Đề tài: Kết hôn trái pháp luật và quan hệ pháp luật vợ chồng khi này chiếu theo các quy định hiện hành.
Tình huống:
Ông Tuấn và bà Lan là anh em cùng cha khác mẹ. Minh là con trai ông Tuấn, sinh ngày 20/8/1997 cư trú tại xã Duyên Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ngân sinh ngày 26/8/2002, đăng ký thường trú từ nhỏ đến nay tại xã Long Vĩ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là con nuôi của bà Lan. Minh và Ngân yêu nhau đã hơn 2 năm nên Minh báo cáo xin phép bố mẹ để được kết hôn. Tuy vậy, vợ chồng ông Tuấn kịch liệt phản đối với lý do, trước khi là con nuôi bà Lan thì Ngân đã có hơn 2 năm là con nuôi của ông bà. Vì vậy, Minh và Ngân đã từng là anh em nuôi nên thuộc diện cấm kết hôn.
Sau 3 tuần động viên, thuyết phục được bố mẹ, ngày 21/7/2020, Minh và Ngân đến Ủy ban nhân dân xã Duyên Hà đăng ký kết hôn. Công chức tư pháp – hộ tịch xã Duyên Hà đã thực hiện các thủ tục và Minh và Ngân đã được cấp Giấy chứng nhận kết hôn
Ngày 5/9/2020, Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hủy việc kết hôn trái pháp luật của Minh và Ngân với 2 lý do:
1) Khi đăng ký kết hôn, Ngân chưa đủ tuổi
2) Tại thời điểm 21/7/2020, Minh đang trong thời gian bị hạn chế năng lực hành vi theo Quyết định của TAND
Trước Tòa án, Ngân và Minh tha thiết yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân của mình.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Câu 1. Việc kết hôn của Minh và Ngân có thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật hay không? Vì sao?
Câu 2. Tòa án nhân dân huyện Thường Tín sẽ xử lý trường hợp kết hôn của Minh Ngân như thế nào?. Nêu rõ căn cứ pháp lý cho ý kiến của mình
Câu 3. Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và hãy bình luận về 2 lý do mà Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà nêu trong đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hủy việc kết hôn trái pháp luật của Minh và Ngân
Câu 4. Phân tích quyền và nghĩa vụ pháp lý của vợ chồng Minh Ngân. Nêu rõ căn cứ pháp lý cho phần phân tích của mình
TRẢ LỜI CÂU HỎI THẢO LUẬN
Câu 1. Việc kết kết hôn của Minh và Ngân có thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật hay không? Vì sao?
Giải thích về “kết hôn trái pháp luật”: Căn cứ vào khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”
Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ theo các điều sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a,b,c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Từ quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong trường hợp này có thể thấy:
(1) Quy định về độ tuổi kết hôn (điểm a khoản 1 Điều 8): Minh đã đủ tuổi kết hôn (22 tuổi 11 tháng); tuy nhiên Ngân chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định khi Ngân chỉ mới được 17 tuổi 10 tháng 25 ngày.
(2) Việc kết hôn giữa Minh và Ngân là tự nguyện, không có sự ràng buộc của chủ thể khác trong quan hệ này. Minh và Ngân đều khao khát, mong muốn được tiến đến với nhau và tiến hành đăng ký kết hôn tại UBND xã Duyên Hà (đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 1 Điều 8).
(3) Trong tình huống nêu trên Minh và Ngân không bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật (đáp ứng điều kiện tại điểm c khoản 1 Điều 8).
(4) Việc kết hôn giữa Minh và Ngân không thuộc một trong trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5, cụ thể như là Minh và Ngân không kết hôn với người cùng dòng máu về trực hệ (đáp ứng điều kiện tại điểm d khoản 1 Điều 8).
Dựa vào phân tích trên có thể thấy việc kết hôn giữa Minh và Ngân vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bởi Ngân chỉ mới được 17 tuổi 10 ngày 25 tháng, không đáp ứng điều kiện về tuổi kết hôn theo pháp luật quy định (vi phạm vào điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Chính vì thế, việc kết hôn giữa Minh và Ngân là việc kết hôn trái pháp luật.
Câu 2. Tòa án nhân dân huyện Thường Tín sẽ xử lý trường hợp kết hôn của Minh Ngân như thế nào? Nêu rõ căn cứ pháp lý cho ý kiến của mình.
Sau khi đăng ký kết hôn tại UBND xã Duyên Hà (vào ngày 21/7/2020), đến ngày 5/9/2020 Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Trước khi đưa trả lời về việc Tòa án nhân dân huyện Thường Tín sẽ xử lý trường hợp kết hôn của Minh và Ngân, nhóm chúng em phân tích theo hai hướng sau đây:
1. Tòa án nhân dân huyện Duyên Hà có thẩm quyền thụ lý việc yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật này không?
Trước hết, xác định đây là việc dân sự với yêu cầu giải quyết việc dân sự về việc kết hôn trái pháp luật (không có tranh chấp xảy ra giữa các bên chủ thể).
Việc yêu cầu hủy kết hôn của Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà là có căn cứ vì xét trên tình huống tại thời điểm đăng ký kết hôn (ngày 21/07/2020), bởi khi đó Ngân chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, Ngân đã vi phạm vào điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Xét về quyền yêu cầu hủy kết hôn: Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật (quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 về những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật là phù hợp.
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền thụ lý việc yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật này. Tòa án nhân dân huyện Thường Tín có quyền thụ lý theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ Luật TTDS 2015).
2. Tòa án nhân dân huyện Thường Tín sẽ xử lý trường hợp của Minh và Ngân như thế nào?
Trong trường hợp trên, Tòa án nhân dân huyện Thường Tín có thể xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về xử lý việc kết hôn trái pháp luật: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”.
Từ quy định trên theo Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án công nhận kết hôn khi có đủ hai điều kiện sau:
(1) Đến thời điểm giải quyết yêu cầu việc kết hôn trái pháp luật mà hai bên kết hôn đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
(2) Cả hai bên có yêu cầu công nhân quan hệ hôn nhân.
Xét trong trường hợp của Minh và Ngân, có thể chia thành 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Minh và Ngân đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật (vì ngày 05/09/2020 Ngân đã 18 tuổi 10 ngày thế nhưng vào ngày này Hội liên hiệp phụ nữ xã mới làm đơn yêu cầu). Cùng với đó nếu Minh và Ngân đều có mong muốn Tòa án công nhận việc hôn nhân của hai người.
Trong trường hợp này, Tòa án có thể ra quyết định công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Trường hợp 2: Minh và Ngân đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật (Ngân đã 18 tuổi, đáp ứng điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) nhưng một hoặc hai bên không yêu cầu Tòa án công nhận hôn nhân.
Trong trường hợp này, Tòa án có thể ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trong tình huống trên, trước tòa Minh và Ngân đều tha thiết yêu cầu Tòa án công nhận. Chính vì thế, trong trường hợp này Tòa án có thể giải quyết theo trường hợp 1 là công nhận quan hệ hôn nhân giữa Minh và Ngân.
Sau khi tòa án ra quyết định về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn (Ủy ban Nhân dân xã Duyên Hà) để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về Tố tụng Dân sự (quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Câu 3. Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và hãy bình luận về 2 lý do mà Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà nêu trong đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hủy việc kết hôn trái pháp luật của Minh và Ngân.
1. Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a,c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này;
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
Ngoài ra, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 10 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trong trường hợp kết hôn giữa Minh và Ngân thì Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định.
2. Bình luận về 2 lý do mà Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà nêu trong đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa Minh và Ngân.
Lý do 1: Khi đăng ký kết hôn, Ngân chưa đủ tuổi.
Dựa vào tình huống trên có thể thấy, vào thời gian đăng ký kết hôn (ngày 21/07/2020) Ngân mới 17 tuổi 10 tháng 25 ngày tuổi, vẫn chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Xét về điều kiện kết hôn trong khoảng thời gian Ngân và Minh kết hôn vi phạm điều kiện theo Luật định. Có thể thấy với lý do của Hội liên hiệp phụ nữ, tại thời điểm đăng ký kết hôn thì Ngân chưa đủ tuổi là hợp lý vì theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về độ tuổi kết hôn, Ngân đã vi phạm.
Tuy nhiên vào ngày 5/9/2020, Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà mới bắt đầu nộp đơn yêu cầu để Tòa án giải quyết việc kết hôn trái pháp luật của Minh và Ngân. Đến thời điểm Hội liên hiệp phụ nữ nộp đơn yêu cầu giải quyết tới Tòa án thì Ngân đã đủ 18 tuổi theo quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.”
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành, tại thời điểm Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà nộp đơn yêu cầu giải quyết thì việc kết hôn giữa Minh và Ngân hoàn toàn có thể được công nhận nếu như giữa hai người có mong muốn tiến tới hôn nhân. Lúc này, Tòa án nhân dân huyện Thường Tín có thể đưa ra quyết định công nhận hôn nhân giữa Minh và Nhân là hợp pháp, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Lý do 2: Tại thời điểm 21/7/2020, Minh đang trong thời gian bị hạn chế năng lực hành vi theo Quyết định của TAND.
Tại điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều kiện kết hôn có quy định nam hoặc nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự.
(Khái niệm mất năng lực hành vi dân sự) Khoản 1 Điều 22 BLDS 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
(Khái niệm hạn chế năng lực hành vi dân sự) Khoản 1 Điều 24 BLDS 2015 quy định về hạn chế năng lực hành vi sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích dẫn đến tàn phá tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…
Từ khái niệm nêu trên về mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể thấy điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình không quy định cấm người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự kết hôn, chỉ quy định đối với người mất năng lực hành vi dân sự (người không thể tự mình nhận thức, điều khiển hành vi của mình).
Với khái niệm về “hạn chế năng lực hành vi dân sự” và “mất năng lực hành vi dân sự, có thể thấy lý do của Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà đưa ra nguyên nhân Tòa án có ra quyết định về việc hạn chế năng lực hành vi dân sự đối với Minh là không phù hợp.
Nhìn chung, yêu cầu giải quyết việc kết hôn trái pháp luật của Hội liên hiệp phụ nữ đối với việc kết hôn Minh và Ngân có phần chưa hợp lý đối với việc Minh bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Còn đối với lý do Ngân chưa đủ tuổi cũng có phần hợp lý, việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc kết hôn trái pháp luật này có thể giúp Ngân và Minh xác nhận được việc hai người có muốn Tòa án công nhận mối quan hệ không.
Câu 4. Phân tích quyền và nghĩa vụ pháp lý của vợ chồng Minh Ngân. Nêu rõ căn cứ pháp lý cho phần phân tích của mình.
Căn cứ vào nội dung của quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng được quy định cụ thể bao gồm các quyền và nghĩa vụ nhân thân cùng các quyền và nghĩa vụ tài sản. Khi Minh – Ngân đã là vợ chồng, việc kết hôn được Tòa án công nhận là hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ pháp lý phát sinh đối với hai người như sau:
1. Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng Minh và Ngân.
Quyền và nghĩa vụ nhân thân mang yếu tố tình cảm, lợi ích tinh thần giữa vợ và chồng, gắn liền suốt quãng đường sống với nhau, không thể chuyển dịch cho người khác. Đây chính là chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử mang tính tự nhiên và truyền thống giữa vợ và chồng. Chính vì thế việc xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân không chỉ được điều chỉnh thông qua các quy định của pháp luật mà còn được điều chỉnh thông qua những quy tắc đạo đức và lẽ sống trong xã hội.
Quyền và nghĩa vụ nhân thân của Minh và Ngân được quy định cụ thể theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
a. Tình nghĩa vợ chồng
Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Tình yêu thương và sự chung thủy là hai yếu tố quan trọng giúp vợ chồng chung sống hạnh phúc, yêu thương, giữ gìn tình cảm và tạo nên mối quan hệ bền vững. Không những thế, sự tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau giữa vợ chồng còn thể hiện việc giữ gìn danh dự, uy tín, nhân phẩm cho nhau, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ khó khăn trong công việc và đời sống thường ngày để thấu hiểu, cùng nhau vượt qua mọi thử thách.
Ngoài ra, vợ chồng phải chung sống với nhau để thực hiện nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ và sẻ chia trong công việc gia đình, đời sống hàng ngày. […] Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh của mỗi cặp vợ chồng mà họ có thể thỏa thuận về việc sống chung hay sống riêng.
b. Quyền bình đẳng, tự do, dân chủ của vợ chồng
Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền bình đẳng, tự do, dân chủ của vợ chồng tại Điều 20, 21, 22, 23:
Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các luật khác có quy định liên quan. Cụ thể như sau:
– Quyền tự do lựa chọn nơi cư trú, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính (Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau (Điều 21 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Quyền được tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo với nhau, không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên cơ sở sự bàn bạc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhau giữa vợ và chồng. Khi vợ hoặc chồng thực hiện quyền của họ thì người kia không được ngăn cản, gây khó khăn cho nhau (Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
2. Quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng Minh và Ngân
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có hai chế độ tài sản là: chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo quy định của pháp luật. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng một trong hai chế độ tài sản trên. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Chế độ tài sản của vợ chồng được hiểu là toàn bộ những quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Từ đó xác định được quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và việc phân chia tài sản.
