Thừa kế không có di chúc và có người thừa kế thế vị

Thừa kế không có di chúc và có người thừa kế thế vị

Cha mẹ đã không còn do đã chết: Có 5 người con (4 gái 1 trai), trong đó: 2 người con gái còn sống,3 người đã chết trước thời điểm bố mẹ mất , một người con gái không có thừa kế thế vị. Di sản gồm đất và nhà trong 1 thửa đất đứng tên chủ sở hữu là người cha.Trong thửa đất: Gia đình 2 người con gái còn sống mỗi người một mảnh đất có nhà ở trên đất đó (hiện đang sinh sống tại đây) và tòa nhà 3 tầng (3 gian) 1 gian thờ tự và 2 gian để thừa kế thế vị của người đã chết. Ngầm định như đã được chia trước. Nay 2 người con gái là thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất còn sống muốn khai nhận và phân chia di sản của cha mẹ để được chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà mình đang quản lý sử dụng. Xin hỏi:

1/ Việc khai nhận thừa kế di sản của hai người con gái, theo hiện trạng có cần phải có đủ mặt và chữ ký các thừa kế thế vị hay không?

2/ Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất có toàn quyền yêu cầu tòa án phân chia di sản mà không cần phải có mặt đủ thừa kế thế vị?

3/ Hai người con gái còn sống có quyền yêu cầu để dành phần thừa kế của người không có thừa kế thế vị để làm nơi thờ cúng tổ tiên (hiện 1 gian đang thờ cúng) được không? Hai người này có được quyền đương nhiên vào nơi thờ cúng – qua cầu thang – của phần người thừa kế thế vị được không?Xin trân trọng cám ơn!

Gửi bởi: Nguyễn Phúc Lộc

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu hỏi của bạn khá phức tạp, bạn cũng không nêu rõ thời điểm cha mẹ bạn chết nên chúng tôi không thể xác định rõ về việc còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế hay không do đó chúng tôi sẽ mặc định là còn thời hiệu. Dựa trên các thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về việc khai nhận thừa kế di sản của hai người con gái, theo hiện trạng có cần phải có đủ mặt và chữ ký các thừa kế thế vị hay không?

Tôi xin trả lời bạn là có. Bởi khi

Bạn có nói là “ngầm định như đã được chia trước”, có nghĩa là bố mẹ bạn mất đi không để lại di chúc. Trong trường hợp này, sẽ chia theo pháp luật. Việc phân chia di sản giữa 2 người con gái và những người được thừa kế thế vị (sau đây gọi tắt là các đồng thừa kế) có thể dựa trên sự thỏa thuận và phải được thể hiện bằng văn bản. Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định như sau:

Điều 681. Họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án chia và khi đó sẽ theo quyết định của tòa án để thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.

Trong trường hợp các đồng thừa kế có thể thỏa thuận được thì việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và được công chứng, chứng thực. Cụ thể, sau khi các đồng thừa kế thỏa thuận về việc phân chia di sản (mức hưởng thừa kế của mỗi người, phần di sản để làm nơi thờ tự, cách thức chia di sản…) thì lập thành văn bản và mọi người cùng ký vào bản thỏa thuận, sau đó sẽ công chứng bản thỏa thuận đó.

Thủ tục Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Bước 1: Nộp hồ sơ nêu yêu cầu công chứng tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng nơi có di sản thừa kế.

Bước 2: Công chứng viên xem hồ sơ

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ tiến hành công chứng. Trừ trường hợp việc phân chia di sản thừa kế có liên quan đến quyền sự dụng đất thì thực hiện việc niêm yết tại nơi có tài sản 30 ngày, hết thời hạn niêm yết không có khiếu nại về việc phân chia tài sản có liên quan quyền sử dụng đất thì công chứng viên thực hiện việc công chứng.

– Trường hợp hồ sơ phức tạp công chứng viên viết phiếu hẹn.

– Trường hợp không hợp lệ Công chứng viên trả hồ sơ và thông báo lý do

Thành phần, số lượng hồ sơ:

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.(theo mẫu số 28/VBPC của Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13/06/2006).

– Giấy chứng tử của người để lại di sản.

– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (Áp dụng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật).

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản để lại.

– Giấy chứng minh nhân dân người thỏa thuận.

– Hộ khẩu.

* Nếu là bản sao phải xuất trình bản chính để Công chứng viên kiểm tra đối chiếu.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

Thời hạn giải quyết:

– Hồ sơ bình thường không quá hai ngày làm việc.

– Hồ sơ phân chia di chúc có liên quan đến quyền sử dụng đất thời hạn giải quyết không quá 32 (ba mươi hai) ngày.

Thứ hai, việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất có toàn quyền yêu cầu tòa án phân chia di sản mà không cần phải có mặt đủ thừa kế thế vị?

Như trên đã nói, trong trường hợp các đồng thừa kế không thể thỏa thuận việc phân chia di sản thì có thể yêu cầu tòa án phân chia di sản. Khi đó, bất cứ ai trong số các đồng thừa kế đều có thể yêu cầu tòa án phân chia di sản, tòa án sẽ triệu tập những người thuộc diện được thừa kế mà không phụ thuộc vào ý chí của người yêu cầu. Điều đó có nghĩa là cả những người thừa kế thế vị cũng được triệu tập, còn việc họ có mặt hay không là do họ tự định đoạt

Thứ ba, hai người con gái còn sống có quyền yêu cầu để dành phần thừa kế của người không có thừa kế thế vị để làm nơi thờ cúng tổ tiên (hiện 1 gian đang thờ cúng) được không? Hai người này có được quyền đương nhiên vào nơi thờ cúng – qua cầu thang – của phần người thừa kế thế vị được không?

Thừa kế là quyền dân sự và trong luật dân sự ưu tiên việc thỏa thuận giữa các chủ thể. Việc để dành phần thừa kế của người không có thừa kế thế vị làm nơi thờ cúng tổ tiên là điều hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên nó vẫn phải phụ thuộc vào sự thỏa thuận, nhất trí của tất cả các đồng thừa kế (tức là phải có cả sự nhất trí của người thừa kế thế vị). Trong trường hợp các đồng thừa kế cùng nhất trí, các đồng thừa kế vẫn nên thực hiện văn bản thỏa thuận phân chia di sản, trong đó nói rõ về việc để lại một phần di sản làm nơi thờ tự và quyền đi qua lối đi để vào nơi thờ tự. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng hoặc chưng thực còn là căn cứ để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, làm giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở của người thừa kế và tránh tranh chấp không đáng có xảy ra.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục trợ giúp pháp lý

1900.0191