Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Đắk Lắk – Quyền thừa kế và thẩm định chữ ký

Công ty Luật tư vấn Thừa kế tại Đắk Lắk – Quyền thừa kế và thẩm định chữ ký

Cụ ngoại cháu có 3 người con gái và một người con nuôi. Năm cụ cháu 70 tuổi, vì nhà quá cũ nên ông bà cháu đã phá đi và xây nhà mới. Khi đó, cụ cũng đãlập di chúc để lại đất đang ở cho bà cháu (là người con thứ 2 của cụ). Di chúc do người làm chứng viết, cụ có kí tên ở dưới, và khi đó cụ cháu còn rất minh mẫn khỏe mạnh. Bà cháu sau đó (được phép của cụ ) đã đi làm sổ đỏ (mang tên bà là chủ hộ). Cách đây 5 năm cụ cháu mất. Cách đây 1 năm, người con gái lớn của cụ lại quay về đòi đất bà cháu, cho rằng cụ không biết chữ nên chữ kí trong di chúc không phải của cụ và đòi đi thẩm định chữ kí. Vậy cháu xin hỏi: Di chúc đó có hợp pháp không ? Nếu trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì tài sản của cụ sẽ được chia như thế nào? Ngôi nhà ông bà cháu làm có bị chia không? Thẩm định chữ kí là thế nào (Vì cụ cháu không còn tờ viết tay nào cả ). Cháu mong sớm nhận được thư phản hồi từ các luật sư. Cháu xin cám ơn!

Gửi bởi: Trần Thúy Quỳnh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc di chúc có hợp pháp không cần đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005: (i) người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; (ii) nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái với quy định của pháp luật.

Theo thông tin bạn cung cấp thì di chúc của cụ bạn thỏa mãn điều kiện về người lập di chúc và nội dung di chúc. Về hình thức của di chúc, di chúc của bà bạn là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Điều 656 BLDS 2005 quy định: nếu người lập di chúc không thể tự viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng; người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Như vậy, nếu di chúc của cụ bạn đáp ứng được điều kiện trên thì được coi là di chúc hợp pháp.

2. Trường hợp di chúc không hợp pháp thì theo Điểm a Khoản 1 Điều 675 BLDS 2005 di sản của cụ bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Di sản sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ bạn là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của cụ. Bạn có thể xem thêm quy định tại Chương XXIV BLDS về thừa kế theo pháp luật. Thủ tục chia di sản có thể tiến hành tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (nếu các bên khởi kiện ra tòa) hoặc cơ quan công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này chúng tôi xin lưu ý bạn như sau: Bà của bạn làm Sổ đỏ (mang tên bà) khi cụ còn sống và có sự đồng ý của cụ nên việc này không liên quan đến di chúc (di chúc chỉ có hiệu lực khi cụ của bạn mất). Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ hồ sơ xin cấp sổ đỏ của bà bạn tại cơ quan nhà đất, có thể có giấy tờ thể hiện việc cụ bạn cho bà bạn thửa đất trên.

3. Ngôi nhà do ông bà của bạn xây dựng nên thuộc quyền sở hữu của ông bà bạn. Nếu có tranh chấp ra tòa thì tòa án cũng sẽ căn cứ vào công sức xây dựng để quyết định ngôi nhà thuộc về ông bà của bạn.

5. Về thẩm định chữ ký: Chữ ký là một dạng đặc biệt của chữ viết; chữ ký có thể thay đổi theo thời gian nhưng nó vẫn mang tính ổn định nhất định và có tính đặc trưng của người tạo ra nó. Việc thẩm định chữ ký (thực chất là giám định) nhằm xác định đó có đúng là chữ ký của cụ bạn hay không, hay đó là chữ ký giả mạo. Để giám định chữ ký bạn có thể gửi đơn đến Cơ quan giám định tư pháp để yêu cầu. Nhưng nếu cụ của bạn không còn tờ viết tay nào thì việc giám định chữ ký sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc có thể không thực hiện được.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191