Ông bà nội tôi (đã mất) có để lại một mảnh đất (không di chúc) cho 5 người con (2 trai 3 gái, trong đó người con út ở nước ngoài). Các cô tôi đã lấy mảnh đất này, cất nhà và đã được cấp sổ đỏ từ 10 năm nay. Xin hỏi 2 người con trai còn lại có được hưởng phần thừa kế nào không? Việc các cô được cấp sổ đỏ như vậy có hợp lý không?
Gửi bởi: tran the ngoc
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo những gì bạn nêu ra thì chúng tôi có thể suy ra rằng bố của bạn là con cả trong gia đình và người con trai còn lại là người đang ở nước ngoài. Theo điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005, thì mảnh đất mà ông bà bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật, tức là chia theo thứ tự hàng thừa kế. Trong trường hợp này, bố bạn và 4 người cô chú sẽ được chia bằng nhau (vì cùng ở hàng thừa kế thứ nhất). Trừ trường hợp bố bạn và chú bạn từ chối nhận di sản hoặc thuộc các trường hợp không được hưởng di sản theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2005.
Nếu không thuộc các trường hợp trên thì vẫn chưa đủ căn cứ để khẳng định việc phân chia di sản và việc các cô của bạn đã xây nhà và cấp sổ đỏ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vì theo khoản 2 Điều 687 Bộ luật Dân sự 2005, những người thừa kế có thể phân chia di sản bằng hiện vật hoặc nếu không chia bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật. Trong trường hợp trên, có thể bố bạn và các cô chú của bạn đã có thỏa thuận về việc ai nhận hiện vật (mảnh đất), ai nhận giá trị tương đương với phần di sản được chia. Nếu sự việc diễn ra như vậy và các cô của bạn là người nhận mảnh đất và trả cho bố và chú bạn phần tương đương với giá trị diện tích đất mà bố và chú bạn được hưởng thì việc các cô của bạn xây nhà và được cấp sổ đỏ là đúng pháp luật.
Vì vậy, để có thêm thông tin và căn cứ khẳng định việc phân chia di sản có trái pháp luật hay không chúng tôi khuyên bạn nên hỏi lại bố mẹ bạn về quá trình, thủ tục chia thừa kế đã diễn ra như thế nào.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý