Quyền sở hữu đối với vật vô chủ

Quyền sở hữu đối với vật vô chủ

Trong khi đào bắt chuột ông Nghĩa phát hiện mười thỏi bạc cổ bị chôn giấu. Ông Nghĩa cho rằng đây là bạc vô chủ bị chôn giấu nên quyền sở hữu thuộc về ông là người tìm thấy. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành quan điểm của ông Nghĩa có đúng không?

Gửi bởi: Diem Mi

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn!

1. Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Như vậy, khi phát hiện có 10 thỏi bạc cổ, ông Nghĩa phải báo cho UBND xã hoặc công an xã biết.

Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009, tại Điều 5 quy định khi

“1. Tổ chức, cá nhân tài sản bị chôn giấu phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và báo ngay cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đây:

a) Cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc khu vực quân sự;

b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự.

…………

2. Cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm:

a) Lập biên bản có đầy đủ chữ ký của đại diện tổ chức, cá nhân đã thông báo thông tin và đại diện cơ quan tiếp nhận thông tin; tổ chức, cá nhân thông báo thông tin giữ một bản để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về sau;

b) Kiểm tra tính chính xác của thông tin đã tiếp nhận;

c) Báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin đóng trụ sở;

d) Tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm; trường hợp tài sản bị chìm đắm ở vùng biển xa bờ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phối hợp với các cơ quan thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh, cơ quan quản lý hàng hải để thực hiện.

Riêng đối với tài sản chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo có tài sản chìm đắm, cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo 03 (ba) lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương hoặc địa phương để tìm chủ tài sản.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

b) Báo cáo cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này quyết định việc lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

c) Trường hợp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không thuộc địa bàn quản lý thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

Như vậy UBND xã sau khi nhận được tin báo có trách nhiệm tạm giữ và bảo quản cổ vật, sau đó báo cáo lên UBND tỉnh, thành phố để giải quyết.

2. Đối với xác lập quyền sở hữu đối với 10 thỏi bạc nói trên Điều 240 BLDS năm 2005 có quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy như sau: Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:

1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Như vậy, nếu 10 thỏi bạc cổ nói trên sau khi được cơ quan chức năng xác định đó là cổ vật và thuộc vào di tích lịch sử, văn hóa thì ông Nghĩa sẽ không được xác lập quyền sở hữu đối với 10 thỏi bạc đó mà nó sẽ thuộc về nhà nước và ông Nghĩa sẽ được một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Nếu 10 thỏi bạc cổ nói trên sau khi được cơ quan chức năng xác định đó không phải là cổ vật thì nếu 10 thỏi bạc cổ đó có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (1.150.000 đồng) thì thuộc sở hữu của Ông Nghĩa; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì Ông Nghĩa được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 96/2009/NĐ-CP Về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên

1900.0191