Chưa xem xét đầy đủ các yêu cầu của đương sự khi giải quyết vụ án
Theo quy định của pháp luật thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự có quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi yêu cầu, nội dung khởi kiện (trong khuôn khổ pháp luật quy định). Toà án có trách nhiệm phải xem xét đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của đương sự. Tại phiên toà sơ thẩm, Toà án phải hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không; hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không; hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không. Nếu đương sự có thay đổi, bổ sung hay rút yêu cầu thì Toà án xem xét theo quy định chung.
Trường hợp đương sự không thay đổi, bổ sung hay rút yêu cầu thì Toà án phải xem xét các yêu cầu của đương sự. Trên thực tế có trường hợp đương sự xin rút đơn khởi kiện phần chia tài sản chung và chỉ yêu cầu chia thừa kế, nhưng Toà án lại đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai sót này mà giữ nguyên quyết định sơ thẩm là sai.
Ví dụ vụ án tranh chấp dân sự có nguyên đơn là bà Trần Thị Đoá với bị đơn là bà Trần Thị Thảng có nội dung như sau: ngày 30/8/2002 Bà Đoá khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là nhà đất tại xã Đông La, huyện HĐ, thành phố K; sau đó, ngày 27/7/2005, bà Đoá thay đổi đơn khởi kiện xin chia tài sản chung là nhà đất nêu trên và ngày 14/5/2006 bà Đoá lại có đơn đề nghị rút đơn khởi kiện vụ kiện chia tài sản chung và tiếp tục đề nghị Toà án chia tài sản thừa kế của cha mẹ là nhà đất tại Đông La.
Tại Quyết định sơ thẩm số 07/2006/QĐST-DS ngày 05/6/2006, Toà án nhân dân huyện HĐ đã đình chỉ giải quyết vụ án. Bà Đoá kháng cáo quyết định sơ thẩm.
Quyết định phúc thẩm số 147/2010/QĐPT ngày 25/8/2010 của Toà án nhân dân thành phố K đã giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Như vậy, trong vụ án này, Toà án cấp sơ thẩm đã không xem xét yêu cầu chia thừa kế của đương sự là sai; Toà án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai sót này (lẽ ra phải huỷ quyết định sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại), giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của đương sự.
Có vụ án, bị đơn cố tình giấu địa chỉ. Toà án cấp sơ thẩm xét xử xong thì nguyên đơn kháng cáo. Toà án cấp phúc thẩm không xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn mà lại đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho đương sự là không đúng.
Ví dụ vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Lưu Thị Loảng, ông Lê Văn Bình với bị đơn là ông Nguyễn Mạnh Giang, bà Nguyễn Thị Mùa và anh Nguyễn Đức Sơn có nội dung cụ thể như sau: vợ chồng bà Loảng, ông Bình đòi nợ 560 triệu là số tiền mua hải sản mà vợ chồng bà Mùa, ông Giang và anh Sơn (con chung bà Mùa và ông Giang) còn nợ. Sau khi bản án sơ thẩm xét xử chỉ buộc bà Mùa trả 300 triệu thì nguyên đơn kháng cáo yêu cầu vợ chồng bà Mùa, ông Giang và anh Sơn phải trả 560 triệu. Toà án cấp phúc thẩm đã không xem xét kháng cáo của nguyên đơn, mà lại cho rằng nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện (không rõ nơi ở của bị đơn) để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng.