Tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp như thế nào

Tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp như thế nào
Tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp như thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng:

Tôi là đầu bếp ký hợp đồng làm việc với khách sạn chính thức từ năm 2012. Mức lương của tôi đang là 23 triệu đồng 1 tháng. Tôi có tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, … Nay tôi bị bệnh và có thể sẽ không thể tiếp tục làm việc được nữa, tôi muốn hỏi mức trợ cấp thất nghiệp của tôi là bao nhiêu, được tính như thế nào?

Luật sư Tư vấn Tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp như thế nào – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN. Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý

Ngày 19 tháng 01 năm 2018

2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng

Bộ luật Lao động 2012;

Luật Việc làm 2013;

Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

3./ Luật sư trả lời

Quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Do đó, trong trường hợp bạn bị bệnh và không thể tiếp tục làm việc được nữa thì bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc có thể sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ được coi là hợp pháp nếu bạn thông báo cho người sử dụng lao động biết trước về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn quy định của pháp luật.

Khi hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn do bạn thuộc đối tượng đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Trợ cấp thôi việc được tính theo công thức sau: (Điều 48 Bộ luật Lao động 2012)

Trợ cấp thôi việc = (Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế – Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc) * một nửa tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Do bạn không cung cấp cho chúng tôi thông tin về: Tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế; thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp; thời gian làm việc bạn đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc và mức lương theo hợp đồng lao động trong 6 tháng liền kề trước khi bạn thôi việc nên chúng tôi không thể tính cụ thể mức trợ cấp thôi việc mà bạn được hưởng.

Về trợ cấp thất nghiệp thì theo quy định tại Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%

Tuy nhiên, mức trợ cấp này không được vượt quá 5 lần mức lương cơ sở đối với không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (Điều 50 Luật Việc làm 2013).

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Do không có đủ thông tin nên chúng tôi cũng không thể tính toán cụ thể mức trợ cấp thất nghiệp mà bạn được hưởng.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh nhất.

Sự hài lòng của quý khách là nỗ lực của chúng tôi!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

 

1900.0191