Vì vậy có thể chia ra chế độ tài sản bao gồm các tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng. Cụ thể trong pháp luật Hôn nhân và gia đình có quy định về quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng như sau:
a. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung hợp nhất của vợ chồng có thể bao gồm:
– Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.
– Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
– Những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân như: tiền thưởng, tiền trợ cấp,…
– Tài sản được thừa kế chung hoặc được tặng cho…
(1). Quyền của vợ chồng với tài sản chung:
Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, vợ chồng có quyền đối với tài sản chung như sau:
– Quyền chiếm hữu: Vợ chồng được quyền nắm giữ, quản lý, bảo vệ tài sản chung; vợ chồng cùng nhau quản, nắm giữ tài sản chung,…
– Quyền sử dụng: Vợ chồng được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Hoa lợi, hoa tức thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản là tài sản chung của vợ chồng.
– Quyền định đoạt: Vợ chồng được quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là bất động sản, là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của hai bên. Văn bản thỏa thuận cần được công chứng, chứng thực. Trong trường hợp vợ chồng ủy quyền cho nhau trong việc định đoạt tài sản chung, người được ủy quyền có toàn quyền quyết định tài sản chung mà không cần bàn bạc, thỏa thuận với bên kia (Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
(2). Nghĩa vụ của vợ chồng với tài sản chung:
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:
“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
b. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản riêng
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ hoặc chồng bao gồm:
– Tài sản mà vợ hoặc chồng có từ trước khi kết hôn.
– Những tài sản mà vợ hoặc chồng được thừa kế riêng hoặc được cho tặng trong thời kỳ hôn nhân.
– Tài sản mà vợ hoặc chồng được chia từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó.
– Tài sản khác theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng bao gồm như: quyền tài sản với đối tượng là sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ; quyền tài sản gắn liền với nhân thân của vợ, chồng…
(1). Quyền của vợ chồng với tài sản riêng
– Quyền chiếm hữu: Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng. Trong trường hợp không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó (quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Quyền sử dụng: Vợ, chồng có quyền sử dụng tài sản của mình để đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc thỏa thuận cùng sử dụng tài sản riêng của mỗi bên nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình.
– Quyền định đoạt: Quyền tự định đoạt tài sản riêng không phụ thuộc vào ý chí của người kia. Tuy nhiên, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ hoặc chồng có thể bị hạn chế trong trường hợp hoa lợi, hoa tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì muốn định đoạt tài sản đó phải có sự thỏa thuận của chồng, vợ (quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
(2). Nghĩa vụ của vợ chồng với tài sản riêng
Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng như sau:
“1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.”
c. Quyền thừa kế tài sản của vợ, chồng
(1). Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
(2). Người thừa kế theo pháp luật
Theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
d. Quản lý tài sản chung của vợ chồng khi một bên vắng mặt tại nơi cư trú hoặc bị Toà án tuyên bố mất tích
(1). Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật dân sự 2015, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều 65 BLDS thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú được quy định tại Điều 66 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
– Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
– Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.
– Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.
– Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Bên cạnh nghĩa vụ trên, theo Điều 67 Bộ luật dân sự 2015, người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có quyền sau:
– Quản lý tài sản của người vắng mặt.
– Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
– Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt
e. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật dân sự tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật dân sự.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
3. Quyền và nghĩa vụ đại diện cho nhau giữa vợ và chồng
Ngoài quy định về quyền và nghĩa vụ nhân thân trong Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ và chồng còn có quyền và nghĩa vụ đại diện cho nhau theo pháp luật hoặc theo ủy quyền:
Đối với đại diện theo pháp luật
Theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật Hôn nhân và gia đình; đại diện theo pháp luật giữa vợ và chồng phát sinh khi:
– Vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ thì làm người giám hộ (người đại diện) cho người mất năng lực hành vi dân sự: Trong trường hợp này, vợ hoặc chồng là người giám hộ (người đại diện) có quyền và nghĩa vụ xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện; quản lý tài sản của người được giám hộ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ (Xác định người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 53; quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 57, Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Một bên là vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chồng bên kia là chồng hoặc vợ được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó thì phạm vi đại diện do Tòa án quyết định. Mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải được người đại diện đồng ý ngoại trừ những giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày (Quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015).
– Vợ, chồng kinh doanh chung hoặc có văn bản thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh: Vợ hoặc chồng trực tiếp tham gia vào quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của chồng hoặc vợ trong quan hệ kinh doanh đó (trừ trường hợp trước khi tham gia kinh doanh, vợ-chồng đã có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác). Người trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung (khoản 1 Điều 25, Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Tài sản chung của vợ chồng mà giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất chỉ ghi tên vợ hoặc chồng: Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó do người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sở hữu thực hiện. Việc thực hiện giao dịch của một bên phải phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ hoặc chồng. Nếu như trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng thì giao dịch đó vô hiệu (khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Đối với đại diện theo ủy quyền
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.
Việc ủy quyền giữa vợ và chồng phải được lập thành văn bản, có chữ ký của các bên. Văn bản ủy quyền trên, vợ hoặc chồng (bên được ủy quyền) có thể thực hiện:
– Các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của bên ủy quyền.
– Theo đại diện ủy quyền (người được đại diện) chỉ được thực hiện hành vi trong phạm vi được ủy quyền. Nếu người được ủy quyền thực hiện quá phạm vi được ủy quyền thì người được ủy quyền phải thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba (người đã tham gia giao dịch với người đại diện) phần giao dịch vượt quá đó.
TỔNG KẾT
Sau bài thuyết trình trên, nhóm thuyết trình tổng kết lại một số vấn đề được đề cập trong tình huống trên như sau:
1. Tập hợp và lưu trữ được đầy đủ các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến đề tài thảo luận.
Văn bản pháp luật liên quan đến đề tài thảo luận bao gồm:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Bộ luật Dân sự 2015.
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
2. Phân tích nội dung, ý nghĩa các quy định pháp luật liên quan đến đề tài, trong đó chỉ ra các điều, khoản và văn bản cụ thể của những quy định pháp luật này.
Qua phần thuyết trình trên của nhóm đề tài, các vấn đề nội dung được nêu ra cụ chi tiết, cụ thể trong từng tình huống giữa việc kết hôn của Minh và Ngân. Những vấn đề liên quan và được đề cập:
2.1. Điều kiện kết hôn, kết hôn trái pháp luật.
- Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về:
– Tuổi kết hôn: Nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi.
– Kết hôn phải do sự tự nguyện giữa hai bên .
– Không mất năng lực hành vi dân sự .
– Không thuộc những trường hợp mà pháp luật cấm kết hôn theo quy định tại điểm a,b,c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình.
– Không thừa nhận kết hôn giữa những người đồng giới.
Trong bài tập tình huống trên, Ngân không đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định. Những trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kết hôn mà Luật quy định thì đây là kết hôn trái pháp luật, không được thừa nhận quan hệ hôn nhân.
- Ý nghĩa
Trước tiên, việc đáp ứng điều kiện kết hôn là việc tuân thủ pháp luật của công dân với quy định Nhà nước đưa ra. Đáp ứng đủ điều kiện kết hôn khẳng định được quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận, bảo vệ.
Nhà nước quy định về điều kiện kết hôn nhằm hướng đến xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
2.2. Giải quyết vấn đề kết hôn trái pháp luật.
Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về khái niệm kết hôn: “Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Từ đó, việc kết hôn là việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng khi đáp ứng đủ điều kiện kết hôn cũng như đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong tình huống bài tập trên, Ngân không đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định. Cùng với đó, việc đưa ra yêu cầu giải quyết việc kết hôn trái pháp luật của Hội liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà cũng là vấn đề cần đề cập và quan tâm.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về hủy việc kết hôn đối với kết hôn trái pháp luật; quy định rõ ràng và chi tiết về cách thức xử lý việc kết hôn. Pháp luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định tại khoản 2 Điều 11 tại thời điểm mà Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình; cùng với đó hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.
