Câu hỏi: Phân tích tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
Luật sư Tư vấn Phân tích tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 27 tháng 07 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Bộ luật hình sự năm 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009)
3. Luật sư trả lời
Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như sau:
1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
b) Cho vay quá giới hạn quy định;
c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
I. Phân tích các dấu hiệu cơ bản của tội phạm.
* Chủ thể :
Người thực hiện hành vi phạm tội: Người thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân đủ độ tuổi luật định, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng. Đối với một số tội thì người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có thể là bất cứ cá nhân nào không phân biệt ngành nghề, giới tính,… đối với một số tội khác thì chỉ có những người đặc biệt mới có thể thực hiện các hành vi phạm tội trong lĩnh vực, trường hợp đặc trưng đó như người lái máy bay, người điều khiển tàu biển hoặc là người có chức vụ, quyền hạn,…
Ở Điều luật này, người thực hiện hành vi phạm tội là chủ thể đặc biệt. Đó phải là người có quyền hạn, có trách nhiệm nhất định trong hoạt động tín dụng mới có thể trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội. Đối với những người không có trách nhiệm trong hoạt động tín dụng của ngân hàng có thể vẫn phạm vào tội này, tuy nhiên, căn cứ vào mức độ và hành vi phạm tội để phân tích, đánh giá, thì hành vi phạm tội không thể là trực tiếp và cụ thể với những đặc trưng như những người có trách nhiệm trong hoạt động tín dụng là CBNV ngân hàng mà chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm như giúp sức, hỗ trợ.
* Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực cho vay trong hoạt động tín dụng.
Đối tượng tác động của tội phạm này là các khoản tiền, vàng, ngoại tệ…cho vay trong hoạt động tín dụng.
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan:
Người phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
Cho vay quá giới hạn quy định;
Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật là trường hợp cho vay không có thế chấp, không có cầm cố, không có bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
Cho vay quá giới hạn quy định là trường hợp cho vay tuy có bảo đảm nhưng số tiền, vàng, ngoại tệ cho vay quá mức quy định. Ví dụ: Tài sản thế chấp trị giá 500.000.000 đồng, theo quy định của ngân hàng thì số tiền cho vay không được quá 80% giá trị tài sản thế chấp ( không quá 400.000.000 đồng), nhưng ngân hàng đã cho khách hàng vay quá 450.000.000 đồng.
Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng là trường hợp cho vay trái với quy định của pháp luật ngoài trường hợp cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật và cho vay quá giới hạn quy định như: Cho vay với lãi suất thấp hơn hoặc cao hơn lai suất quy định; cho vay không đúng đối tượng được vay…
– Hậu quả:
Đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thì người phạm tội chưa phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV”Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
II. Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm:
Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhà làm luật còn quy định các dấu hiệu khách quan khác như: Quy định của Nhà nước về cho vay trong hoạt động tín dụng. Các quy định này chủ yếu là của Nhân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Nhà nước quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của Nhà nước về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Các trường hợp phạm tội cụ thể.
1. Phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật hình sự, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc phạt dưới một năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật
Khoản 2 Điều 179 chỉ quy định một trường hợp pham tội, đó là: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đây lại là một đặc điểm khác với một số tội phạm khác nhà làm luật quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong cùng một khung hình phạt.
Đến nay, cũng chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây ra. Vì vậy, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV”Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây ra.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 179 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì Toà án có thể phạt người phạm tội dưới năm năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật
Cũng tương tự như khoản 2 của điều luật, khoản 3 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng tương tự với các trường hợp khác, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV”Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây ra.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có thể bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì Toà án có thể phạt người phạm tội dưới mười năm tù, nhưng không được dưới năm năm. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN