Nhà tôi có mảnh ruộng nhưng do ông nội đứng tên, năm nay ông đã 80 tuổi. Nay Nhà nước dự định xây khu liên hiệp thể thao và mảnh đất đó sẽ được đền bù 25m2 đất mặt đường khi làm xong dự án trên. Nhưng ông tôi khi đi rượu chè đã bị dụ ký vào bản bán đất với giá 1tr4/1m2 đất, nhà tôi không biết gì về vụ này. Vậy cho tôi hỏi giờ nhà tôi phải làm như thế nào để không phải bán đất đó?
Gửi bởi: Lê Thị Thủy
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bạn
Thứ nhất, theo quy định tại điều 121 Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 cụ thể như sau:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Thứ hai, Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định:
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì vô hiệu.
Bên cạnh đó, Điều 133 Bộ luật Dân sự quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình:
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Như vậy, gia đình bạn hoàn toàn có thể làm đơn khỏi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi gia đình bạn đang cư trú có mảnh đất trên và yêu cầu tuyên giao dịch mua bán đất trên là vô hiệu và phục hồi hiện trạng ban đầu.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý