Năm 1976 gia đình tôi có mua của ông Tư Mật một căn nhà bao gồm cả sân trước và nhà bếp. Đến năm 2000 gia đình ông Nguyễn Văn Ơn gửi đơn kiện vì cho rằng gia đình tôi lấn chiếm của ông phần sân trước và nhà bếp. Ông Ơn đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cả phần đất của chúng tôi (cả phần nhà chính). Tòa án nhân dân đã xử cho ông Ơn thắng kiện và buộc tôi giao trả phần đất tranh chấp. Trong bản quyết định cưỡng chế của Cục Thi hành án quận Ninh Kiều buộc tôi giao trả phần nhà bếp có diện tích 24m2, không buộc tôi trả lại phần sân. Vậy tôi xin hỏi, gia đình ông Ơn có quyền rào lối đi vào nhà của chúng tôi không, phần sân đó là lối đi duy nhất vào nhà tôi?
Gửi bởi: Nguyễn Thị Kim Liên
Trả lời có tính chất tham khảo
Pháp luật Việt Nam không chỉ quy định người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà có các quyền sử dụng/ sở hữu đối với bất động sản (nhà đất) của mình mà còn quy định quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Quyền này giúp chủ sử dụng/sở hữu bất động sản bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường tải dây điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý (Điều 273 Bộ luật Dân sự).
Theo như bạn nêu thì phần sân là lối đi duy nhất của nhà bạn nhưng nay đã thuộc quyền sử dụng nhà ông Ơn theo quyết định của Tòa án nhân dân. Như vậy, bất động sản (nhà đất) của bạn đã bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác và nhà bạn không có lối đi ra. Trong trường hợp này Điều 275 BLDS quy định, bạn có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Do đã sử dụng phần sân làm lối đi từ rất lâu nên bạn có thể yêu cầu ông Ơn để cho nhà mình được tiếp tục sử dụng lối đi đó. Điều 275 BLDS cũng quy định, người được yêu cầu (ông Ơn) có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu của bạn. Hơn nữa, như thông tin bạn cung cấp thì quyết định cưỡng chế của Cục Thi hành án quận Ninh Kiều không buộc bạn trả lại phần sân do vậy bạn vẫn có quyền sử dụng phần sân đó làm lối đi. Tuy nhiên, bạn và ông Ơn có thể thỏa thuận lại về vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Bạn và ông Ơn có thể thỏa thuận về việc đền bù hay không có đền bù do việc sử dụng lối đi đó.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3