Chia di sản trong trường hợp người để lại di sản để lại di chúc miệng

Chia di sản trong trường hợp người để lại di sản để lại di chúc miệng

 

 

Bà nội của tôi mất vào khoảng tháng 1 năm 2012. Khi mất bà nội tôi có nói lại là đất và nhà ở để lại cho cha tôi, cho cô Tám tôi 1 mảnh đất diện tích 4mx12m. Vậy nếu cha tôi và cô Tám tôi muốn chuyển tên thửa đất thì phải tiến hành thủ tục gì? Hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn mang tên bà nội tôi, bà nội tôi có 7 người con nhưng người lớn nhất đã mất.

 

Gửi bởi: Trương Quốc Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

Về tính hợp pháp của di chúc do bà nội bạn để lại:

Bộ luật dân sự có quy định về việc lập di chúc miệng nhưng di chúc miệng phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

 

– Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ (theo Ðiều 651 Bộ luật dân sự).

– Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (theo Ðiều 652 Bộ luật dân sự).

Theo những thông tin bạn cung cấp, trước khi chết, bà nội bạn chỉ nói lại rằng đất và nhà ở để lại cho bố bạn, cho cô Tám một mảnh đất diện tích 4mx12m. Như vậy, di chúc miệng của bà nội mới chỉ dừng lại ở việc bà nội truyền đạt ý cho con cháu mà chưa được những người làm chứng thể hiện bằng văn bản và thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định. Do đó, di chúc miệng của bà nội bạn không hợp pháp.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự, trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì áp dụng thừa kế theo pháp luật.

Thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang cho bố và cô Tám bạn:

Như trên đã nêu, di chúc do bà nội bạn để lại không hợp pháp nên di sản của bà sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự, theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, di sản của bà nội sẽ được chia cho 07 (bảy) người con của bà nội bạn (trong đó có bố và cô Tám của bạn), và những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có). Riêng đối với trường hợp người con cả của bà nội đã chết thì giải quyết như sau:

(i) Nếu bác cả của bạn đã chết trước bà nội: Theo quy định tại Ðiều 677 Bộ luật dân sự về thừa kế thế vị (“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”), các con của bác cả sẽ được hưởng phần di sản mà bác cả được hưởng nêu còn sống.

(ii) Nếu bác cả của bạn chết sau bà nội: Tại thời điểm bà nội chết, bác bạn vẫn có quyền hưởng di sản do bà nội bạn được hưởng. Sau khi bác chết thì phần di sản mà bác được hưởng sẽ được chia cho những người thừa kế của bác (theo di chúc hoặc theo pháp luật).

Trình tự, thủ tục như sau:

1. Công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do bà nội bạn để lại.

– Người tiến hành: Những người thừa kế theo pháp luật theo hướng dẫn nêu trên.

– Cơ quan có thẩm quyền: Tổ chức công chứng trên địa bàn nơi có bất động sản.

– Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

+ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

+ Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

+ Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

– Thủ tục:

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, những người thừa kế của bà nội bạn có thể thỏa thuận các nội dung sau:

(i) Những người thừa kế (không phải là bố bạn và cô Tám) đồng ý tặng cho phần di sản mà mỗi người được hưởng cho bố bạn và cô Tám.

(ii) Bố bạn và cô Tám trở thành hai người được hưởng toàn bộ di sản do bà nội bạn để lại, thỏa thuận phân chia di sản do bà nội bạn để lại như sau: cô Tám được hưởng phần thửa đất diện tích 4mx12m; bố bạn được hưởng toàn bộ phần thửa đất còn lại.

b. Đăng ký sang tên tại cơ quan có thẩm quyền.

Bố bạn và cô Tám nộp bộ hồ sơ đăng ký sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần di sản mà mình được hưởng.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

Tham khảo thêm:

1900.0191