Đánh giá quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014

Đề tài: Đánh giá quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014.

Gia đình là tế bào của xã hội. Hôn nhân và gia đình là nền tảng của xã hội, nơi nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ tương lai của đất nước, nơi gìn giữ và phát triển các nét đặc sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc ta. Vì thế, hôn nhân và gia đình có vai trò đặc biệt to lớn đối với xã hội và đối với Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sát sao và có các chính sách kịp thời nhằm phát huy vai trò của Hôn nhân và gia đình. Nhận thấy được sự quan trọng về quyền yêu cầu ly hôn, việc nghiên cứu về đề tài này sẽ đánh giá ý nghĩa, tính thực thi của điều luật trên thực tế dựa trên quan điểm của cá nhân thông qua đề bài:

“Đề 10: Đánh giá quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014”

CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN YÊU CẦU LY HÔN

1. Khái niệm ly hôn

Trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về tự do hôn nhân, trong đó có tự do kết hôn và tự do li hôn, pháp luật của nhà nước ta bảo đảm cho vợ chồng quyền tự do li hôn. Li hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân thực chất đã tan vỡ. Khi quan hệ vợ chồng mâu thuẫn đến mức vợ chồng không thể tiếp tục sống chung thì họ có quyền yêu cầu li hôn.

Trong khoa học pháp lý nói chung và khoa học Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng, việc đưa ra khái niệm đầy đủ về ly hôn có ý nghĩa quan trọng, phản ánh quan điểm chung nhất của nhà nước ta về ly hôn, tạo cơ sở lý luận cho việc xác định bản chất pháp lý của ly hôn, xác định nội dung, phạm vi điều chỉnh của các quan hệ pháp luật HN&GĐ về ly hôn và các vấn đề phát sinh khác. Khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Nhìn chung, định nghĩa này phản ánh được ly hôn là việc ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân, để giúp các bên trong quan hệ hôn nhân được giải thoát khỏi tình trạng hôn nhân đổ vỡ.

Quan điểm của nhà nước ta là cho phép vợ chồng được tự do li hôn, nhưng quyền tự do đó được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và tuân theo các quy định của pháp luật, nhằm tránh hiện tượng vợ chồng lạm dụng gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, đồng thời, cũng tránh việc giải quyết lì hôn tuỳ tiện. Toà án chấp nhận yêu cầu li hôn của vợ, chồng hoặc công nhận thuận tình li hôn của vợ chồng phải dựa vào thực chất quan hệ vợ chồng và phải phù hợp với các căn cứ li hôn mà pháp luật quy định. Khi vợ chồng li hôn, các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng về nhân thân và tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng đối với con cái sẽ được giải quyết theo pháp luật. Kể từ ngày bản án cho li hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình li hôn của toà án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật.

2. Khái niệm quyền yêu cầu ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn được xuất phát từ quyền tự do ly hôn. Nam nữ có quyền tự do ly hôn, họ hoàn toàn được quyết định vấn đề này và các vấn đề về con chung cũng như tài sản. Quyền tự do ly hôn của vợ, chồng đã được Nhà nước ta ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng và các chủ thể có liên quan. Hiến pháp 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” và cụ thể hóa tại Điều 42 về Quyền ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

Trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, thuật ngữ “trái quyền”không được sử dụng mà thay vào đó là thuật ngữ “quyền yêu cầu”, theo đó, quyền yêu cầu là quyền của một người được phép yêu cầu người khác thực hiện một hành vi pháp lý nhất định. Mặt khác, Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014 quy định “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (Khoản 14, Điều 3). Trong khi đó, quyền yêu cầu ly hôn theo Luật HNGĐ năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

“Điều 51: Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Như vậy, Luật HNGĐ năm 2014 không đưa ra một khái niệm cụ thể thế nào là quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, từ quy định của điều luật trên ta có thể rút rakhái niệm về quyền yêu cầu ly hôn như sau: Quyền yêu cầu ly hôn là quyền của vợ, chồng (hoặc cả hai người), cha, mẹ, người thân thích khác của vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại Điều 51, Luật HNGĐ năm 2014 nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Định nghĩa ly hôn trong Luật HN&GĐ năm 2014 mang tính chất chặt chẽ hơn khi đề cập tới nội dung: “bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Thông qua đó để phản ánh tính quyền lực của nhà nước, cũng như phản ánh bản chất của ly hôn nói riêng là mang tính giai cấp.

3. Ý nghĩa của quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn là một trong những quyền lợi hợp pháp của vợ và chồng, nó tạo điều kiện cho nam, nữ có được cơ hội mới để tìm kiếm hạnh phúc đích thực khi cuộc hôn nhân trước có rạn nứt, rơi vào bế tắc. Quy định này không chỉ bảo đảm thực hiện nguyên tắc “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng” mà còn góp phần kiến tạo một xã hội tiến bộ, văn minh, nơi con người được sống trong hạnh phúc, yêu thương. Tuy nhiên, quyền yêu cầu ly hôn bị hạn chế trong một số trường hợp. Việcnày xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong Luật HNGĐ. Cần hiểu rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội của gia đình, vì vậy phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thỏa đáng, hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em , bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.

CHƯƠNG 2. NỘI DUNG VỀ QUYỀN YÊU CẦU LY HÔN THEO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014

1. Chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn

1.1. Quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng

Về nguyên tắc, chỉ có vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn, không ai có quyền “đại diện hợp pháp” vợ, chồng để yêu cầu ly hôn. Kết hôn và ly hôn là quyền nhân thân và là quyền dân sự cơ bản của con người. Pháp luật công nhận cho nam, nữ quyền quyết định việc kết hôn để xác lập quan hệ vợ chồng thì cũng quy định cho vợ, chồng quyền yêu cầu ly hôn để chấm dứt quan hệ hôn nhân. Khi mâu thuẫn vợ chồng đã đi đến đỉnh điểm, mọi sự cố gắng, níu kéo cũng như nỗ lực hòa giải đều đi đến bế tắc thì ý định ly hôn là giải pháp cuối cùng.

Nhìn chung, giải quyết li hôn phải dựa vào thực chất của quan hệ vợ chồng mà chính vợ, chồng là người xác định một cách chính xác nhất thực chất mối quan hệ giữa họ. C. Mác đã khẳng định: “Li hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: Cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã chết, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối. Đương nhiên, không phải sự tuỳ tiện của nhà lập pháp, cũng không phải sự tuỳ tiện của những cá nhân, mà chỉ bản chất của sự kiện mới quyết định được là cuộc hôn nhân đã chết hoặc chưa chết, bởi vì, như mọi người đều biết, việc xác nhận sự kiện chết tuỳ thuộc vào thực chất của vấn đề, chứ không phải vào nguyện vọng của những bên hữu quan”

Thứ nhất, thuận tình ly hôn. Thuận tình ly hôn là trường hợp cả hai vợ chồngcùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân được thể hiện bằng đơn thuận tình ly hôn của vợ chồng. Thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật HNGĐ năm 2014, theo đó trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, không bên nào bị cưỡng ép, lừa dối, không ly hôn giả và đã thỏa thuận về các vấn đề liên quan thì được Tòa án giải quyết cho ly hôn. Đây là trường hợp thể hiện rõ sự tự nguyện, bình đẳng trong ý chí của cả hai vợ chồng khi thực hiện quyền yêu cầu ly hôn. Điều này không chỉ góp phần giải quyết nhanh chóng việc ly hôn cũng như hệ quả của ly hôn, hạn chế tranh chấp phát sinh trong quá trình ly hôn mà còn đảm bảo tính xã hội nhân văn trong pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam như: bình đẳng nam nữ, vợ chồng; xây dựng cuộc sống hôn nhân tự nguyện, hạnh phúc…

Thứ hai, ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng (hay còn gọi là đơn phương ly hôn). Ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một tronghai vợ chồng yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng được quy định tại Khoản 1,2, Điều 56 Luật HNGĐ năm 2014.Theo quy định này, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu ly hôn nếu có căn cứ về  việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền vànghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được hoặc yêu cầu ly hôn khi một bên vợ, chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích. Như vậy, vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn như nhau khi có căn cứ cho thấy bên đối phương đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của mình khiến cho đời sống hôn nhân rơi vào bế tắc, không thể cứu vãn. Quy định này góp phần bảo vệ quyền của vợ, chồng đã yêu cầu ly hôn – chủ thể đã chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi khi hôn nhân còn tồn tại, đồng thời góp phần đặt ra một áp lực vô hình lên người vợ, chồng đã gây ra tình trạng trầm trọng của hôn nhân để họ có biểu hiện thay đổi tích cực nếu không muốn bên kia yêu cầu và chấm dứt hôn nhân.

Pháp luật không buộc những người yêu nhau phải kết hôn với nhau thì cũng không buộc những người không còn yêu nhau phải tồn tại quan hệ vợ chồng. Do vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cũng như các luật trước đó đều quy định vợ, chồng có quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, nếu quan hệ vợ chồng đã không phản ánh đúng bản chất của nó nhưng vợ chồng vẫn không muốn li hôn thì không ai có quyền buộc họ phải li hôn. Hôn nhân tự nguyện không chỉ thể hiện trong việc kết hôn mà còn thể hiện cả trong việc tồn tại hôn nhân. Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ, chồng nhận thấy cuộc sống chung của họ đã mất ý nghĩa, không những không đem lại hạnh phúc cho mỗi bên mà còn mang lại sự khổ đau nhưng vì con, vì gia đình… mà họ không li hôn. Trong trường hợp này, không ai buộc họ phải li hôn. Vì vậy, quyền yêu cầu li hôn thuộc về vợ, chồng là phù hợp cả về lí luận và thực tế.

1.2. Quyền yêu cầu ly hôn của chủ thể khác

Ở trường hợp này, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ  về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì kể từ nay, căn cứ để cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Đây là quy định có tính ngoại lệ về quyền yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì cha, mẹ, người thân thích đều có quyền yêu cầu li hôn. Chỉ những trường hợp người vợ hoặc chồng đó đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng mới có quyền yêu cầu li hôn. Như vậy, có thể nhận thấy rằng cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng có quyền yêu cầu toà án giải quyết li hôn khi có đủ ba yếu tố: Một là một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; hai là bên vợ hoặc chồng đó là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra; ba là tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng không có quyền yêu cầu li hôn.

Có thể thấy, quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp mong muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

2. Hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng

Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ người mẹ và trẻ em, từ tính nhân đạo của pháp luật, luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta quy định hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng trong một số trường hợp. Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cho đến nay, đã có 4 luật về hôn nhân và gia đình được ban hành đó là Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Các luật đều quy định quyền yêu cầu li hôn chỉ thuộc về vợ, chồng. Tuy nhiên, quy định về trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn có sự khác nhau.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chồng không có quyền yêu cầu li hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Có thể nhận thấy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã kế thừa quy định của cả ba luật trước đó về vấn đề hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng. Theo đó, việc xác định quyền yêu cầu li hôn của người chồng dựa vào trạng thái có thai, nuôi con và sự kiện sinh con của người vợ. Nếu pháp luật hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng chỉ trong thời gian đó thì không có ý nghĩa trong việc bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Sự kiện sinh con của người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ. Vì vậy, hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng phải được kéo dài trong khoảng thời gian sau khi vợ sinh con. Hơn nữa, quy định này nhằm hạn chế quyền li hôn của người chồng cả trong trường hợp người vợ sinh con mà không được nuôi con (do con chết, do mang thai hộ…). Xét về mặt câu chữ của điều luật thì giữa cụm từ “sinh con” và “nuôi con” có từ “hoặc”, do đó cụm từ “dưới 12 tháng tuổi” bổ nghĩa cho cả cụm từ “sinh con” và “nuôi con”. Như vậy, sự kiện sinh con của người vợ được coi là một trường hợp hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng nhưng không chỉ vào thời điểm người vợ sinh con mà kéo dài cho đến khi được 12 tháng. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người chồng bị hạn chế quyền ly hôn của mình trong trường hợp người vợ đang có thai con, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này được đặt ra nhằm mục đích chính là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. 

3. Chủ thể có trách nhiệm giải quyết yêu cầu ly hôn

Theo Luật HNGĐ năm 2014, Tòa án là cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu ly hôn (Điều 51). Về nguyên tắc, khi có đơn yêu cầu ly hôn của người có quyền, xét thấy hợp lý, Tòa án thụ lý vụ án ly hôn và giải quyết theo thủ tục luật định, trong mọi trường hợp Tòa án phải tiến hành điều tra và hòa giải.

Thứ nhất, giải quyết khi vợ chồng thuận tình ly hôn. Trong trường hợp vợchồng cùng thuận tình ly hôn, không bên nào bị cưỡng ép, lừa dối, không ly hôn giả và đã thỏa thuận về con chung, tài sản chung và sự thỏa thuận đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, đồng thời công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về các vấn đề trên. Trường hợp thuận tình ly hôn nhưng không có thỏa thuận về con chung, tài sản chung hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con thì Tòa án mở phiên tòa theo pháp luật Tố tụng dân sự và chỉ giải quyết về vấn đề mà vợ chồng không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đảm bảo. Trong trường hợp thuận tình ly hôn, Tòa án còn có trách nhiệm hòa giải, điều tra, xác minh sự tự nguyện thực tế, tình trạng hôn nhân thực tế của vợ chồng trước khi công nhận thuận tình ly hôn

Thứ hai, giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng, cha, mẹ, người thân thích khác. Trong trường hợp này, Tòa án phải có trách nhiệm thực hiện hòa giải giữa vợ, chồng. Nếu hòa giải không thành thì mở phiên tòa xét xử và chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn khi xét thấy vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn của một bên thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc muốn xin ly hôn giùm người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật cũ chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

CHƯƠNG 3. THỰC TẾ THỰC HIỆN QUYỀN YÊU CẦU LY HÔN VÀ BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN YÊU CẦU LY HÔN

1. Thực tế thực hiện quyền yêu cầu ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng trên địa bàn cả nước ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại là ly hôn ở giới trẻ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án hôn nhân gia đình hàng năm. Cho dù ly hôn là sự “giải thoát” cho những người trong cuộc khỏi sự tù túng trong đời sống hôn nhân nhưng hệ quả để lại vẫn luôn là gánh nặng, rào cản đối với cá nhân và xã hội.

Đơn cử, số liệu thống kê tại TAND thành phố Thanh Hóa cho thấy, trong năm 2019, tòa án đã giải quyết 811 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình. Trong số đó, số cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 18-30 là 498 vụ, việc (tỷ lệ 61,4%), ở độ tuổi trên 30 là 313 vụ, việc (38,6%). Nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn là do mâu thuẫn, tính tình không hợp, chiếm tỷ lệ 48,7%; do cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy (37,6%); ngoại tình (7%); không có con (0,7%)… Trong 6 tháng đầu năm 2020, TAND thành phố Thanh Hóa đã giải quyết 305 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình, trong đó số cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 18 – 30 là 171 trường hợp, ở độ tuổi trên 30 tuổi là 134 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn chủ yếu là do cờ bạc, rượu chè, nghiện chất ma túy (39,4%); do ngoại tình (8,2%); do không có con (9,8%); do mâu thuẫn khác (42,6%). Đặc biệt, trong các vụ án đã thụ lý, giải quyết, 80% các vụ, việc do phụ nữ làm đơn khởi kiện ly hôn.[1]

Có thể nói, mỗi vụ án có những tình tiết khác nhau, độ tuổi xin ly hôn cũng rất đa dạng, các cặp vợ chồng trẻ cưới nhau sau một vài năm đã xin ly hôn, các cặp trung tuổi, có cả những cặp vợ chồng tuổi cao cũng đưa nhau ra tòa. Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân như bạo lực gia đình, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, không có con chung thì rất nhiều cặp khi đến tòa án yêu cầu ly hôn chỉ trình bày lý do như tính tình không hợp, bất đồng quan điểm sống, không cùng chí hướng, nhưng đó chỉ là cách nói chung chung, nhất là đối với trường hợp là các cặp vợ chồng trẻ.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ như mâu thuẫn trong đời sống thường ngày, không sắp xếp được cuộc sống, ham vui bạn bè, thiếu chăm lo gia đình, con cái; mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong gia đình… Đặc biệt, với nhiều bạn trẻ, yêu nhanh, cưới nhanh và nhiều khi hôn nhân không toàn là “màu hồng” thì dễ dàng buông bỏ bởi khi cuộc hôn nhân trở nên căng thẳng, kinh tế không bảo đảm, mối quan hệ vợ chồng không hòa hợp, họ sẵn sàng gửi đơn ra tòa để “giải thoát” cho nhau. Thế nhưng, hậu quả để lại thì đáng lo ngại bởi nhiều người chưa suy nghĩ thấu đáo về những thiệt thòi, hệ lụy về sau này, nhất là đối với con cái.

Khi so sánh với Luật HNGĐ năm 2000, có thể thấy quyền yêu cầu ly hôn trong Luật HNGĐ năm 2014 đã được mở rộng hơn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì trong quy định tại khoản 2, Điều 51 Luật HNGĐ 2014 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.” Như vậy thì cha, mẹ, người thân thích khác của một trong hai bên vợ chồng sẽ chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một trong hai bên vợ chồng vừa là người bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình và vừa phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập của Luật HNGĐ năm 2000 đối với trường hợp vợ (chồng) mắc bệnh tâm thần bị người kia hành hạ, tra tấn nhưng họ lại không đủ tư cách để yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.