Việc đưa ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do Tòa án thực hiện, dựa vào những căn cứ khác nhau xuất phát từ những quy định về điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cũng như các điều kiện về đăng ký kết hôn bị vi phạm.
2.3. Quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trong tình huống trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a,c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này;
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
Việc xác định người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật là vô cùng cần thiết. Khi cuộc hôn nhân có dấu hiệu trái pháp luật nhưng vẫn bị “che mắt”, tổ chức đám cưới chui không đăng ký,.. vậy nên việc xác định những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn giúp hạn chế hành vi kết hôn trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của những người xung quanh và xã hội. Pháp luật không chỉ trao quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cho các cá nhân là chủ thể của cuộc hôn nhân; mà còn trao quyền cho cả những chủ thể khác nhằm đảm bảo lợi ích cho những người kết hôn; góp phần đảm hạnh phúc gia đình trong thực tiễn cuộc sống.
2.4. Quyền và nghĩa vụ pháp lý vợ chồng.
Xuyên suốt theo tình huống về việc kết hôn của Minh và Ngân, đến thời gian ngày 5/9/2020 khi Hiệp hội liên hiệp phụ nữ xã làm đơn xin yêu cầu; lúc này Ngân đã đáp ứng đủ điều kiện về tuổi kết hôn. Cùng với đó, Minh và Ngân đều mong muốn tha thiết Tòa án công nhận nên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Lúc này, Minh và Ngân sẽ được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân và có quan hệ pháp lý ràng buộc giữa hai bên về quyền và nghĩa vụ pháp lý vợ chồng.
Khi Minh và Ngân được công nhận là quan hệ hôn nhân, được xác lập tại thời điểm Ngân đủ điều kiện kết hôn thì quyền và nghĩa vụ pháp lý vợ chồng phát sinh như sau:
– Quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa Minh và Ngân (Điều 17 – 23 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
– Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa Minh và Ngân (Điều 28-50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 7-18 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình).
– Quyền và nghĩa vụ về đại diện giữa Minh và Ngân (Điều 24-27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Việc xác định về quyền và nghĩa vụ giúp mỗi bên trong được bình đẳng, được thực hiện quyền lợi cơ bản của mình trong quan hệ hôn nhân. Khi bước vào quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận, đây được xem là “sự ràng buộc” mà các bên chủ thể không chỉ có quyền mà còn phát sinh nghĩa vụ đi kèm xuyên suốt quá trình hôn nhân của vợ chồng.
3. Lấy những ví dụ, tình huống cụ thể và những tài liệu thực tiễn để minh họa cho phần phân tích nói trên. Bình luận về thực tiễn tổ chức thực hiện những quy định pháp luật của đề tài.
- Ví dụ:
Ví dụ 1: Anh A và chị B đã yêu nhau 3 năm và chuẩn bị tiến tới kết hôn. Trước ngày đăng ký kết hôn thì anh A gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến việc bị chấn động não gây bệnh tâm thần và đã được Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên vì tình yêu tha thiết với anh A nên chị B vẫn quyết định dẫn anh A đến Ủy ban nhân dân xã X để đăng ký kết hôn. Do sự thiếu sót của công chức hộ tịch nên không phát hiện ra tình trạng của anh A nên anh A và chị B vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Mẹ chị B đã phát hiện ra con gái lén lút làm hành vi trên nên quyết định làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện Y yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị B. Tòa án đã tiếp nhận đơn và thụ lý đơn yêu cầu. Qua quá trình điều tra và xác minh thông tin, Tòa nhận thấy anh A là người mất năng lực dân sự, do đó đã đưa ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị B.
Ví dụ 2: Anh C có một ngôi nhà ở xã X với sổ hộ khẩu đứng tên mình và chị D là chủ sở hữu một chiếc xe ô tô. Sau khi kết hôn hai anh chị ở tại ngôi nhà của anh C và cùng nhau sử dụng xe chị D đi làm hàng ngày. Hai anh chị yêu thương, chăm sóc, tôn trọng lẫn nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Do yêu cầu của công việc nên anh C muốn mua một chiếc ô tô. Vào ngày xác lập giao dịch với bên bán thì anh C phải đi công tác đột xuất nên đã ủy quyền cho chị D thực hiện giao dịch này. Đối với tài sản riêng của anh C là ngôi nhà thì anh C có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và có quyền không nhập vào tài sản chung của hai vợ chồng. Đối với tài sản riêng của chị D là chiếc xe ô tô thì cũng tương tự. Còn đối với tài sản chung hình thành trong thời gian hôn nhân là chiếc xe ô tô mới mua thì hai bên sẽ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận với nhau.
