Trách nhiệm của chủ hộ khi người trong hộ vay không trả?

Câu hỏi của khách hàng: Trách nhiệm của chủ hộ khi người trong hộ vay không trả?

Mọi người cho em hỏi trường hợp này. Cháu gái của mẹ em đã lâu không sống chung nhà nhưng vẫn không chịu cắt hộ khẩu và thường xuyên đến nhà mượn sổ với các lý do khác nhau như xin việc làm hay làm hồ sơ nhập học cho con. Sáng nay nhân viên ngân hàng đến nhà gửi giấy thông báo trả nợ gấp nếu trễ hẹn sẽ thi hành pháp lý. Mẹ em không hề biết chuyện này. Vậy mọi người cho em hỏi mẹ em là chủ hộ phải chịu trách nhiệm gì nếu bị khởi kiện ra toà. Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm.


Luật sư Tư vấn Pháp luật về Trách nhiệm trả nợ của chủ hộ – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 04/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của chủ hộ khi người trong hộ vay không trả?

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;

3./ Luật sư trả lời Trách nhiệm của chủ hộ khi người trong hộ vay không trả?

Theo thông tin bạn cung cấp, cháu gái của mẹ bạn đã không còn sống chung nhưng vẫn có hộ khẩu tại gia đình bạn. Người này vay tiền ngân hàng không trả. Bạn thắc mắc về việc mẹ bạn là chủ hộ có phải chịu trách nhiệm gì nếu bị khởi kiện ra tòa. Với trường hợp này, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Giao dịch giữa người cháu của mẹ bạn với phía ngân hàng là một dạng hợp đồng vay tài sản. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định

Bên cạnh đó, Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Những quy định trên cho thấy, người cháu là bên vay, ngân hàng là bên cho vay. Như vậy, người cháu có nghĩa vụ phải trả nợ cho ngân hàng khi đến thời hạn trả tiền theo thỏa thuận của người này và  ngân hàng. Đây là giao dịch do cá nhân thực hiện nên người cháu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với phía ngân hàng.

Việc người cháu chưa tách hộ khẩu, thường xuyên đến nhà bạn mượn sổ hộ khẩu và việc cán bộ ngân hàng đến nhà bạn thông báo về việc trả nợ của người cháu có thể hiểu rằng người cháu đã dùng sổ hộ khẩu của gia đình bạn để thực hiện giao dịch với ngân hàng. Việc sử dụng sổ hộ khẩu trong trường hợp này chỉ nhằm đảm bảo thủ tục cần thiết để vay tiền chứ không có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm trả nợ của người đứng tên với người chủ hộ. Người chủ hộ là mẹ bạn sẽ không có trách nhiệm gì với khoản vay trên.

Như vậy, trong giao dịch vay tiền với ngân hàng, người cháu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với ngân hàng. Mẹ bạn là chủ hộ không có trách nhiệm gì với khoản vay của người cháu.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191