Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Kon Tum – Nuôi con nuôi thực tế và vấn đề quyền thừa kế

Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Kon Tum – Nuôi con nuôi thực tế và vấn đề quyền thừa kế

Ngày 26/6/2001, ông A đi làm ruộng thì phát hiện có đứa bé 5 tháng tuổi bị ai bỏ dưới gốc cây xoài trong sân nhà ông. Ông có thông báo cho bà con lối xóm biết để nhận lại nhưng 1 tháng trôi qua mà vẫn không có tin tức gì. Ông A đã quyết định nhận X làm con nuôi của ông. Trong suốt thời gian nhận nuôi X ông A luôn hoàn thành trách nhiệm của người cha. Đến năm X 7 tuổi thì ông B xuất hiện, tự nhận là ông ngoại của X. Ông B không có ý định nhận lại X mà chỉ muốn để lại số tài sản của ông trị giá 500 triệu cho X sau khi ông chết. Từ đó ông B thường xuyên đến thăm và đưa X đi chơi. Trong một lần đi chơi xa, gặp tai nạn giao thông, ông B vì vết thương quá nặng không qua khỏi, còn X thì nằm điều trị tại bệnh viện trong lúc đó thì có một anh tự xưng là T, nhận mình là cha ruột của X đến thăm nom và đặt vấn đề đòi quản lí số tài sản mà X vừa được thừa kế từ ông B. Ông A không đồng ý, nên giữa ông A và T phát sinh tranh chấp. Ngày 25 tháng 7 năm 2008 anh T nộp đơn yêu cầu tòa án công nhận anh là cha của X căn cứ vào kết quả giám định ADN tòa án đã quyết định công nhận anh T là cha ruột của X cùng lúc đó X đã qua đời sau một thời gian điều trị ở bệnh viện. Xin anh T và ông A ai sẽ là người được thừa kế di sản của X?

Gửi bởi: Huỳnh Mai

Trả lời có tính chất tham khảo

Tình huống bạn hỏi khá phức tạp và có nhiều thông tin không được chi tiết, cụ thể, dựa trên đó chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Trong câu hỏi, bạn không đề cập đến việc ông A có thực hiện thủ tục khai sinh cho X và đăng ký nuôi con nuôi với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi ông A sinh sống hay chưa. Do đó, chúng tôi sẽ chia ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Ông A đã đăng ký nhận nuôi con nuôi với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi ông A và X cùng sinh sống. Trong trường hợp này, căn cứ vào các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, thì ông A được coi là cha nuôi của X, do đó, khi X chết, khối tài sản của X sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (do không có di chúc), cụ thể, Điều 676 quy định về hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 676 nêu trên, ông A cũng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của X. Giả sử, X chỉ có cha đẻ và ông A là cha nuôi (mẹ đẻ, mẹ nuôi của X không xác định được) thì ông A và T mỗi người được thừa kế một nửa khối tài sản của X để lại.

Trường hợp 2:ông A không làm thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền. Vậy, ông A dù đã nuôi X 7 năm nhưng cũng không được thừa nhận là cha nuôi của X và không được hưởng quyền thừa kế của X. Điều này được thể hiện trong các quy định của pháp luật. Cụ thể:

Theo Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 17 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định: “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết”.

Như vậy, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, về nguyên tắc, những trường hợp nhận nuôi con nuôi diễn ra sau khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực (ngày 1/1/2001), mà không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền dù là bao lâu đi nữa, cũng không được công nhận có giá trị pháp lý, nếu chưa được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, (trừ một số trường hợp ngoại lệ nhận nuôi con nuôi giữa đồng bào dân tộc thiểu số với nhau đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa).

Trong trường hợp bạn hỏi, thời điểm ông A nhặt được X mang về nuôi là ngày 26/6/2001, sau thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực (ngày 01/01/2001), nên đây không được công nhận là quan hệ nuôi con nuôi.

Đến năm 2011, Luật Nuôi con nuôi được ban hành và bãi bỏ các quy định về nuôi con nuôi trong Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, về vấn đề này, Luật Nuôi con nuôi cũng quy định như sau:

Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp

1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này, bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền.

Như vậy, căn cứ theo điểm b, khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi nêu trên, do X đã chết vào năm 2008, khi Luật Nuôi con nuôi chưa được ban hành và có hiệu lực nên không thể tiến hành thủ tục nhận nuôi con nuôi và ông A vẫn không được pháp luật thừa nhận là cha nuôi của X và không được hưởng quyền thừa kế của X. Ông T do đã được pháp luật thừa nhận là cha đẻ của X nên sẽ được hưởng thừa kế tài sản mà X để lại.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 52/2010/QH12 Nuôi con nuôi

Nghị định 32/2002/NĐ-CP Quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối với các dân tộc thiểu số

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý

1900.0191