- Bình luận thực tiễn tổ chức thực hiện:
Mặc dù khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể về điều kiện kết hôn nhưng trong thực tiễn thi hành còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về điều kiện tuổi kết hôn. Điều kiện về tuổi kết hôn được quy định tại Điều 8, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Thực tiễn thi hành quy định về tuổi kết hôn còn rất nhiều bất cập giữa quy định của pháp luật và tập quán về tuổi kết hôn. Ở một số địa phương, cộng đồng, người dân vẫn kết hôn theo độ tuổi trong tập quán dẫn tới tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở các nhóm cộng đồng này đặc biệt tỷ lệ kết hôn trước tuổi luật định ở vùng cao, nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống còn khá cao. Nhưng trên thực tế khá nhiều nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng chưa tới độ tuổi này và Pháp luật về hộ tịch vẫn thừa nhận quyền làm mẹ của người chưa đủ 18 tuổi, vẫn được đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú.
Theo khoản 2 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014, công chức tư pháp – hộ tịch sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 luật này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, sẽ ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Tuy nhiên trong tình huống trên, mặc dù Ngân chưa đủ điều kiện kết hôn nhưng Công chức tư pháp – hộ tịch xã Duyên Hà đã thực hiện các thủ tục và Minh cùng Ngân đã được cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Đây là vấn đề nổi cộm về thực trạng hiện nay công chức tư pháp – hộ tịch vẫn còn gặp sai sót, thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật khi xác định điều kiện đăng ký kết hôn. Để khắc phục tình trạng này đối với công chức, người có thẩm quyền công tác tại cơ quan nhà nước cần có các chế tài cụ thể xử phạt với hành vi lách luật, thực hiện không đúng cách thủ tục, không tuân theo pháp luật…
4. Những đề xuất đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật liên quan đến đề tài.
Để góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều kiện kết hôn, cần một số Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về điều kiện kết hôn như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho nhân dân. Đặc biệt là nhân dân ở vùng hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, phát huy một cách tối ưu đối với những quy định trong pháp luật chuyên ngành, cụ thể Luật hôn nhân và gia đình. Bởi vì pháp luật chuyên ngành đã được các chuyên gia có kiến thức pháp luật về chuyên môn rất cao và được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn. Tránh trường hợp luật chuyên ngành đã quy định khá cụ thể, nhưng khi áp dụng lại bị ràng buộc bởi văn bản pháp luật khác có liên quan. Từ đó tạo ra khe hở, dẫn đến sự tùy tiện cho người thực hiện. Cần có quy định của pháp luật thể hiện trong văn bản một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh việc quá nhiều văn bản cùng quy định cho một nội dung hoặc nhiều Điều, Khoản của văn bản quy định cho một vấn đề, làm cho người thực hiện xác định dẫn chiếu pháp luật sai.
Thứ ba, cải thiện và bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm pháp lý của công chức tư pháp – hộ tịch. Hiện nay, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn mang tính chung, chưa có văn bản quy định chi tiết nên trong thực tiễn khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn các công chức tư pháp – hộ tịch, còn lơ là trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình dẫn đến nhiều thiếu sót làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân. Tăng cường những quy định về xử phạt hành chính đối với công chức, viên chức trong việc tiến hành công tác quản lý, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận kết hôn.
Bài luận liên quan:
- Bị sa thải vì nghỉ việc về chăm mẹ ốm nặng đúng hay sai
- Bình luận điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về tranh chấp lao động
- Đánh giá quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014
- Những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng văn bản và đưa ra những giải pháp khắc phục
- Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVIPA) và đánh giả khả năng thực thi hiệp định tại Việt Nam
- VKFTA – Tổng quan chung và Cơ hội Thách thức Giải pháp đối với Việt Nam
- Pháp luật về đăng ký thuế và thực trạng ở Việt Nam
- Pháp luật WTO về bán phá giá và thuế chống bán phá giá
- Cách tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp
- Tổng quan về tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ
- Đánh giá thực trạng chính sách Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2000 đến nay