Bị hại đã rút đơn thì tại sao công an vẫn điều tra và bắt giam

Câu hỏi của khách hàng: Bị hại đã rút đơn thì tại sao công an vẫn điều tra và bắt giam

Mong mọi người giúp đỡ ạ
Chuyện là anh trai mình chơi cờ bạc vay tiền 1 người …
Sau 1 thời gian người này đòi tiền và có ý dọa dẫm đến chị dâu và thành viên gia đình mình …
Hôm đó mình cùng bạn bè đi chơi về thì mới hay được tin đó ( tin dọa dẫm gia đình mình)
Lúc đó mình có chút rượu bia lên tìm người kia hỏi nói chuyện..
Lúc gặp được người kia thì đánh nhau..hậu quả là thương tích người kia 60/70%
Gia đình mình có bồi thường và người bên kia cũng đã rút đơn kiện..(và thỏa thuận giấy tờ không tái kiện)
Nhưng hiện tại anh trai mình và vài người bạn vẫn bị công an tạm giam..
Mình xin hỏi nếu như bị sử án thì chỉ có bị bên bị cáo mà không có bên bị hại thì sử thế ạ
+khi bên bị hại đã rút đơn tại sao công an vẫn làm việc và bắt giam ạ
Anh chị cô chú nào có hiểu về luật xin giúp đỡ cho em ( cháu với ạ)


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 10/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Có được khởi tố vụ án hình sự khi bị hại rút đơn không

  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Bị hại đã rút đơn thì tại sao công an vẫn điều tra và bắt giam

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn (cùng một số người) đã có hành vi cố ý gây thương tích cho một người khác làm người này bị thương tích lên tới 60, 70%. Và mặc dù bên bị hại (người có thương tích) đã rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nhưng những người có hành vi vi phạm vẫn bị tạm giam điều tra. Việc điều tra được tiếp tục thực hiện ngay cả khi bên bị hại đã rút yêu cầu trong trường hợp này chưa có dấu hiệu của việc vi phạm phía chủ thể có thẩm quyền, bởi:

-Căn cứ thông tin bạn cung cấp và Điều 134 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 60 đến 70% sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm theo quy định tại điểm a Khoản 2 hoặc điểm a Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự tùy thuộc vào tỷ lệ thương tích mà bạn gây ra cho người bị thiệt hại.

Nói cách khác, thông thường, với việc cố ý gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 60% đến 70% thì người có hành vi vi phạm sẽ bị khởi tố về tội phạm được quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự.

-Mà căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1.Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. …

Theo đó, trường hợp vụ án hình sự được khởi tố về tội phạm quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự không thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bên bị hại- tức là bên bị thương tích.

Nên, việc bên bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bạn đưa ra không phải là căn cứ để buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp, vụ án của bạn đưa ra chưa kết thúc quá trình điều tra để chủ thể có thẩm quyền nhận định vụ án có thuộc phạm vi vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hay không thì việc điều tra vẫn sẽ được tiến hành đến khi có căn cứ để xác định vụ án trên thuộc vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Tuy nhiên, việc bên bị hại rút yêu cầu (hay chính xác hơn là việc bên có hành vi vi phạm đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả) sẽ là căn cứ để bên vi phạm được Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi đây được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, với mức độ thương tích/tổn hại sức khỏe mà người có hành vi vi phạm gây ra cho bên bị thiệt hại là từ 60% đến 70%, việc bên bị thiệt hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không phải là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền chấm dứt điều tra hoặc không tiếp tục khởi tố vụ án hình sự trên. Tuy nhiên, việc này có thể là căn cứ để Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người có hành vi vi phạm.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191