự) sẽ chỉ phát sinh hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện sau:

-Chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

-Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

-Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

-Ngoài ra, trong trường hợp hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch phải đáp ứng yêu cầu về hình thức đó.

Trong trường hợp những yếu tố về năng lực của chủ thể, yếu tố tự nguyện, mục đích, nội dung của giao dịch hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật thì giao dịch mà bạn đưa ra, tức là biên bản viết tay nội dung họp gia đình phân chia tài sản sẽ chỉ không có giá trị nếu pháp luật có quy định việc phân chia tài sản này phải được thể hiện dưới dạng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký hợp đồng, giao dịch. Do, theo thông tin bạn cung cấp thì biên bản trên đã được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chứng thực chữ ký. Nên, nếu quy định của pháp luật yêu cầu việc phân chia tài sản cần chứng thực chữ ký để phát sinh hiệu lực thì giao dịch mà bạn đưa ra vẫn có giá trị.

Mà thông thường, một giao dịch sẽ yêu cầu được công chứng, chứng thực hay đăng ký khi giao dịch này là giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản (như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở,…) hoặc những tài sản phải đăng ký chủ sở hữu (như xe máy, xe ô tô,…).

Nên, với những tài sản khác mà pháp luật không có quy định về hình thức thể hiện của giao dịch phải được công chứng/chứng thực/đăng ký hợp đồng, giao dịch dân sự thì biên bản bạn đưa ra hoàn toàn có giá trị pháp lý. Với những tài sản mà việc phân chia cần được công chứng/chứng thực/đăng ký hợp đồng, giao dịch dân sự thì việc phân chia đó không có giá trị pháp lý do vi phạm quy định về hình thức văn bản.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, vấn đề biên bản mà bạn đưa ra có hiệu lực khi không công chứng hay không còn phụ thuộc vào nội dung cụ thể của việc chia tài sản (tài sản đó là những tài sản gì, việc phân chia đó có làm thay đổi thông tin gì trên Giấy đăng ký/ chứng nhận,… đã được các chủ thể có thẩm quyền cấp hay không).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191