Đất đai đứng tên bố mẹ thì có bị kê biên thi hành án phạt tiền không?

Câu hỏi của khách hàng: Đất đai đứng tên bố mẹ thì có bị kê biên thi hành án phạt tiền không?

Chào các bác!

Em xin được các bác tư vấn giúp em trường hợp của em.

Em bị kết án với hình thức phạt tiền. Nhưng trong bản án có khoản thu hồi nộp ngân sách nhà nước. Trong tổng số tiền thu hồi đó bao gồm cả số tiền em đã phải chi cho việc đầu tư. Vậy em hỏi số tiền em đã phải chi phí có phải tính là nộp lại ngân sách không. Nếu em không có tài sản riêng, kể cả tài sản chung thì có thể bị kê biên nhà của bố mẹ em không, vì nhà em ở chung với bố mẹ em. Đất đai đứng tên bố mẹ em. Em bị kết án hình sự ạ

Mong các bác tư vấn giúp em với ạ. Em cảm ơn


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tài sản gì sẽ bị kê biên

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

3./ Luật sư trả lời Đất đai đứng tên bố mẹ thì có bị kê biên thi hành án phạt tiền không?

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang thắc mắc khi về việc đất đai đứng tên bố mẹ bạn có bị kê biên khi thi hành án phạt tiền không. Cùng với khoản tiền thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo bản án của Tòa.

Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự thì vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu và nộp ngân sách nhà nước. Mà khi việc đầu tư của bạn là hành vi vi phạm pháp luật, khoản tiền đầu tư của bạn chính là vật chứng, số tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư là tài sản do phạm tội mà có. Nên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có quyền tịch thu số tiền đó mà nộp ngân sách nhà nước.

Căn cứ Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:

Điều 128. Kê biên tài sản

1.Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. ..

3.Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. …”

Theo đó, việc kê biên chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nghĩa là chủ thể có thẩm quyền kê biên tài sản chỉ được kê biên tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo. Còn tài sản mà chưa xác định rõ quyền sở hữu có thuộc về bị can, bị cáo hay không thì chủ thể có thẩm quyền không được kê biên.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì phần đất trên đứng tên bố, mẹ của bạn, nên phần đất đó được xác định là thuộc sở hữu hợp pháp của bố, mẹ của bạn. Bạn không được xác định là chủ sở hữu của mảnh đất đó, hay mảnh đất này không phải tài sản của bạn. Do vậy, việc kê biên tài sản của bạn không được thực hiện với mảnh đất trên.

Tuy nhiên, bạn cần xem xét về tính hợp pháp của việc bố, mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất trên. Bởi, nếu chủ thể có thẩm quyền có căn cứ và chứng minh được rằng quyền sử dụng mảnh đất trên là thuộc sở hữu của bạn (như trước đó, bố, mẹ của bạn đã công chứng hợp đồng tặng cho bạn mảnh đất trên, hay bạn mới thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng mảnh đất này để trốn tránh nghĩa vụ,…)

Như vậy, trong trường hợp của bạn, chủ thể có thẩm quyền chỉ được kê biên phần tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bạn. Phần đất đai đứng tên bố mẹ của bạn sẽ không bị kê biên thi hành án phạt tiền nếu không chủ thể có thẩm quyền không chứng minh được quyền sở hữu (1 phần hoặc toàn bộ) của bạn với quyền sử dụng mảnh đất.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191