Biên bản thay đổi thành viên công ty chỉ có chữ ký của các thành viên còn lại có đúng không?

Câu hỏi của khách hàng: Biên bản thay đổi thành viên công ty chỉ có chữ ký của các thành viên còn lại có đúng không?

Các anh/chị hỗ trợ em tình huống này được không ạ?
Năm 2007, công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại – Dịch Vụ Bếp Việt được thành lập bởi 3 thành viên A, B, C với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng như sau:
1. A góp 150 triệu tiền mặt.
2. B góp 300 triệu (máy móc).
3. C góp 550 triệu (C là giám đốc và là người đại diện trước pháp luật).
Năm 2012, do mâu thuẫn giữa các thành viên trong công ty, B xin rút khỏi thành viên của công ty và được chấp nhận, trong biên bản họp hội đồng thành viên chỉ có A và C họp, A và C đồng ý cho B rút khỏi thành viên nhưng B không ký vào biên bản rút khỏi thành viên công ty. A và C nhờ công ty phụ để chuyển đổi giấy phép kinh doanh từ 3 thành viên xuống thành 2 thành viên.
Năm 2015, A và C mâu thuẫn và bị B xúi giục, A và B kiện C với nội dung là C giả chữ ký của B để thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.
• C không chịu trả tài sản cho A và B khi rút vốn.
• Trên thực tế, A chỉ góp 50 triệu tiền mặt (có biên lai).
• B góp 1 máy 170 triệu (có biên lai của NXS).
1. Theo bạn, biên bản họp hội đồng thành viên của A và C có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?
2. Nếu anh/chị là C, anh/chị sẽ quyết định như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho chính mình?
3. Anh/chị hãy tư vấn cho C thủ tục như thế nào để một mình đứng tên trong công ty với tên gọi là logo cũ đó?
4. Giả sử chiếc máy của anh B và anh B xin rút vốn, đòi lại số tài khoản đó. Theo bạn C có quyền trả đúng số tiền bằng chiếc máy mới đó không? Tại sao?
5. Anh/chị hãy tư vấn cho C để C khỏi trả chiếc máy đó cho B.


Luật sư Tư vấn Luật doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 22/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thay đổi thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên

  • Luật doanh nghiệp năm 2005
  • Luật doanh nghiệp năm 2014
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

3./ Luật sư trả lời Biên bản thay đổi thành viên công ty chỉ có chữ ký của các thành viên còn lại có đúng không?

Công ty trách nhiệm hữu hạn được hiểu là doanh nghiệp do một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân làm chủ sở hữu (chủ sở hữu công ty) được chia làm hai loại: công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Trong quá trình hoạt động của công ty TNHH hai thành viên trở lên mà có sự thay đổi thành viên công ty dẫn đến chỉ còn một chủ sở hữu, công ty cần thực hiện thủ tục chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên để được tiếp tục hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trước tiên, theo thông tin bạn cung cấp thì tỷ lệ góp vốn điều lệ của A, B và C lần lượt là 15%, 30% và 55%. Bởi, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp  thì tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.

Do bạn không đưa rõ các yếu tố về điều kiện để tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên cũng như các điều kiện khác quy định trong Điều lệ công ty, nên, những nhận định dưới đây được đưa ra trên các quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Ngoài ra, do việc B rút vốn và các bên thông qua việc này trong năm 2012 nên pháp luật áp dụng để giải quyết quy định về biên bản họp Hội đồng thành viên là Luật doanh nghiệp năm 2005 cùng những văn bản hướng dẫn.

Căn cứ Khoản 1 Điều 51 Luật doanh nghiệp 2005 thì cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất là 75% vốn điều lệ. Mà theo thông tin bạn cung cấp thì chỉ có A và C tham gia họp Hội đồng thành viên (tổng số vốn điều lệ hai người này nắm giữ chỉ đạt 65% vốn điều lệ của công ty), do vậy, cuộc họp Hội đồng thành viên trên lần thứ nhất không được phép tiến hành mà không có B.

Tuy nhiên, vào cuộc họp lần thứ hai (trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp  lần thứ nhất) các thành viên dự họp chỉ cần đại diện 50% vốn điều lệ là cuộc họp có thể tiến hành (theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật doanh nghiệp 2005).

