Các biện pháp có thể liên lạc với người đang chịu án hình sự

Câu hỏi của khách hàng: Các biện pháp có thể liên lạc với người đang chịu án hình sự

Nhà mình bị lừa đảo một số tiền lớn , kẻ lừa đảo đã bị giam (do một nạn nhân khác bị lừa đảo nên tố cáo, không phải nhà mình).
Nay mình muốn vào trại thăm kẻ lừa đảo, để bàn luận hướng giải quyết, trả lại tiền cho nhà mình ( nếu không sẽ tiến hành khởi kiện).
Vậy mọi người cho hỏi : người đang chịu án HÌNH SỰ (tội lừa đảo) , ngoài người thân vào thăm, mình muốn tiếp xúc với người bị giam được không ạ? Hay phải liên lạc thông qua gia đình của kẻ lừa đảo ?


Luật sư Luật Tố tụng Hình sự – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 03/07/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề quy định về thăm người bị tạm giam

  • Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

3./ Luật sư trả lời câu hỏi Các biện pháp có thể liên lạc với người đang chịu án hình sự

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định như sau:

“Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.”

Bên cạnh đó, tại Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:

“1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

2.Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.

Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3.Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.

…”

Đối với trường hợp của bạn thì hai bên không có quan hệ thân nhân theo như quy định.

Như vậy, người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Bạn không thuộc các trường hợp đã nêu do đó bạn không được gặp người bị tạm giam nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191