Tôi muốn hỏi là giấy vay tiền được đánh bằng máy vi tính và có chữ kí của hai bên có hợp pháp không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Hà Duy Tùng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Bộ luật Dân sự không yêu cầu cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản, do đó giao dịch vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Như vậy, hợp đồng vay tiền được đánh máy vi tính và có chữ ký của các bên là phù hợp với quy định về mặt hình thức. Tuy nhiên, hình thức không phải là yếu tố quyết định hiệu lực của hợp đồng vay tiền.
Giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng vay tiền nói riêng chỉ có hiệu lực nếu được giao kết một cách hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tiền có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
1. Các bên tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự.
– Đối với cá nhân, Theo quy định chung, người xác lập, thực hiện hợp đồng vay tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không mất năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng có thể tự mình xác lập và thực hiện hợp đồng nếu có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
– Đối với pháp nhân, hợp đồng vay tiền phải được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền)
– Đối với hộ gia đình, hợp đồng phải được xác lập và thực hiện vì lợi ích chung của hộ thông qua đại diện của hộ gia đình (chủ hộ hoặc thành viên đã thành niên khác của hộ gia đình được chủ hộ ủy quyền)
– Đối với tổ hợp tác, hợp đồng phải được thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên và được xác lập thông qua đại diện của tổ hợp tác (Tổ trưởng tổ hợp tác hoặc tổ viên đã được tổ trưởng ủy quyền)
2. Mục đích và nội dung của hợp đồng vay tiền không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Nếu hợp đồng vay tiền có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì hợp đồng đó vô hiệu.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.” Như vậy, nếu hợp đồng vay tiền có điều khoản về lãi suất thì lãi suất vay không được vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước công bố. Nếu các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá quy định trên thì hợp đồng vô hiệu.
3. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Hợp đồng vay tiền phải được ký kết dựa trên sự tự nguyện, ý chí chủ quan của các bên tham gia. Nếu hợp đồng được xác lập không dựa trên ý chí tự nguyện của một trong các bên thì hợp đồng đó vô hiệu. Bộ luật Dân sự quy định các trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm ý chí của chủ thể:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 129)
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 131)
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa (Điều 132)
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 133)
Tóm lại hợp đồng vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Để xác định hợp đồng vay tiền có hiệu lực hay không cần dựa trên cơ sở hợp đồng có được giao kết hợp pháp hay không.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV1