Cưỡng chế giải phóng mặt bằng

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng

Năm 1994, gia đình ông Nguyễn Văn A trồng một số loại cây như keo, tràm, bạch đàn trên diện tích đã được giao cho Ban quản lý Rừng phòng hộ quản lý. Nay, do có nhu cầu xây dựng trạm biến thế điện trên một phần diện tích đất này và phải chặt dọn một số cây cối của gia đình ông Nguyễn Văn A đã trồng để giải phóng mặt bằng, đơn vị chủ đầu tư công trình đã bồi thường cho gia đình ông A một số tiền (trên cơ sở tính toán thiệt hại tài sản trên đất), nhưng ông A không nhận tiền và không chịu bàn giao mặt bằng. Vậy, để giải quyết vấn đề trên cần các thủ tục nào? Trong trường hợp cần cưỡng chế để giải phóng mặt bằng thì căn cứ vào những quy định pháp luật nào?

Gửi bởi: Lê Xuân Hồng

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Nếu nhà ông A không chịu bàn giao mặt bằng thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Ông A phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại (Điều 39 Luật Đất đai).

2. Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định 69/2009/NĐ-CP;

– Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 69/2009/NĐ-CP mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

– Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;

– Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;

– Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.

Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 69/2009/NĐ-CP Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191