Hợp đồng thế chấp được chứng thực tại UBND xã

Hợp đồng thế chấp được chứng thực tại UBND xã

 

 

Tôi có người thân đứng ra thế chấp tài sản cho một người khác vay vốn ngân hàng từ năm 2010. Bên thứ ba có giữ một bản hợp đồng thế chấp có chứng thực của UBND xã nhưng có vấn đề như sau: Ngày chứng thực của UBND xã sau ngày các bên ký hợp đồng 03 ngày; không có chữ ký của các bên trên từng trang của hợp đồng. Như vậy hợp đồng có hợp lệ hay không? Hợp đồng có bị vô hiệu hay không?

 

Gửi bởi: Ngọc Long

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

 

 

 

Luật công chứng được ban hành năm 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã tách biệt hai hoạt động công chứng và chứng thực. Theo đó, thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch thuộc về tổ chức công chứng; Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền chứng thực hợp đồng nữa.

Tuy nhiên, do hệ thống các tổ chức công chứng đang dần được phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu công chứng toàn bộ các hợp đồng, giao dịch của người dân nên Bộ tư pháp đã hướng dẫn: trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật” (theo Điều 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký).

Do đó, tại thời điểm năm 2010, các bên có thể thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng thế chấp tại Ủy ban nhân dân xã (theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính Phủ về công chứng, chứng thực) hoặc thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng thế chấp tại Ủy ban nhân dân xã (theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký).

1. Trường hợp thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng thế chấp tại Ủy ban nhân dân xã.

– Về thời hạn chứng thực chữ ký: Điều 19 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 quy định: “Việc tiếp nhận yêu cầu chứng thực chữ ký trong thời gian làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều thì phải được thực hiện chứng thực ngay trong buổi làm việc đó; trường hợp cần phải xác minh làm rõ nhân thân của người yêu cầu chứng thực thì thời hạn trên được kéo dài thêm nhưng không được quá 3 ngày làm việc”. Do đó, đối với trường hợp bạn nêu, việc Ủy ban nhân dân xã chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng thế chấp sau 03 (ba) ngày là phù hợp với quy định của pháp luật.

– Về việc các bên phải ký vào từng trang hợp đồng thế chấp: Thủ tục chứng thực chữ ký được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007; theo đó, pháp luật không quy định các bên phải ký vào từng trang của hợp đồng, văn bản nhưng phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Do vậy, việc trong hợp đồng thế chấp bạn nêu không có chữ ký của các bên tham gia giao dịch không vi phạm quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp các bên thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng thế chấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Về thời hạn chứng thực: Thời hạn chứng thực được quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000: “Thời hạn công chứng, chứng thực không quá 3 ngày làm việc đối với hợp đồng đơn giản, không quá 10 ngày làm việc đối với hợp đồng phức tạp, không quá 30 ngày làm việc đối với hợp đồng đặc biệt phức tạp, kể từ khi thụ lý”. Do đó, đối với trường hợp bạn nêu, việc Ủy ban nhân dân xã chứng thực hợp đồng thế chấp sau 03 (ba) ngày là phù hợp với quy định của pháp luật.

– Về việc ký vào từng trang của hợp đồng: khoản 4 Điều 41 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 quy định: “Nếu họ đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng, thì ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ”. Đối chiếu với trường hợp của bạn, việc các bên trong hợp đồng không ký vào từng trang của hợp đồng là không tuân theo quy định của pháp luật.

* Về việc hợp đồng có vô hiệu hay không?

Giao dịch dân sự chỉ vô hiệu khi có quyết định tuyên bố vô hiệu của tòa án có thẩm quyền. Do đó, bạn phải khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, để xác định hợp đồng thế chấp bạn nêu có vô hiệu hay không, tòa án phải xem xét nhiều yếu tố và áp dụng các quy định pháp luật có liên quan.

Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu: Điều 127 Bộ luật dân sự quy định: Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 75/2000/NĐ-CP Về công chứng, chứng thực

Thông tư 03/2008/TT-BTP Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký

Luật 53/2014/QH13 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3

Tham khảo thêm:

1900.0191