Tôi có mua 01 xe máy cũ của tiệm cầm đồ thanh lý và họ cho địa chỉ chủ xe để liên hệ. Nhưng khi liên hệ thì chủ xe đã bán nhà và không liên lạc được nên tôi không thể liên hệ để ra phòng công chứng làm hợp đồng bán xe để sang tên tên xe. Vậy tôi phải làm cách nào để có thể đứng tên giấy tờ xe? Xin chân thành cám ơn!
Gửi bởi: Hoang Thong
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo những thông tin mà bạn nêu thì giấy tờ về quyền sở hữu xe vẫn mang tên của chủ chiếc xe đó mà không phải là tên của chủ hiệu cầm đồ. Để làm thủ đăng ký sang tên quyền sở hữu chiếc xe, bạn phải liên hệ với chủ xe để làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Nếu bạn muốn tìm cách khác để đứng tên xe thì bạn có thể dựa vào quy định của pháp luật về cầm cố để tìm hiểu thêm, nhưng cũng rất khó để thực hiện việc sang tên nếu không liên hệ được với chủ cũ.
Tình huống của bạn có liên quan đến hoạt động cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ. Hoạt động này được thực hiện theo quy định từ Điều 326 đến Điều 340 Bộ luật Dân sự và các văn bản khác liên quan. Dưới đây chúng tôi xin chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc mà bạn có thể gặp phải trong trường hợp của mình.
Trước hết, cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 318 Bộ luật Dân sự), là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc cầm cố phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính (hợp đồng xác lập nghĩa vụ được bảo đảm).
Như vậy, ngay từ quy định về hình thức của hợp đồng cầm cố đã đặt ra các khả năng: việc cầm cố của chủ xe tại hiệu cầm đồ có lập thành văn bản với đầy đủ các điều khoản (thông tin hai bên, đặc điểm của tài sản cầm cố, quyền nghĩa vụ của các bên…); hoặc chỉ viết một tờ giấy nhận tài sản không có đầy đủ thông tin; hoặc không có giấy tờ gì.
Thứ hai, trong trường hợp hình thức của hợp đồng cầm cố là hợp pháp thì vẫn còn một vướng mắc là: chủ hiệu cầm đồ (bên nhận cầm cố) không có quyền tự ý bán chiếc xe là tài sản cầm cố. Chủ hiệu cầm đồ chỉ có quyền theo quy định tại Ðiều 333 BLDS:
– Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;
– Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ;
– Ðược khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận;
– Ðược thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Như vậy, trong trường hợp bên cầm cố thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì tài sản phải được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Nếu chủ hiệu cầm đồ muốn trực tiếp bán chiếc xe cho bạn thì phải có sự thỏa thuận trước với bên cầm cố tài sản.
Từ những vướng mắc trên, rất khó để bạn có thể làm thủ tục sang tên quyền sở hữu hữu chiếc xe nếu không có sự thỏa thuận với chủ xe. Do vậy, bạn chỉ còn cách liên hệ với chủ xe để thực hiện việc mua bán này.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3