2. Một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền yêu cầu ly hôn

Thứ nhất, về quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014. Việc quy định riêng cho nam giới (người chồng) trong trường hợp này là phù hợp với Khoản 4 Điều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006 về nguyên tắc “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới” cũng như nguyên tắc tại Điều 7 của Luật này về “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con vầ nuôi con nhỏ, tạo điều kiện để nam nữ chia sẻ công việc gia đình” và do đó, quy định này không bị coi là phân biệt đối xử về giới, cụ thể là đối với giới nam (người chồng). Còn trong trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng nêu trên, được hiểu trên căn cứ nguyên tắc suy đoán cha mẹ cho con trong giá thú được quy định tại Điều 88, mà không phân biệt con có thực sự cùng huyết thống với người chồng hay không.[2]

Thứ hai, cần cụ thể hóa quy định về hành vi bạo lực gia đình làm căn cứ cho ly hôn

Hiện nay, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2014 chưa cụ thể hóa về hành vi bạo lực gia đình làm căn cứ cho ly hôn. Cần nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình trong văn bản hướng dẫn chi tiết, theo hướng sau: “Trong trường hợp chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực gia đình thì vợ hoặc chồng được Tòa án giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ sau

Đối với hành vi bạo lực vật chất: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính. luật sư bào chữa giỏi

Đối với bạo lực tinh thần: Vợ, chồng bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín. Hành vi bạo lực của vợ, chồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, đã được chính quyền địa phương nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có văn bản của cơ quan điều tra có dấu hiệu tội phạm (tội ngược đãi vợ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội bức tử) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”

Thứ ba, một số quy định của Luật còn cứng nhắc, chưa tạo được cơ chế pháp lý linh hoạt, phù hợp với bản chất của các quan hệ HN&GĐ: Hạn chế quyền yêu cầu ly hôn là trường hợp người chồng không được quyền yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Thực tế cho thấy khi người chồng rơi vào trạng thái bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn thì bản thân họ đang gặp bế tắc trong đời sống hôn nhân của mình, nhất là trong trường hợp dù biết rõ vợ mình đang mang thai với người khác thì việc hạn chế quyền của họ cũng chỉ là “trói buộc” họ trên danh nghĩa, họ rất dễ bỏ bê người vợ, cô lập người vợ mặc dù trên phương diện pháp lý họ vẫn đang là vợ chồng, đang trong mối quan hệ hôn nhân. Việc bỏ bê, cô lập có thể diễn ra như sống ly thân, thuê nhà ra ở riêng hoặc vẫn chung sống dưới một mái nhà theo kiểu sống chung nhưng ăn ngủ riêng, không quan tâm chăm sóc người vợ và đứa trẻ hoặc thai nhi, không chu cấp tiền sinh hoạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bạo lực gia đình,… Việc người vợ mang thai con của người khác nhưng bị chồng hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không phải là điều mới mẻ tuy nhiên những hậu quả phát sinh từ việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng chưa được pháp luật điều chỉnh toàn diện. Vì vậy trong trường hợp này nên nghiên cứu sửa đổi quy định, cho phép người chồng được ly hôn bởi nếu không, có khi lại gây ra tác dụng ngược.

Ly hôn là một mặc của quan hệ hôn nhân, là việc cần thiết cho cả vợ, chồng khi quan hệ hôn nhân không thể hàn gắn. Nó giải quyết được xung đột, mâu thuẫn, bế tắc trong cuộc sống. Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân được Tòa án công nhận hoặc ra quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng. Pháp luật Việt Nam nên kiểm soát ly hôn bằng việc đưa ra một số quy định cụ thể hơn nữa về quyền yêu cầu ly hôn sao cho phù hợp với thực tiễn lại vừa đảm bảo thấu tình đạt lý.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2013.

2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

4. Nguyễn Thị Bích Ngọc, “Thực tiễn áp dụng quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La”, luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, 2018. 5. Lê Thị Huyền Trang , “Quyền yêu cầu ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2017, tr.64.


[2] Lê Thị Huyền Trang , “Quyền yêu cầu ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2017, tr.64.

Bài luận liên quan:

1900.0191