Bình luận điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về tranh chấp lao động.
Thứ nhất, về khái niệm tranh chấp lao động.
Ttheo quy định tại Điều 179 Bộ luật lao động 2019 thì “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.
Về thuật ngữ, tranh chấp lao động trước đây được hiểu là các “xích mích” giữa công nhân và chủ sử dụng lao động. Cách hiểu này được duy trì khá lâu ở Việt Nam và thừa nhận xích mích như là một vấn đề của quan hệ lao động. Ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà lại sử dụng cụm từ “phân tranh lao động” để chỉ nội dung này.
Tranh chấp lao động trước tiên phải là một tranh chấp, nghĩa là một xích mích, bất đồng, xung đột trong quan hệ lao động được biểu hiện ra bên ngoài. Tranh chấp lao động là loại tranh chấp về các vấn đề liên quan đến quá trình lao động, tức là quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên. Không chỉ có vậy, tranh chấp lao động còn bao gồm cả các xung đột liên quan đến học nghề, việc làm… tức là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của các bên gồm người lao động và người sử dụng lao động.
Như vậy, tranh chấp lao động có thể hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ lao động hoặc quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động và gắn liền với quá trình lao động của người lao động.
Có thể thấy khái niệm về tranh chấp lao động trong Bộ luật lao động 2019 có khác biệt lớn so với quy định trước đây. Theo đó, khái niệm về tranh chấp lao động trong Bộ luật lao động 2019 đã đưa ra giải thích tranh chấp lao động cụ thể hơn về các loại tranh chấp được xem là tranh chấp lao động. Việc quy định rõ ràng về các loại tranh chấp lao động góp phần giúp cho người lao động có thể dễ dàng xác định được quan hệ tranh chấp từ đó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, tranh chấp phát sinh từ một số quan hệ liên quan đến quan hệ lao động như quan hệ về đào tạo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp,… cũng được coi là tranh chấp lao động (Khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019). Ngoài ra, với việc ghi nhận tổ chức đại diện của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ luật lao động năm 2019 cũng tính đến trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động.
Tóm lại, định nghĩa về tranh chấp lao động trong Bộ luật lao động năm 2019 đã bao quát được các tranh chấp lao động từ phương diện chủ thể và nội dung.
Thứ hai, các hình thức và nguyên nhân về tranh chấp lao động.
Tranh chấp lao động có thể diễn ra với quy mô nhỏ hoặc lớn, cá nhân hay tập thể, trong phạm vi một nơi làm việc hoặc mở rộng ra nhiều doanh nghiệp.[1]
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tranh chấp, có thể là từ một khiếu nại đơn giản của cá nhân người lao động về việc trả lương, tới khiếu nại của một nhóm người lao động liên quan đến việc bố trí công việc không an toàn và có hại cho sức khỏe, đến việc tất cả người lao động ngừng việc trong phạm vi một nơi làm việc vì họ cho rằng mình bị ngăn cản không được thành lập công đoàn để thúc đẩy lợi ích của họ. Một số tranh chấp được giải quyết rất nhanh chóng, ví dụ như khi một người giám sát giải thích cho cá nhân người lao động về cách tính tiền lương trong phiếu lương của người lao động, và người lao động chấp nhận lời giải thích đó. Vấn đề được giải quyết ngay lập tức và tranh chấp kết thúc.
Tuy nhiên một số tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết. Ví dụ, khiếu nại của một nhóm người lao động liên quan đến việc bố trí công việc không an toàn và có hại cho sức khỏe có thể không được giải quyết ngay lập tức.
Nếu khiếu nại liên quan đến việc thiếu người trông coi máy móc hay mức độ bụi bẩn hoặc tiếng ồn quá mức trong một khu vực cụ thể của nhà máy, người sử dụng lao động không thể giải quyết tình huống này ngay lập tức.
Người sử dụng lao động và người lao động có thể có bất đồng về sự tồn tại của một mối nguy hiểm, mức độ rủi ro mà mối nguy hiểm đó gây ra và cách thức giảm thiểu rủi ro.
Người sử dụng lao động có thể cần sử dụng dịch vụ tư vấn của một chuyên gia về an toàn và sức khỏe, nhưng trong khi đó vấn đề vẫn còn tồn tại, xung đột vẫn chưa được giải quyết, và vẫn có khả năng người lao động ngừng việc hoặc thực hiện một số hành động công nghiệp khác.
Thứ ba, Bộ luật mới có sự thay đổi đáng kể trong việc nhận thức để giải quyết tranh chấp lao động.
So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 đã thu gọn từ 4 phương thức giải quyết tranh chấp xuống còn 3 phương thức (bỏ phương thức giải quyết tranh chấp lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành; nhưng trong giải quyết tranh chấp cá nhân BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm người có thẩm quyền giải quyết là “Hội đồng trọng tài lao động” (khoản 2 Điều 187) và trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thì thay người có thẩm quyền giải quyết là “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện” bằng “Hội đồng trọng tài lao động” (điểm b khoản 1 Điều 191) còn lại các chủ thể khác vẫn giữ nguyên; đồng thời quy định “Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.” (khoản 2 Điều 191 và khoản 2 Điều 195).[2]
– Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Cũng giống như BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 cũng quy định đối với tranh chấp lao động cá nhân là: “Mọi tranh chấp lao động đều phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết, trừ 05 loại tranh chấp:
+ Về xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
+ Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”
Nhưng khác với Điều 201 BLLĐ 2012, Điều 188 BLLĐ 2019 còn mở rộng thêm các trường hợp tranh chấp về bảo hiểm ở điểm d thì ngoài những tranh chấp về bảo hiểm y tế và xã hội như BLLĐ 2012 quy định còn bổ sung thêm các tranh chấp về bảo hiểm “về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;” và bổ sung thêm trường hợp tranh chấp không phải hòa giải “e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”
– Đối với tranh chấp lao động tập thể: Cũng giống như BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 cũng quy định đối với tranh chấp lao động tập thể đều phải được giaỉ quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, nhưng ở BLLĐ 2019 có điểm khác so với BLLĐ 2012 là trong tranh chấp lao động về quyền thì khi một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành (không thỏa thuận được, không chấp nhận phương án hà giải hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng) thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Như vậy, BLLĐ 2019 đề cao việc hòa giải và coi hòa giải là một trong những phương án tối ưu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, bởi hòa giải giúp các bên trong quan hệ lao động có thể tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng một cách nhanh chóng mà không mất quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại tranh chấp lao động là cá nhân, tập thể về quyền hay tập thể về lợi ích mà người có thẩm quyền giải quyết sẽ khác nhau và trường hợp nào cần thiết mới phải qua hòa giải.
Thứ tư, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.
BLLĐ 2019 cũng quy định có hai loại tranh chấp lao động gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tùy thuộc vào từng loại tranh chấp khác nhau mà quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định khác nhau. Liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, BLLĐ 2019 cũng có một số điểm mới so với quy định trước đây. Cụ thể:
Một là, đối với tranh chấp lao động cá nhân, BLLĐ 2019 đã bổ sung một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động.
Theo đó, khoản 1, Điều 188 BLLĐ 2019 quy định Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Có thể thấy, so với quy định trước đây thì ngoài tranh chấp về “bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”, BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm “bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”.
Ngoài ra, BLLĐ 2019 còn bổ sung thêm một tranh chấp lao động mới không qua thủ tục hòa giải là tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Hai là, đối với tranh chấp lao động tập thể, BLLĐ 2019 đã thay thế thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động như đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, tương tự như quy định của BLLĐ trước đây, BLLĐ 2019 quy định các tranh chấp lao động tập thể đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
Tuy nhiên, trong tranh chấp lao động về quyền thì khi một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.[3]
Bài luận liên quan:
- Bị sa thải vì nghỉ việc về chăm mẹ ốm nặng đúng hay sai
- Đánh giá quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014
- Những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng văn bản và đưa ra những giải pháp khắc phục
- Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVIPA) và đánh giả khả năng thực thi hiệp định tại Việt Nam
- VKFTA – Tổng quan chung và Cơ hội Thách thức Giải pháp đối với Việt Nam
- Kết hôn trái pháp luật và quan hệ pháp luật vợ chồng
- Pháp luật về đăng ký thuế và thực trạng ở Việt Nam
- Pháp luật WTO về bán phá giá và thuế chống bán phá giá
- Cách tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp
- Tổng quan về tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