Xin chào các anh các chị, em có một tình huống xin được giải đáp như sau. Em có vay một khoản tiền là 16 triệu đồng, sau khi thương lượng thì người cho vay đồng ý cho em trả gốc 16 triệu (không lấy lãi). Em đã trả số tiền đúng hẹn và khi trả tiền em có nhờ luật sư đánh một văn bản cam kết và luật sư cũng là người làm chứng giúp em, nội dung văn bản có ghi: sau khi nhận đủ số tiền 16 triệu, người cho vay và em không còn trách nhiệm gì với nhau cũng như người cho vay không có quyền đòi em bất cứ khoản tiền nào nữa (cả gốc và lãi). Hai bên đã kí và người làm chứng đã kí. Nhưng sau khi trả nợ xong thì em bị bọn xã hội đen gọi điện đòi trả hết số tiền lãi nếu không trả sẽ chặt tay em. Xin hỏi trường hợp của em giải quyết như thế nào, nếu đưa ra pháp luật em là người đúng hay sai? Xin cảm ơn!
Gửi bởi: Vũ Thanh Công
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 471 Bộ luật Dân sự quy định:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Ngoài ra, khoản 4 điều 474 Bộ luật Dân sự quy định:
“4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.”
Theo như thỏa thuận, bạn đã giao kết hợp đồng vay tiền không có lãi. Khi đến hạn, bạn đã trả nợ đầy đủ, đồng thời các bên đã lập văn bản xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Như vậy hợp đồng đã hoàn thành. Bạn không còn bất kỳ nghĩa vụ nào khác đối với hợp đồng vay tiền, bên cho vay cũng không có quyền yêu cầu bạn thực hiện bất cứ một nghĩa vụ tài sản nào khác.
Tuy nhiên, sau khi chấm dứt hợp đồng, một số đối tượng đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhằm ép bạn phải trả khoản tiền lãi không được thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi này là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Điều 135 Bộ luật Hình sự quy định:
“1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trong trường hợp của bạn, có người đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ép bạn trả tiền, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tài sản của bạn, đồng thời khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản nhằm xử lý nghiêm minh hành vi trái pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Trả lời bởi: CTV1