Gia đình tôi có một tài sản bất động sản giá trị lớn đã được bán đấu giá và chuyển tiền đến cơ quan thi hành án (Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình) để thi hành quyết định tại các bản án. Cơ quan thi hành án đã thông báo tính lãi suất thi hành án đến các nguyên đơn và bị đơn là mẹ tôi và mẹ tôi đã đồng ý thông báo đó. Tuy nhiên, các nguyên đơn đã yêu cầu tính lại lãi suất. Do vậy, đến nay đã hơn 2 năm 6 tháng kể từ ngày tài sản của gia đình tôi được bán đấu giá mà mẹ tôi vẫn chưa nhận được số tiền còn lại của mình (số tiền còn lại sau khi thực hiện các bản án). Việc tính lãi suất là do cơ quan thi hành án thực hiện theo lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước theo từng thời điểm và theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc các nguyên đơn không đồng ý với lãi suất do cơ quan thi hành án xác định thì có thể tạm dừng việc thi hành án không? Số tiền thực hiện các bản án có hiệu lực chỉ là một phần của tài sản bán đấu giá, như vậy số tiền còn lại mẹ tôi có được lấy ra ngay hay không? Nếu phải đợi cơ quan thi hành án giải quyết thì đến bao giờ mẹ tôi mới nhận được tiền của mình? Mong nhận được giải đáp!
Gửi bởi: Nguyễn Mỹ Linh
Trả lời có tính chất tham khảo
Nội dung bạn hỏi, chúng tôi trả lời theo những vấn đề sau đây:
Một là, về mức lãi chậm thi hành án:
Do có nhiều bản án và bạn không nêu rõ thời điểm có hiệu lực của từng bản án, nội dung bản án tuyên lãi suất như thế nào, nên việc các nguyên đơn yêu cầu tính lại lãi suất cụ thể ra sao chúng tôi không thể khẳng định đúng hay sai. Bởi vì, việc tính lãi chậm thi hành án là vấn đề phức tạp khi áp dụng đối với từng bản án theo từng thời điểm khác nhau, do đó phải có hồ sơ cụ thể thì mới xác định được theo những trường hợp sau đây:
– Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực trước ngày 15/7/1997, thì theo quy định tại điểm b khoản 4 mục Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản: “Đối với các trường hợp tài sản phải thi hành án không phải là hiện vật thì cơ quan thi hành án thi hành đúng theo quyết định của Toà án, kể cả các khoản lãi mà bên phải thi hành án phải chịu do chậm thi hành án gây ra”. Vì thế, bản án, quyết định của Tòa án tuyên mức lãi suất chậm thi hành án như thế nào thì tính lãi chậm thi hành án theo mức đó, nếu không tuyên thì không tính lãi chậm thi hành án.
– Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực từ ngày 15/7/1997 đến trước ngày 01/7/2006 thì theo quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản có quy định về tính lãi suất chậm thi hành án: “Để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), Toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng. Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án”.
Lãi suất chậm thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án trong giai đoạn này là “mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định” theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 1995 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/1996).
– Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 đến nay thì theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006) thì lãi chậm thi hành án tính theo mức “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”.
– Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực trước ngày 01/7/2006 mà đến nay chưa thi hành xong thì mức lãi chậm thi hành án tính theo từng thời điểm mà các văn bản pháp luật nêu trên được áp dụng.
Ví dụ: Bản án có hiệu lực pháp luật năm 1996 tuyên mức lãi chậm thi hành án là lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng đến nay mới thu được tiền thi hành án, thì tính như sau: Từ 1996 đến 01/7/2006 tính theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, từ ngày 01/7/2006 đến nay tính theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với từng thời gian chưa thi hành án.
Hai là, về thứ tự và thời hạn thanh toán tiền thi hành án:
Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:
1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
4. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sảnđược thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Ba là, về chi trả số tiền thi hành án còn lại:
Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án đã thu được tiền từ việc bán tài sản thì phải thanh toán trong thời hạn hạn 10 ngày kể từ ngày thu được tiền nêu trên. Trường hợp đương sự khiếu nại về viẹc thanh tóan tiền thi hành án thì cơ quan thi hành án phải giải quyết khiếu nại nên chưa thanh tóan tiền thi hành án nhưng cũng chỉ được giữ lại số tiền tương ứng với khoản phải thi hành án mà người khiếu nại yêu cầu (nếu mức nhiều hơn so với tính toán của cơ quan thi hành án). Số tiền còn lại phải chi trả cho người phải thi hành án. Do đó, mẹ bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tính toán và chi trả số tiền còn thừa từ vệc bán tài sản đó.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, nếu vụ việc của mẹ bạn có liên quan đến bản án, quyết định của Tòa án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì theo quy định tại tiểu mục 3.2.1 điểm 3.2 khoản 3 mục III Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 05/7/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn: “Đối với khoản tiền đã thu nhưng việc thi hành án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời ghi tên người được nhận; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định của Toà án hay quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự”. Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện việc chi trả tiền thi hành án để chờ kết quả xét xử của Tòa án.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Thông tư 06/2006/TT-BTP Hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm: