Ông bà ngoại và các cậu, các dì đã mất hơn 10 năm, mẹ tôi cũng mất được 3 năm. Dì tôi vẫn còn sống và có 2 người con gái ruột và 1 người con gái nuôi. Năm 2000 dì tôi đã làm giấy tờ và hiện đứng tên chủ sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất vườn. Nay dì sẽ chia cho tôi 1 nửa và 3 người con gái của dì được thừa kế 1 nửa còn lại. Nhưng người con gái nuôi của dì không chịu chia như thế và nói sẽ không ký vào giấy đồng ý. Xin cho tôi hỏi nếu con nuôi của dì không chịu ký giấy thì có chia như ý của dì được không? Có cần phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên gia đình không? Nếu không cần chữ ký thì sau này sẽ có tranh chấp gì không?
Gửi bởi: Lam Trinh
Trả lời có tính chất tham khảo
Câu hỏi của bạn đưa ra không nêu rõ rất nhiều vấn đề nên chúng tôi rất khó nắm bắt tình hình cụ thể của nhà bạn. Bạn có nói dì bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đương nhiên dì bạn được thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật (có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất… quyền sử dụng đất cho bất kỳ người nào mà không phụ thuộc vào ý chí của người con nuôi). Và chúng tôi cũng không rõ trường hợp này có liên quan gì đến ông bà, các cậu, các dì… Có thể suy đoán ở đây là vấn đề nguồn gốc quyền sử dụng đất. Cho dù quyền sử dụng đất là do ông bà bạn để lại thì khi ông bà mất đi, những người có quyền đối với di sản do ông bà để lại là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi). Người con nuôi của dì bạn cũng không có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến di sản này.
Như vậy thì, trong bất kỳ trường hợp nào nêu trên, việc dì bạn tặng cho ai, cho diện tích cụ thể như thế nào đều không phụ thuộc vào ý chí của người con nuôi.
Dì bạn với tư cách là chủ sử dụng đất có quyền cho hoặc không cho người con nuôi đó. Việc này không ảnh hưởng đến việc dì bạn làm hợp đồng tặng cho những người khác (bạn và các con đẻ của dì) theo quy định của pháp luật hoặc dì bạn có thể lập di chúc đề định đoạt tài sản này cho bạn và các con đẻ của mình. Việc tặng cho, lập di chúc này như đã nói là không phụ thuộc vào ý chí của người con nuôi và không cần phải có chữ ký của người đó cũng như tất cả các thành viên trong gia đình. Do vậy, bạn không cần phải lo ngại tranh chấp xảy ra nêu không có chữ ký của những người này. Nếu lập hợp đồng tặng cho chỉ cần có chữ ký của bên tặng cho (dì bạn) và bên nhận tặng cho (bạn và các con đẻ của dì). Nếu lập di chúc thì dì bạn có quyền tự định đoạt tài sản của mình sau khi chết mà không phụ thuộc vào bất kỳ người nào.
Sau này, khi tài sản đã được dì bạn tặng cho hoặc định đoạt theo di chúc một cách hợp pháp thì người con nuôi cũng không có tư cách gì để đòi quyền lợi của mình đối với tài sản đó nữa.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3