Câu hỏi của khách hàng: Người góp ít người góp nhiều đến lúc chốt lỗ chia thế nào
Em xin chào toàn thể anh chị. Hiện tại em đang có tình huống như thế này, mong các anh chị phân tích và giải đáp giúp em.
Em và ông anh quen biết có chung tiền mở một xưởng để làm ăn,vợ anh ý làm kế toán luôn cho xưởng. Do em làm công việc khác là chính, việc mở xưởng chỉ là phụ, nên hiện tại em muốn tính vốn để rút ra .Hiện em đã góp khoảng 160 triệu đồng, anh ấy góp khoảng 600 triệu đồng. Bây giờ em muốn rút vốn ra tính thua lỗ, anh chị ấy lại bảo chia thua lỗ là 50/50 thì có được không ạ và tính thua lỗ ra khéo em lại còn âm cả cái tiền góp. Vậy bây giờ em phải làm thế nào để rút được một phần tiền của mình về. Có ai chia 50/50 như thế kia không hay chia theo cổ phần. Nếu như anh chị nhất quyết chia 50-50 thì em có cách nào nhờ pháp luật để đòi lại một phần tiền không. Giấy tờ chuyển tiền thì em chỉ chuyển khoản, đưa tiền mặt xác nhận với nhau thôi chứ không có ký kết gì cả. Rất mong nhận được giải đáp của tất cả anh chị
Em xin chân thành cảm ơn anh/chị
Luật sư Luật Doanh nghiệp – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 03/07/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề cách thức phân chia lợi nhuận và lỗ theo phần vốn góp
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật Doanh nghiệp 2014
3./ Luật sư trả lời câu hỏi Người góp ít người góp nhiều đến lúc chốt lỗ chia thế nào
Nếu công ty bạn góp vốn là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lệ thì thành viên, cổ đông phải chịu trách nhiệm hữu hạn với phần vốn góp vào công ty. Vì vậy, cổ đông không phải lấy tài sản cá nhân để bù lỗ.
Nếu công ty bạn góp vốn là công ty hợp danh thì thành viên trong công ty phải chịu lỗ theo quy định tại điểm đ, e khoản 2 Điều 176 Luật doanh nghiệp: Thành viên hợp danh có các nghĩa vụ sau đây:
“….
đ) Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;
e) Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;”
Như vậy, đối với công ty hợp danh, nếu các bên không có thỏa thuận về việc phân chia lợi nhuận và chịu lỗ thì chỉ được hưởng lợi nhuận và chịu lỗ tương đương phần vốn góp trong công ty.
Theo như thông tin mà bạn đưa ra thì bạn và người bạn kia không có thỏa thuận gì về việc phân chia lợi nhuận và chịu lỗ chia đều nên bạn chỉ phải chịu lỗ theo phần vốn góp của mình.
Vì hai bạn không có thỏa thuận về phân chia lợi nhuận hay quyền quản lý nên theo quy định tại Điều 209 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2.Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo quy định trên, trong trường hợp này, bạn có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, do đó, bạn hoàn toàn có quyền rút số vốn đã góp vào việc kinh doanh. Tuy nhiên, số tài sản bạn đã góp có thể không còn là 160 triệu như ban đầu mà có thể bị thay đổi phụ thuộc vào lợi nhuận hoặc thiệt hại từ việc kinh doanh của hai bạn.
Trong trường hợp bạn có yêu cầu rút vốn góp và đã thương lượng với người bạn của mình nhưng người đó không đồng ý thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đòi lại tài sản. Kèm theo đơn yêu cầu, bạn phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trường hợp bạn chỉ thanh toán tiền thông qua chuyển khoản thì bạn có thể ra ngân hàng yêu cầu phía ngân hàng hỗ trợ cung cấp cho bạn một bản danh sách giao dịch giữa bạn và người bạn kia.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.