Câu hỏi được gửi từ khách hàng:
Em làm việc tại một công trình xây dựng cũng được 2 năm rồi, sau đó thì em tự ý bỏ việc để đi tìm công việc khác mà không lấy giấy tờ gì, giờ công ty mới yêu cầu em nộp sổ bảo hiểm ở công ty cũ, em không biết liệu em tự ý bỏ việc thì họ có trả sổ bảo hiểm không và có bị hủy sổ hay nộp phạt gì không, xin được mọi người tư vấn giúp ạ!
Luật sư Tư vấn Bỏ việc không có lý do có lấy được sổ bảo hiểm không – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN. Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý
Ngày 19 tháng 01 năm 2018
2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng
Bộ luật Lao động 2012.
3./ Luật sư trả lời
Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động (không phân biệt bất cứ trường hợp chấm dứt hợp đồng nào) người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng đã giữ lại của người lao động. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể đến công ty cũ để lấy lại sổ bảo hiểm của mình và không phải lo việc sổ bảo hiểm bị hủy vì đây là tài sản riêng của bạn.
Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
- Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
Ngoài ra, bạn có cung cấp thông tin rằng bạn đã tự ý bỏ việc để tìm công việc mới và đã không có thông báo gì cho công ty cũ. Nhận thấy, đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 41 và Điều 37 Bộ luật Lao động 2012. Do vậy, bạn phát sinh các nghĩa vụ sau đối với công ty cũ:
- Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2012.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh nhất.
Sự hài lòng của quý khách là nỗ lực của chúng tôi!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN