Câu hỏi của khách hàng: Lập hộ kinh doanh sản xuất rượu thủ công thì đăng ký mã ngành và vốn thế nào
Chào anh chị, em muốn đăng ký thành lập hộ kinh doanh để sản xuất rượu thủ công. Em đăng ký mã ngành kinh doanh và vốn điều lệ như thế này được không ạ. Cảm ơn sự giúp đỡ, tư vấn của các anh chị ạ
Luật sư Tư vấn Luật đầu tư – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 29/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để sản xuất rượu thủ công
- Luật đầu tư năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016)
- Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu
- Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
3./ Luật sư trả lời Lập hộ kinh doanh sản xuất rượu thủ công thì đăng ký mã ngành và vốn thế nào
Căn cứ Phụ lục 4 Luật đầu tư thì ngành, nghề kinh doanh rượu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tức là chủ thể kinh doanh rượu phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật mới được kinh doanh rượu trên thực tế. Tuy nhiên, trong số những điều kiện để chủ thể được kinh doanh rượu không có quy định về vốn điều lệ của chủ thể kinh doanh. Nên, với số vốn bất kỳ, chủ thể đều có thể thực hiện kinh doanh rượu khi đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy định.
Trước hết, rượu được hiểu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (Ethanol). Rượu không bao gồm bia các loại, nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.
Để kinh doanh rượu (gồm sản xuất rượu và phân phối rượu), trước hết bạn cần đăng ký doanh nghiệp trong đó có đăng ký ngành, nghề kinh doanh rượu.
Căn cứ vào Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì việc sản xuất đồ uống, mà cụ thể là chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh có mã ngành 11010 (trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mã ngành đăng ký là 1101) và việc bán buôn đồ uống có cồn (cụ thể là bán buôn rượu mạnh) có mã ngành là 46331 (mã ngành đăng ký trên hồ sơ là 4633); việc bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh (trong đó có rượu mạnh) có mã ngành là 47230 (đăng ký trên hồ sơ là 4723).
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành, nghề phù hợp với hoạt động bạn dự định. Bạn cần thực hiện các thủ tục để đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện việc sản xuất, buôn bán rượu mạnh trên thực tế. Các điều kiện đó được quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Cụ thể, để sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thì chủ thể phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP:
-Phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
-Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Trong trường hợp rượu sản xuất ra để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại thì cần có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
Trong trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.
Như vậy, do việc chưng, tinh cất và pha chế rượu mạng này cũng như việc buôn bán sau khi sản xuất rượu, pháp luật không yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu. Nên bạn có thể đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh với số vốn gia đình bạn có. Tuy nhiên, cần đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.