Ngày 20/01/2012, khoảng 8h30’ mẹ tôi trên đường đi chợ về, mẹ tôi đi xe đạp sát lề phải thì bất ngờ xe múc đất chạy từ phía sau càng tới hút mẹ tôi vào gầm xe, hậu quả, xe cán dập nát chân phải của mẹ tôi và mẹ tôi phải cưa chân, vị trí mỏm cụt đến sát háng là 10cm. Xe múc đất là xe của một Công ty xây dựng đang thi công đoạn đường gần nhà tôi, vào thời điểm đó xe đang chạy về đơn vị chuẩn bị nghỉ Tết, nơi xảy ra tai nạn không nằm trong khu vực công trình đang thi công, do xe múc đất là xe bánh hơi nên vận tốc của xe nhanh hơn xe đạp. Mẹ tôi được đưa đi cấp cứu và điều trị tại BV Chợ Rẫy gần 2 tháng, tổng chi phíđiều trị và ăn ở hết63 triệu. Bên công ty có xuống thăm hỏi và ứng trước số tiền là 70 triệu đồng. Hiện tại mẹ tôi đã về nhà. Đại diện công ty có xuống thăm hỏi và yêu cầu gia đình tôi đưa ra mức bồi thường. Mẹ tôi năm nay 46 tuổi, mẹ tôi là nông dân nên cũng không có thu nhập ổn định nên gia đình tôi lấy mức thu nhập trung bình là 3 triệu/tháng và đến hết tuồi lao động là còn 9 năm. Do vết thương của mẹ tôi là vết thương lớn nên các bác sĩ nói ít nhất là 6 tháng mới có thể gắn chân giả được. Tôi cũng đã liên hệ với công ty làm chân giả và họ đưa ra mức giá là từ 70 triệu đến 130 triệu và gia đình tôi lấy mức giá trung bình là 100 triệu cho chi phí chân giả. Gia đình tôi tính như sau:3 triệu x 75% x 12 tháng x 9 năm = 243 triệu + 100 triệu chi phí chân giả, tổng là 343 triệu. Đại diện công ty nói mức giá trên quá cao nên gia đình tôi đã giảm còn: 3 triệu x 70% x 12 tháng x 8 năm = 201,6 triệu + 100 triệu chi phí chân giả, tổng là 301,6 triệu. Hiện giờ công ty nói vẫn còn cao và đưa ra mức hỗ trợ là 150 triệu, gia đình tôi không chấp nhận, bên công ty tăng thêm 30 triệu, rồi 20 triệu nữa, tổng là 200 triệu, gia đình tôi cũng không chấp nhận. Xin hỏi Luật sư là gia đình tôi tính mức bồi thường như vậy có hợp lý và đúng pháp luật không? Nếu ra tòa thì mẹ tôi có được bồi thường như gia đình tôi đã tính như trên không? Nếu gia đình tôi tính sai thì cách tính mức bồi thường như thế nào?Trường hợp công ty không chấp nhận bồi thường và bỏ tài sản thì khi thanh lý tài sản mẹ tôi có được hưởng số tiền thanh lý tài sản theo mức bồi thường không? (được biết giá thị trườnggiá trị tài sản là khoảng 400 triệu đồng). Xin các Luật sư tư vấn giúp gia đình tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Phạm Hồng Phúc
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn thân mến, trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Về cách tính bồi thường, do các thông tin bạn nêu còn chung chung, chúng tôi không thể khẳng định cách tính của gia đình bạn đã chính xác hay chưa, vì vậy, chúng tôi nêu ra chi tiết quy định của pháp luật về vấn đề này để bạn tham khảo
Theo các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại trong trường hợp của bạn được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể
Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Trường hợp mẹ bạn là thiệt hại về sức khỏe, theo đó :
Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo đó, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể thực hiện điều 609 Bộ luật Dân sự như sau:
Phần I: Về những quy định chung
4. Chi phí hợp lý
Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.
5. Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự
a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
b) Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
c) Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
d) Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
6. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:
a) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 01/01/2005 (ngày Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
b) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01/01/2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 01/01/2005.
II. Xác định thiệt hại
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
a) Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:
– Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
– Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
– Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
– Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.
b) Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện như sau:
Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng số thu nhập là bao nhiêu.
Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 này. Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.
Ví dụ 1: A làm nghề sửa xe máy tự do. Thu nhập thực tế của A trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là một triệu đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, A phải điều trị nên không có khoản thu nhập nào. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của A bị mất.
Ví dụ 2: B làm công cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Thu nhập thực tế của B trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 600 ngàn đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho B 50% tiền lương là 300 ngàn đồng. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của B mỗi tháng bị giảm sút 300 ngàn đồng.
Ví dụ 3: C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định 500 ngàn đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đủ các khoản thu nhập cho C. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của C không bị mất.
1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.
b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:
– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.
– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.
– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.
– Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.
1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.
b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.
1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.
b) Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…
c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy đinh tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Như vậy, ở đây có các khoản mà mẹ bạn được bồi thường là:
Chi phí hợp lý cho việc điều trị (bao gồm: cấp cứu, chữa bệnh và chi phí lắp chân giả);
Thu nhập thực tế bị mất (bao gồm thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị và thu nhập thực tế bị giảm sút do sức khỏe bị suy giảm);
Thu nhập thực tế của người chăm sóc trong thời gian mẹ bạn điều trị;
Bồi đắp tổn thất tinh thần (lưu ý: không quá 30 tháng lương tối thiểu).
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý, luật quy định khoản tiền bồi thường là Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí. Vì vậy:
Thứ nhất, bạn cần căn cứ vào giá trung bình ở địa phương bạn vào thời điểm mẹ bạn bị tai nạn, phải điều trị để đưa ra mức bồi thường cho hợp lý;
Thứ hai, việc bạn nói chi phí ăn ở trong 2 tháng mẹ bạn điều trị tại bệnh viện là 63 triệu cũng cần có căn cứ như chứng từ, hóa đơn… để chứng minh (bạn tham khảo điểm a mục 5 phần I của quy định trích dẫn ở trên)
Thứ ba, về việc tính thu nhập thực tế bị mất của mẹ bạn, bạn đưa ra con số 3 triệu, nhưng không nêu rõ căn cứ, cơ sở nào để đưa ra con số đó nên chúng tôi không thể khẳng định đó là mức hợp lý hay không. Về phần này bạn tham khảo quy định điểm 1.2 mục 1 phần II của quy định trích dẫn ở trên để tính cho hợp lý.
Thứ tư, nói thêm về việc chi phí lắp chân giả, bạn cần lưu ý, chân giả mà gia đình bạn muốn lắp cho mẹ bạn có thể là loại rất tốt và giá thành nằm trong mức đắt nhất, nhưng về nghĩa vụ bồi thường, bên bồi thường sẽ chỉ phải bồi thường cho gia đình bạn ở một mức trung bình hợp lý, hợp hoàn cảnh. Vì vậy, bạn cũng nên lưu ý thêm.
Về phần bạn hỏi, nếu ra Tòa thì mức bồi thường như thế nào?
Bạn thân mến, qua kinh nghiệm thực tiễn cũng như tham khảo các vụ việc tương tự, nếu gia đình bạn có mời được luật sư giỏi để bảo vệ, thì mức bồi thường cao nhất cũng chỉ có thể ở con số khoảng 150 – 170 triệu. Vì vậy, bạn nên cân nhắc mức bồi thường mà bên công ty đưa ra.
Trường hợp công ty không chấp nhận bồi thường và bỏ tài sản thì gia đình bạn cần khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu sau khi Tòa án giải quyết và đưa ra mức bồi thường cụ thể, bên phía Công ty không tiến hành bồi thường cho mẹ bạn thì gia đình bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án giúp mình và sẽ nhận được phần giá trị tương đương với mức Tòa án quyết định khi thanh lý tài sản.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục trợ giúp pháp lý