Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Long An – Đòi lại phần di sản thừa kế được hưởng
Bố tôi có hai anh em trai. Bà nội tôi mất 2009 có để lại tài sản là ngôi nhà. Khi còn sống, bà đóng thuế đất tên bố tôi; bố tôi và bác tôi cũng đã cùng xây dựng một căn nhà trên đất đó. Tôi nghĩ bà không để lại di chúc ngôi nhà này nhưng bác tôi đã sang tên nhà đất tên bác tôi. Bố tôi muốn lấy căn nhà làm nhà từ đường của dòng họ, con cháu không được bán dưới mọi hình thức. Vậy xin hỏi:
– Bố tôi có quyền đòi lại căn nhà theo luật thừa kế (để làm nhà từ đường) khi bác tôi đã làm sổ đỏ tên của bác ấy không?
– Khi bố tôi hoặc bác qua đời, tôi là con ruột thì có thể đòi lại không ? Xin Cảm ơn!
Gửi bởi: Trần Diệu Lam
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Quyền đòi lại căn nhà
Theo như bạn nói thì bà bạn mất đi để lại tài sản là ngôi nhà. Như vậy thì ngôi nhà được coi là di sản thừa kế do bà bạn để lại và được chia cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Việc bà bạn có để lại di chúc hay không thì bạn chưa rõ mà chỉ là cho rằng bà không để lại di chúc. Sẽ có hai trường hợp:
– Trường hợp thứ nhất: Trước khi mất bà bạn có lập di chúc định đoạt ngôi nhà. Di chúc có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nếu nội dung di chúc, bà để lại toàn bộ ngôi nhà đó cho bác bạn thì bố bạn không có quyền thừa kế đối với ngôi nhà đó nữa và cũng không có quyền đòi lại ngôi nhà vì không được chỉ định trong di chúc, cũng không thuộc trường hợp người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 669 Bộ luật Dân sự. Nếu trong di chúc, bà bạn có chỉ định bố bạn là một trong những người được hưởng di sản là ngôi nhà đó thì bố bạn có quyền đòi lại phần di sản mà mình được hưởng theo di chúc đó. Hoặc trong di chúc bà bạn chỉ định bố bạn là người duy nhất được hưởng di sản thừa kế thì bố bạn có quyền yêu cầu bác bạn trả lại di sản là ngôi nhà mà bà bạn để lại.
– Trường hợp thứ hai: Bà bạn trước khi mất không để lại di chúc. Theo điều 675 Bộ luật Dân sự, di sản mà bà bạn để lại là ngôi nhà sẽ được chia theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật theo Điều 676 Bộ luật Dân sự gồm:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Từ quy định trên, cả bố và bác bạn đều là một trong những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của bà bạn. Bố bạn có quyền đòi lại phần di sản được hưởng và trong trường hợp này (trường hợp bác bạn đã làm thủ tục sang tên quyền sử dụng/sở hữu nhà đất cho bác) di sản sẽ được phân chia theo quy định của Điều 687 Bộ luật Dân sự: Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo quy định này thì: do bác bạn đã làm thủ tục sang tên nhà đất nên bố bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng tiền mà không chia lại ngôi nhà đó.
Lưu ý: Vì bạn nói rằng ngôi nhà là tài sản của bà bạn mất đi để lại nên quyền của bố bạn đối với ngôi nhà được xác định theo quy định của pháp luật về thừa kế như trình bày ở trên. Tuy nhiên, bạn cũng có một thông tin đưa ra rằng: Khi còn sống bà bạn đóng tiền thuế đất tên bố bạn. Như vậy, cũng có khả năng bố bạn là chủ sử dụng của thửa đất này. Bạn có thể xem lại những giấy tờ về quyền sử dụng đất trước đây hoặc xem ai là người đứng tên chủ sử dụng của mảnh đất đó trong sổ địa chính của cơ quan địa chính còn lưu giữ. Nếu tên chủ sử dụng đất được xác định là tên bố bạn thì bố bạn có thể căn cứ vào đó để đòi lại ngôi nhà này.
2. Nếu bố bạn có quyền lợi liên quan đến ngôi nhà thì sau khi bố bạn mất, bạn – với tư cách là người thừa kế theo pháp luật có quyền đòi lại quyền và lợi ích mà bố bạn khi còn sống được hưởng.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3