Câu hỏi của khách hàng: Muốn sao lưu hồ sơ và các biên bản thì phải làm đơn như thế nào?
Các bạn cho mình hỏi 1 chút về tòa xử án: Hiện tại vụ án của mình xử rồi, tòa án đã cắt giảm hồ sơ vụ án, bao che tội phạm, hiện giờ mình lên tối cao , mình muốn trích lục sao lưu lại hồ sơ tại tòa án, vậy phải làm đơn như thế nào vậy, và mình yêu cầu xin sao lưu lại các biên bản và các tài liệu như vậy phải viết rõ trong đơn à.
xin cảm ơn mọi người đã giúp đỡ
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 24/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Yêu cầu sao chụp hồ sơ điều tra vụ án hình sự
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
3./ Luật sư trả lời Muốn sao lưu hồ sơ và các biên bản thì phải làm đơn như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn muốn sao lưu hồ sơ và các biên bản vụ án, bạn thắc mắc phải làm đơn như thế nào và có phải trình bày rõ các biên bản, hồ sơ yêu cầu sao lưu trong đơn không. Quyền được sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án được thực hiện theo pháp luật về thủ tục tố tụng hình sự.
Căn cứ vào Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
“Điều 82. Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
1.Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. …”
Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP thì bị can cũng là một chủ thể có quuyền yêu cầu đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP thì chủ thể có thẩm quyền sẽ từ chối việc cho bị can đọc, ghi chếp tài liệu trong trường hợp:
-Các tài liệu liên quan đến bí mật nhà nước; bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình của người tham gia tố tụng mà họ đã yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giữ bí mật theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Các thông tin, tài liệu mà người tham gia tố tụng là người tố giác, báo tin về tội phạm đã yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giữ bí mật;
-Các quyết định, lệnh, văn bản tố tụng đã được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao cho bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
-Có căn cứ xác định bị can thực hiện một trong các hành vi sau:
+Mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, dữ liệu điện tử, đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
+Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm: ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối; ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối; ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan; ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối; ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng.
+Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
+Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng; Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
-Có căn cứ xác định bị can tiết lộ thông tin vụ án, bí mật Điều tra mà mình biết khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu giữ bí mật; sử dụng tài liệu đã được đọc, ghi chép vào Mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
-Khi chưa kết thúc Điều tra vụ án, vụ án đang trong giai đoạn phục hồi Điều tra, Điều tra bổ sung hoặc Điều tra lại hoặc Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử;
-Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra quyết định đình chỉ Điều tra hoặc tạm đình chỉ Điều tra; đình chỉ Điều tra hoặc tạm đình chỉ Điều tra đối với bị can; đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Để yêu cầu được sao chụp hồ sơ, tài liệu, bị can cần gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành đang thụ lý, giải quyết vụ án:
-Văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu với nội dung phải có các thông tin sau:
+Các thông tin của bị can;
+Địa chỉ liên lạc;
+Điện thoại liên hệ
+Các tài liệu cần đọc, ghi chép
Theo đó, khi bạn làm đơn yêu cầu sao chụp tài liệu, bạn cần nêu rõ các tài liệu mà bạn yêu cầu được sao chụp.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của bạn, chủ thể có thẩm quyền có trách nhiệm chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và thông báo bằng văn bản, trong đó ghi rõ địa điểm, khoảng thời gian hợp lý để bị can có thể đọc, ghi chép tài liệu nếu những tài liệu đó không phải là tài liệu mà bị can không được đọc, ghi chép.
Đơn yêu cầu có thể được trình bày như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
………, ngày…. tháng…. năm………
ĐƠN YÊU CẦU SAO CHỤP TÀI LIỆU
(V/v: Yêu cầu được đọc, ghi chép bản sao tài liệu/tài liệu được số hóa)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Tên tôi là:………………………………… Sinh năm:…………….
Chứng minh nhân dân số:……………………………do……………………. cấp ngày…. tháng…. năm………
Là: Bị can trong vụ án hình sự số………………… đang trong thời gian…………………. (ví dụ: chuẩn bị xét xử phúc thẩm)
Địa chỉ thường trú:………………………………………………………
Hiện đang cư trú tại:……………………………………………………….
Số điện thoại liên hệ:……………………………………
Tôi xin trình bày sự việc như sau:
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
(Trình bày lý do yêu cầu)
Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017:
“Điều 82. Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
1.Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
…”
Và Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP:
“Điều 5. Tiếp nhận yêu cầu đọc, ghi chép tài liệu của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
1.Khi bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án. Nội dung văn bản yêu cầu phải nêu rõ các thông tin của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội, địa chỉ liên lạc, điện thoại liên hệ và các tài liệu cần đọc, ghi chép để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết.
2.Trường hợp bị can đang bị tạm giam có văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển văn bản yêu cầu của bị can cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án đó trong thời hạn 01 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của bị can.”
Tôi yêu cầu Quý cơ quan tổ chức cho tôi được đọc, ghi chép hồ sơ vụ án hiện tôi đang là bị can, cụ thể là những tài liệu sau:
-………………………
-………………………
(Liệt kê tài liệu)
Tôi xin cam đoan những thông tin tôi đã nêu trên là đúng sự thật và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin trên.
Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết yêu cầu của tôi theo quy định của pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn (Ký và ghi rõ họ tên) |
Như vậy, để được sao lưu tài liệu, hồ sơ, bạn cần đơn yêu cầu sao chụp tài liệu và gửi tới chủ thể có thẩm quyền tại thời điểm gửi đơn, trong đơn bạn cần xác định rõ bạn cần sao chụp những tài liệu, chứng cứ nào. Do theo thông tin bạn cung cấp thì hồ sơ đang ở Tòa án nhân dân tối cao nên đơn yêu cầu của bạn gửi tới Tòa án nhân dân tối cao.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.