Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, những công lao của người vô cùng to lớn, đã góp phần đưa cuộc cách mạng của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng. Một trong những công lao đó chính là việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong diễn văn kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (03/02/1930 – 03/02/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam – Chương trình tóm tắt của Đảng) vào đầu năm 1930“. Điều đó chứng tỏ tiền đề ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam bào gồm: một là, chủ nghĩa Mác – Lênin; hai là, phong trào công nhân gắn liền với phong trào yêu nước Việt Nam; ba là, những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh vào những năm cuối của thập niên 20 và đầu năm 1930.
1. Chủ nghĩa Mác – Lênin
C.Mác và V.I.Lênin chủ yếu quan tâm đến vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, với nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo giai cấp vô sản và quần chúng lao động làm cách mạng vô sản hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, trực tiếp lật đổ chế độ tư bản và tiến lên xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, trong đó không còn áp bức, bóc lột, không còn bất bình đẳng và bất công, cong người được giải phóng hoàn toàn và được tạo mọi điều kiện cần thiết để tự do phát triển hết những khả năng sẵn có của mình.
Theo Mác – Lênin, “Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân phương Tây“. Chủ nghĩa Mác là học thuyết xã hội thực sự nhân đạo và là hệ tư tưởng khoa học của giai cấp vô sản, có mục tiêu, nguyên lý, quy luật chung cho tất cả các nước và dân tộc. Chủ nghĩa Mác trang bị thế giới quan, phương pháp luận cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chỉ ra con đường, phương thức tiến hành thắng lợi cách mạng vô sản. Nó trở thành lực lượng vật chất khi thâm nhập được vào trong quần chúng. Còn giai cấp công nhân phương Tây là lực lượng tiên tiến trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; có ý thức tổ chức kỉ luật và tinh thần tự giác cao độ; có tri thức, trình độ khoa học, kĩ thuật và dễ tiếp thu cái mới; ra đời sớm, đông đảo về số lượng, lại được rèn luyện, thử thách trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và có vai trò gánh vác sứ mệnh lịch sử giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.
Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh của mình, giai cấp công nhân phương Tây phải có một chính Đảng lãnh đạo. Đảng đó phải được tổ chức chặt chẽ theo những nguyên tắc đảng kiểu mới của Lênin và tuyệt đối trung thành với lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Không giống như Mác – Lênin, Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến việc xây dựng Đảng Cộng sản ở những nước thuộc địa, lạc hậu, kinh tế kém phát triển và những tàn tích phong kiến còn rất nặng nề, với nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp vô sản và quần chúng lao động làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hay làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là phải giải quyết đồng thời hai mâu thuẩn chủ yếu của cách mạng bấy giờ là mâu thuẫn giữa dân tộc với thực dân xâm lược và mâu thuẩn trong nội bộ dân tộc giữa tư sản, phong kiến với công nhân, nông dân nhằm giải phóng dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày và dân chủ cho nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, không thể áp dụng nguyên công thức của Mác – Lênin về thành lập Đảng Cộng sản vào Việt Nam. Bởi giai cấp công nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế như số lượng ít (chiếm 1% dân số) lại phân bố rải rác trên nhiều khu vực, yếu về kinh tế, thấp bé về chính trị, đại bộ phận xuất thân từ nông dân nên còn mang nguyên đặc điểm tiểu nông, trình độ còn non kém. Do đó, phải tìm kiếm thêm cơ sở hiện thực từ phong trào thực tiễn của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và áp bức bóc lột, trong khi đó, phong trào đấu tranh cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX lại đang bế tắc về tư tưởng lý luận. Cơ sở hiện thực đó chính là tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản ở Việt Nam phải là lực lượng tiên tiến trong dân tộc, có khả năng đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn; có khả năng vận động, quy tụ, tập hợp lực lượng toàn dân tộc, củng cố khối đoàn kết toàn dân, lãnh đạo, tổ chức quần chúng làm cách mạng và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ngày càng mở rộng và mạnh mẽ để đi đến thắng lợi cuối cùng và có khả năng gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản thế giới.
Hồ Chí Minh đã không vận dụng một cách rập khuôn, giáo điều chủ nghĩa Mác – Lênin mà có sự sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh các nước thuộc địa mà cụ thể là Việt Nam.
2. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước
a, Phong trào công nhân
Đầu thế kỉ XX, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam phát triển rộng rãi và mạnh mẽ, là một trong những yếu tố thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Giai cấp công nhân ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897 – 1914) và tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương (1919 – 1929). Cho đến năm 1929, số lượng công nhân đã tăng lên hơn 22 vạn, tập trung tại các khu công nghiệp lớn như Vinh – Bến Thủy, Hải Phòng, Nam Định… Giai cấp công nhân Việt Nam mang những đặc điểm của công nhân quốc tế và cả những đặc điểm riêng. Tuy còn có những hạn chế như đã nói ở trên, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp tiên tiến nhất trong hình thức sản xuất xã hội; sống và làm việc tập trung; có ý thức tổ chức và kỉ luật, có tinh thần tự giác cao độ; có tri thức, kiến thức khoa học, kĩ thuật và dễ tiếp thu cái mới; có mối quan hệ tự nhiên gắn bó với nông dân nên dễ dàng hình thành liên minh công – nông, chịu ba tầng áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến và tư sản nên là có lòng căm thù thực dân cao độ, có tinh thần cách mạng triệt để nhất lại thừa kế truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc nên có khả năng tiến hành cách mạng và đưa cách mạng đến thắng lợi. Đây là lực lượng giữ vai trò lãnh đạo cách mạng. Các phong trào công nhân tiêu biểu như bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy tơ Nam Định… Đặc biệt, tháng 8 năm 1925, cuộc bãi công của thợ máy xưởng Ba Son ngăn chiến hạm chở binh lính Pháp sang đàn áp phong trào của công nhân Trung Quốc đã thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong đấu tranh.
b, Phong trào yêu nước
Bên cạnh giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh nhận thấy ở Việt Nam lại có những phong trào yêu nước rộng lớn lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân, chủ yếu là nông dân, vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến.Giai cấp nông dân có lòng căm thù thực dân, phong kiến cao độ, có tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, là lực lượng nòng cốt của phong trào yêu nước và có kinh nghiệm trong đấu tranh. Còn các tầng lớp, bộ phận khác tham gia phong trào yêu nước không phải là lực lượng nòng cốt mà với vai trò và tư cách khác nhau tùy theo lợi ích của họ quy định.
Phong trào yêu nước có ưu điểm đông về lực lượng; hùng hậu về sức mạnh; có nhiều kinh nghiệm và được thử thách qua các cuộc đấu tranh của dân tộc. Tuy nhiên phong trào còn nhiều hạn chế, chưa có một hệ tư tưởng cách mạng dẫn đường; sự liên kết lỏng lẻo, thiếu tổ chức và đường lối cách mạng đúng đắn. Từ phong trào Cần Vương, đến phong trào Đông Du, Duy Tân… và phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, cuối cùng đều thất bại, “đất nước lâm vào tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Người cho rằng con đường của Phan Bội Châu chẳng khác gì “Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Con đường của Phan Châu Trinh cũng chẳng khác gì “Xin giặc rủ lòng thương”. Con đường của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn nhưng vẫn còn mang nặng cốt cách phong kiến. Các phong trào này chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, chưa giải quyết được hai mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội bấy giờ là mâu thuân dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Vào thời điểm đó, những phong trào yêu nước chưa có lý luận khoa học cách mạng dẫn đường và không có khả năng tiến hành cuộc cách mạng đến thắng lợi.
c, Sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào công nhân và phong trào yêu nước
Việc kết hợp phong trào yêu nước của đông đảo quần chúng nhân dân với phong trào công nhân ở Việt Nam là một tất yếu lịch sử, kết hợp điểm mạnh của hai phong trào này mới tạo ra được sức mạnh to lớn, tạo thành tiền đề lý luận cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Nếu phong trào công nhân không gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước, thì cũng không đủ lực lượng để mở rộng cuộc đấu tranh và đưa cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi, còn nếu phong trào yêu nước không được dẫn dắt bởi giai cấp công nhân với đội tiên phong Đảng cộng sản thì cuộc đấu tranh đó cũng không thể đi đến thắng lợi hoàn toàn. Việc kết hợp phong trào công nhân và phong trào yêu nước là sự sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh bổ sung vào học thuyết Mác – Lênin về xây dựng đảng, từ đó dẫn tới hệ luận điểm: “không phải mọi người yêu nước đều là cộng sản, nhưng việc tiếp nhận đường lối của Đảng cộng sản lại là điều kiện cần thiết để xác định được mục tiêu yêu nước đúng đắn; còn mỗi người cộng sản trước hết phải là người yêu nước, hơn nữa phải là người yêu nước tiêu biểu, phải thường xuyên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, quan điểm, đường lối của Đảng trong nhân dân và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đó“. Điều đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng như các nước thuộc địa cũng như các nước chậm phát triển, tiền tư bản đang đi vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Việc kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng phải đúng vào thời điểm từ những năm cuối của thập niên 20 đến đầu năm 1930. Hơn nữa, việc kết hợp ấy phải gắn liền với những hoạt động thực tiễn phong phú của Hồ Chí Minh mới đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với tính quy luật phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc và đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam.