Trong cuộc họp Hội đồng thành viên, A và C đã cùng đồng ý về việc cho B rút vốn khỏi công ty nên theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 60 Luật doanh nghiệp, quyết định của Hội đồng thành viên trong trường hợp để B rút vốn khỏi công ty được thông qua do được số phiếu tán thành đại diện 65% tổng số vốn góp cả các thành viên dự họp.

Căn cứ Khoản 2 Điều 53 Luật doanh nghiệp thì biên bản họp Hội đồng thành viên được thông qua ngay trước khi kết thúc cuộc họp và cần họ, tên, chữ ký của thành viên, người đại diện theo ủy quyền dự họp.

Theo đó, việc B không ký vào biên bản họp không phải là căn cứ để biên bản họp mất hiệu lực.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của C không bị xâm phạm, bạn cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ có khả năng chứng minh sự việc trên được thực hiện theo đúng thủ tục pháp luật (có triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên để thông qua quyết định cho B rút vốn, biên bản mà C và A đã ký là biên bản của cuộc họp lần thứ hai,…).

Trong trường hợp sau khi B rút vốn, A có tranh chấp với C và cũng rút vốn khỏi công ty. Tức là công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại – Dịch Vụ Bếp Việt trên thực tế chỉ còn một người chủ sở hữu. Ngoài thực hiện các thủ tục như đăng ký thay đổi danh sách thành viên công ty, số vốn điều lệ,… như những trường hợp có thành viên rút vốn khỏi công ty, C cần thực hiện các thủ tục chuyển đổi loại hình hoạt động của công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản liên quan khi thay đổi này xảy ra từ ngày 1/7/2015. Cụ thể, C cần thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/11/2015). Theo đó, chủ thể thực hiện thủ tục cần nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký chuyển đổi cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đăt trụ sở. Hồ sơ bao gồm:

-Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

-Điều lệ công ty mới;

-Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu công ty (tức là của C);

-Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng (nếu có);

-Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc chuyển đổi loại hình công ty.

Thời gian xử lý thường là 5 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ chuyển đổi hợp lệ.

Kết quả khi hoàn thành thủ tục: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

Về việc trả lại phần vốn góp cho B. Theo quy định của pháp luật, khi B dùng máy móc để góp vốn, vốn góp của B được quy ra tiền (giá trị của máy móc) để tiến hành phân chia tỷ lệ vốn góp. Do đó, khi B rút vốn, phần vốn B được trả lại được xác định theo chính tỷ lệ vốn góp được ghi nhận trước đó, không tính theo giá trị của máy tại thời điểm B rút vốn cũng không tính theo giá trị máy mới.

Nói cách khác, C có quyền và nghĩa vụ trả lại số tiền tương ứng với phần vốn góp của B theo tỷ lệ phần trăm ở vốn điều lệ, không tính trên giá trị máy móc mà B góp.

Còn về việc trả lại máy. Bạn cần xác định chủ sở hữu máy móc tại thời điểm này là chủ thể nào. Khi B đã sử dụng máy móc để góp vốn thành lập công ty, số máy móc đó được coi là tài sản thuộc sở hữu của công ty (và được chủ thể nhà nước có thẩm quyền công nhận), việc rút vốn của B chỉ phát sinh nghĩa vụ trả lại phần vốn góp của B, việc trả này hoàn toàn có thể là trả tiền mà không phải là trả máy móc. Nói cách khác, tài sản là của công ty, và công ty hoàn toàn có quyền định đoạt số tài sản đó. Việc C phải chứng minh là số máy móc trên là tài sản của công ty (có thể qua văn bản góp vốn của B).

Như vậy, trong trường hợp của bạn, biên bản họp của A và C ký kết có hiệu lực hay không không phụ thuộc vào việc biên bản có chữ ký của B hay không mà phụ thuộc vào trình tự, thủ tục tổ chức họp, thông qua quyết định,… Sau khi cả A và B rút vốn khỏi công ty, C cần thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty từ TNHH hai thành viên trở lên thành công ty TNHH một thành viên để được tiếp tục hoạt động công ty với tên cũ.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191