Làm thế nào để bên vay tiền không trả bị xử lý hình sự

Câu hỏi của khách hàng: Làm thế nào để bên vay tiền không trả bị xử lý hình sự

Chào luật sư.

Anh ở bên cầm đồ.

Bây giờ anh muốn làm thế nào đấy để khi bên vay không trả lại tiền thì mình có thể đưa họ lên hình sự ấy. Anh dự định là anh viết giấy ủy quyền nhờ cho người ta mua hộ tài sản. Thế có an toàn không?

Kiểu như, làm ủy quyền nhờ người khác mua xe trong vòng 7 ngày, rồi mình đưa tiền cho người ta. Nếu hết 7 ngày mà không mua được xe, họ cũng không trả lại tiền thì có hình sự được không? Tại nếu mà dân sự thì khó đòi lắm. Với lại làm hợp đồng ủy quyền thì có cần công chứng không, mình đánh máy nội dung nhưng mà viết tay thông tin thì có làm sao không. Vẫn được chứ.

Anh không muốn đòi dân sự, nếu họ không trả thì làm sao để bắt họ chịu trách nhiệm hình sự. Cho họ chịu trách nhiệm hình sự thì anh không quan tâm có đòi lại được tiền hay không.


Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Hình sự hóa khi bên vay không trả nợ

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Làm thế nào để bên vay bị xử lý hình sự khi không trả nợ

Trên thực tế, khi một cá nhân cho một chủ thể khác vay tiền, điều mà bên cho vay quan tâm là số tiền mà mình nhận lại được sau khi kết thúc thời hạn vay. Ít nhất phải đảm bảo luôn được trả lại số tiền lãi khi hết thời hạn cho vay . Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bên vay có thể không trả lại số tiền đã vay và số lãi phát sinh theo đúng thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Nếu có thể nâng trách nhiệm mà bên vay phải gánh chịu lên hình sự thì việc bên vay sẽ thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận sẽ được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, để nâng trách nhiệm của bên vay trong trường hợp bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hành vi của bên vay phải có dấu hiệu của tội phạm.

Trong trường hợp không trả nợ, bên vay đã “chiếm đoạt” một số tiền nhất định, hành vi này làm ảnh hưởng tới quan hệ sở hữu của bên cho vay. Căn cứ Chương XVI Bộ luật hình sự (từ Điều 168 đến Điều 180 Bộ luật hình sự) quy định về các tội xâm phạm sở hữu thì trong trường hợp có được tài sản qua một hợp đồng vay, bên vay chỉ có thể có dấu hiệu của một trong số những tội sau:

-Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …

Theo đó, nếu bên cho vay chứng minh được rằng bên vay có yếu tố gian dối trong việc xác lập thỏa thuận để bên vay tin tưởng giao tài sản, từ đó có hành vi chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay có thể tố cáo bên vay về tội này.

-Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. …

Theo đó, nếu bên vay có được số tiền vay có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đó hoặc đến thời hạn trả lại tiền mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, hoặc đã sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tiền thì bên cho vay cũng có thể tố cáo hành vi này của bên vay để chủ thể có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Ngoài ra, về việc xác lập hợp đồng ủy quyền. Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự thì hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, việc xác lập hợp đồng ủy quyền nhờ mua hộ xe không làm phát sinh trách nhiệm hình sự cho bên được ủy quyền khi người này không trả lại tiền theo đúng thỏa thuận. Bên được ủy quyền sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi người này có hành vi trốn tránh, không thừa nhận nghĩa vụ, có khả năng thực hiện nhưng không thực hiện,… tương tự như khi hai bên xác lập một hợp đồng vay mà thôi.

Về hình thức của hợp đồng. Là một giao dịch dân sự, hình thức của hợp đồng cần phù hợp với hình thức của giao dịch dân sự. Căn cứ Khoản 1 Điều 199 Bộ luật dân sự thì “giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Theo đó, việc hợp đồng ủy quyền được đánh máy hay viết tay, hay được sử dụng dưới dạng mẫu điền thông tin không làm ảnh hưởng tới giá trị của hợp đồng này.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc nâng trách nhiệm của bên vay khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận lên hình sự không phụ thuộc vào loại văn bản làm căn cứ để bạn cho bên vay nhận tiền mà phụ thuộc vào hành vi của bên vay khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu bên vay/ bên nhận tiền có các dấu hiệu của tội phạm thì bên giao tiền có quyền tố cáo hành vi này tới các chủ thể có thẩm quyền.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191