Phân chia tài sản khi ông nội chết

Phân chia tài sản khi ông nội chết

Năm 1994, ông nội tôi chia cho tôi một phần thửa đất là 13,5m2 (bao gồm cả phần đất xây nhà do bố tôi xây) và cho em (con chú út) một phần thửa đất là 9,5m2. Lúc đó tôi có yêu cầu ông lập di chúc nhưng ông nói là không có tranh chấp nên ông không lập di chúc, chỉ công khai nói cho anh em họ hàng biết. Nay ông nội tôi mới mất chú tôi lại yêu cầu chia thửa đất đó ra làm hai phần. Như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Bà nội tôi có quyền chia lại thửa đất đó không?

Gửi bởi: Bui Dinh Phuong

Trả lời có tính chất tham khảo

Về việc phân chia di sản do ông nội bạn để lại:

Điều 689 Bộ luật Dân sự quy định về hình thức chuyển quyền sử dụng đất như sau: Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Do đó, việc ông bạn tặng cho thửa đất cho bạn và em bạn phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì ông bạn chỉ công khai nói với anh em họ hàng mà không lập thành văn bản, cũng không để lại di chúc nên việc tặng cho trên là không hợp pháp và không được pháp luật công nhận.

Khi ông nội bạn mất, thửa đất thuộc quyền sửdụng của ông sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự (do ông không để lại di chúc). Cụ thể: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn gồm: bà nội (vợ của người để lại di sản), bố bạn, chú bạn (các con của người để lại di sản, và những người thừa kế khác nếu có (bạn có thể căn cứ vào quy định nêu trên để xác định các đồng thừa kế khác).

Việc phân chia di sản của ông như thế nào sẽ do các đồng thừa kế thỏa thuận và tiến hành phân chia.

Quyền của bà nội bạn trong việc phân chia thửa đất:

Trước hết, bạn cần xác định thửa đất thuộc quyền sử dụng riêng của ông nội bạn hay là tài sản chung của ông bà nội. Sẽ có hai trường hợp như sau:

– Trường hợp thứ nhất: Thửa đất là tài sản riêng của ông nội bạn.

Theo đó, bà nội bạn sẽ không có quyền đứng ra phân chia thửa đất đó với tư cách là chủ sử dụng đất. Toàn bộ thửa đất được coi là di sản thừa kế do ông nội bạn để lại và được chia cho những người thừa kế theo pháp luật như đã nêu trên. Tuy nhiên, với tư cách là một trong những người thừa kế theo pháp luật của ông bạn, bà nội có quyền cùng các đồng thừa kế khác tiến hành phân chia di sản thừa kế theo quy định.

– Trường hợp thứ hai: Thửa đất là tài sản chung của ông bà nội.

Theo đó, bà nội bạn có quyền đối với ½ thửa đất và có quyền phân chia phần thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình. Đối với phần thửa đất còn lại (thuộc quyền sử dụng của ông nội) sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191