Tại sao các công ty tài chính cho vay lãi suất rất cao mà không có ai xử lý

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Tại sao các công ty tài chính cho vay lãi suất rất cao mà không có ai xử lý?

Dạo này đang nóng về vấn đề lãi suất của các công ty tài chính cho vay. Em/mình cứ lấn cấn mãi tại sao các công ty tài chính họ cho vay với mức lãi suất rất cao trong vòng bao nhiêu năm nay mà không có cơ quan nào xử lý. Hay tổ chức tín dụng thì được phép cho vay cao hơn luật dân sự.Nhưng trong luật dân sự lại không quy định thêm câu “nếu pháp luật có quy định khác”.Ví dụ như bạn em vay 50 triệu, trả trong 03 năm. Tổng số tiền phải trả là 89 triệu.Tức là 26%/ năm.Các anh chị cho em ý kiến về vấn đề này với.


Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 01 tháng 06 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề xử lý công ty tài chính cho vay lãi suất cao

  • Bộ luật Dân sự 2005
  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009;
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

3./ Luật sư tư vấn

Cho vay nặng lãi” là hành vi mà Nhà nước nghiêm cấm. Pháp luật dân sự hiện hành có quy định về lãi suất đối với giao dịch vay tiền như sau:

Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo đó, lãi suất do các bên vay và bên cho vay thỏa thuận với nhau nhưng không quá 20%/năm được áp dụng từ thời điểm 01/01/2017 (thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực. Trước ngày 01/01/2017, mức lãi suất vẫn do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005. Các hành vi cho vay vượt mức lãi suất nêu trên đều là hành vi vi phạm quy định về lãi suất hay hành vi “cho vay nặng lãi”.

Hành vi cho vay nặng lãi tùy thuộc vào mức lãi suất, khoản lợi nhuận bất chính mà người cho vay thu được, người đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Với hành vi cho vay lãi suất cao của công ty tài chính  mà chưa bị xử lý, điều này được lý giải như sau:

  • Trước thời điểm 01/01/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có hiệu lực)

Trước thời điểm này, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có hiệu lực thi hành chưa đặt ra trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Do đó, hành vi cho vay nặng lãi có thể được xử lý bằng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người thực hiện hoặc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức thực hiện trường hợp này là công ty tài chính.

  • Từ ngày 01/01/2018:

Thời điểm này, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có hiệu lực, trách nhiệm hình sự của pháp nhận được đặt ra. Do đó, bên cạnh trách nhiệm hành chính, công ty có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với quan hệ vay tiền, người vay trong trường hợp này là người yếu thế và đang có nhu cầu tài chính cấp thiết nên đã chấp nhận mức lãi suất cao để được vay dù quyền lợi có bị ảnh hưởng. Cho nên, người vay chấp nhận vay và trả lãi suất chứ không trình báo tới cơ quan công an để xử lý hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, công ty tài chính không hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, không thực hiện các chế độ báo cáo và các quy định pháp luật đối với hoạt động tín dụng. Các hoạt động cho vay diễn ra mang tính dân sự và dựa trên pháp luật dân sự điều chỉnh. Do đó, cơ quan nhà nước có ít chế độ kiểm soát, quản lý đối với hoạt động của loại công ty này, nên nếu không có việc tố cáo xảy ra, cơ quan có thẩm quyền nhà nước cũng khó có thể xử lý khi có hoạt động cho vay như vậy diễn ra.

Như vậy, khi bị xâm phạm quyền lợi, người vay hay bạn của anh/chị có thể thực hiện quyền trình báo tố giác tội phạm của mình tới cơ quan có thẩm quyền kèm theo các giấy tờ chứng minh lãi suất vi phạm để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm.

Với những tư vấn về câu hỏi Tại sao các công ty tài chính cho vay lãi suất rất cao mà không có ai xử lý, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

1900.0191