3. Những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh tiến tới thành lập Đảng
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh không những đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của một chính đảng cách mạng, mà còn chuyển nhận thức đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Theo Người, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng đó phải là quần chúng cách mạng được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo theo một đường lối chính trị đúng đắn thì mới trở thành sức mạnh to lớn.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản“. Cách mạng giải phóng dân tộc được dẫn dắt bằng hệ tư tưởng Mác – Lênin nghĩa là do Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo để “trong thì vận động, tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy“, lãnh đạo thực hiện hai giai đoạn của cách mạng Việt Nam là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đảng phải được vũ trang bằng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và phải được xây dựng theo những nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Với nhận thức đó, từ rất sớm, trong những hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tìm kiếm cơ sở hiện thực để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc đã biểu quyết tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, chế độ Xô viết mới ra đời và tích cực tham gia nhiều hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Hội liên hiệp thuộc địa thành lập năm 1921 có nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin về các nước thuộc địa; củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân các nước thuộc địa với nhau và cổ vũ tinh thần đấu tranh chống thực dân, đế quốc của họ. Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông thành lập năm 1925. Đó là những tổ chức quốc tế đầu tiên của phong trào giải phóng dân tộc, mà Nguyễn Ái Quốc vừa là người khởi xướng, vừa là người tổ chức, người lãnh đạo với vai trò chủ yếu nhất.
Để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Người đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức.
Về chính trị tư tưởng, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước Việt Nam thuộc địa, xây dựng nên lí luận cách mạng giải phóng dân tộc, diễn đạt nó thành tiếng nói của dân tộc Việt Nam để truyền bá cho nhân dân Việt Nam. Những tư tưởng cách mạng của Người được thể hiện qua nhiều tờ báo và các bài tham luận tại Quốc tế Cộng sản: Các báo ở Pháp từ năm 1921 đến tháng 6 – 1923 như báo Người cùng khổ (của Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari), Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp); Các báo ở Liên Xô từ năm 1923 đến năm 1924 như báo Sự thật (của Đảng Cộng sản Liên Xô), tạp chí Thư tín Quốc tế, qua một số bài tham luận tại hội nghị, đại hội quốc tế như Hội nghị Quốc tế Nông dân (10 – 1923), nhất là Đại hội V của Quốc tế Cộng sản năm 1924. Đặc biệt qua hai tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường cách mệnh (1927). Những tư tưởng đó là ánh sáng soi đường cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX đang đi tìm chân lí cứu nước, là ngọn cờ hướng đạo phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kì vận động thành lập Đảng, đồng thời cũng đặt nền móng để xây dựng cương lĩnh cách mạng Việt Nam sau này.
Về mặt tổ chức, tháng 6 – 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, một tổ chức quá độ để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo một đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Từ năm 1925 đến năm 1927, Người đã mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu. Sau các khóa học, một số được cử đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố và trường Đại học Phương Đông, còn phần lớn trở về nước hoạt động, tuyên truyền lí luận cách mạng trong quần chúng và xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Những chuẩn bị trên của Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho sự gặp gỡ tất yếu của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam với tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, làm cho phong trào chuyển dần từ tự phát sang tự giác.
Ở Việt Nam, nếu chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước thì vẫn chưa ra đời được Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1929, nước ta xuất hiện ba tổ chức cộng sản, đó là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ba tổ chức này có chung mục tiêu, lí tưởng nhưng lại hoạt động riêng rẽ, thậm chí còn công kích nhau, làm cho phong trào cách mạng có nguy cơ bị chia rẽ. Trong khi đó, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã tỏ ra không còn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Yêu cầu cấp thiết lúc này là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất.
Trước tình hình đó, cuối năm 1929 Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản. Với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, người có quyền quyết định mọi vấn đề của cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng (Cửu Long, Trung Quốc) đầu năm 1930. Bằng nhãn quan chính trị sắc bén và uy tín tuyệt đối, Người đã đưa Hội nghị đến thành công, thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, mà trực tiếp là từ học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin để nghiên cứu tình hình thực tế ở Việt Nam và tổng kết cơ sở hiện thực ở Việt Nam thành tư tưởng, lý luận bổ sung vào học thuyết Mác – Lênin. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản ra đời là từ nhu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử dân tộc. Từ khi có Đảng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Đảng, mà minh chứng rõ nhất là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như công cuộc đổi mới sau này.
Bài luận liên quan:
- Vai trò của ngành tâm lý học
- Khái niệm, đặc điểm của chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ
- Định nghĩa bình luận về hành vi Mớm cung
- Bàn về khái niệm vật chứng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
- Giấy Ủy quyền nhận tiền thai sản
- Chức năng của văn bản quản lý nhà nước
- Phân tích tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính
- Khái niệm Hiến pháp
- Phương pháp điều chỉnh của ngành luật Hiến pháp Việt Nam
- Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930
- Phân tích quy định cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ
- Chuẩn mực “đạo đức” và “xã hội” là gì và mối liên hệ của chúng trong cuộc sống hiện nay ở Việt Nam như thế nào
- Nêu, phân tích những ví dụ cụ thể gắn với vấn đề phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
- Nhìn lại vụ việc giữa công ty Tân Hiệp Phát và công ty liên doanh bia Việt Nam – những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh
- Vị trí chiến lược của Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
- Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930
- Chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra – Chương 3
- Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
- Luật Lập pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
- Bàn về mối quan hệ phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự
- Một số nhận định về sự ra đời của Luật Biển Việt Nam
- Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật
- Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay
- Người cao tuổi, người già cô đơn và vấn đề trợ giúp pháp lý cho đối tượng này ở Việt Nam
- Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Những vấn đề đặt ra trong tình hình mới