Phân tích những điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
I. NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Quyền tác giả cùng với quyền sở hữu công nghiệp tạo thành hai bộ phận chính của chế định quyền sở hữu trí tuệ – là một chế định pháp luật quan trọng quy định về các vấn đề thiết lập và bảo hộ quyền của những người sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ, các sản phẩm vô hình, phi vật thể của con người. Ngoài việc có một số đặc điểm giống nhau như quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp cùng bảo vệ thành quả sáng tạo; một số đối tượng không được bảo hộ nếu có nội dung vi phạm pháp luật, đạo đức thì hai quyền này cũng có một vài điểm khác biệt khác. Cụ thể:
1. Về khái niệm
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.” Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa : “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất đồng thời cũng là cơ sở để tìm ra các đặc điểm khác nhau của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
2. Về đối tượng
Điều 14 Luật SHTT quy định cụ thể các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác phẩm là thành quả lao động, sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới hình thức nhất định.
Đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được quy định ở khoản 2 Điều 3 Luật SHTT “Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.”
3. Về mục đích
Một trong những tiêu chí để phân chia kết quả hoạt động sáng tạo trí tuệ thành quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp chính là căn cứ vào tính hữu ích hay khả năng ứng dụng của chúng. Nếu các đối tượng của quyền tác giả chủ yếu mang tính giải trí thì các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp lại mang tính kĩ thuật, ứng dụng cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại.
4. Về điều kiện bảo hộ
Mọi cá nhân đều có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và khi cá nhân tạo ra các sản phẩm trí tuệ, không phụ thuộc vào giá trị nội dung hay nghệ thuật đều có quyền tác giả đối với tác phẩm. Tuy nhiên, đối với quyền sở hữu công nghiệp thì điều kiện này khắt khe hơn như đòi hỏi phải có tính mới, tính sáng tạo và phải phân biệt được với các sản phẩm khác bởi đặc trưng của quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ độc quyền cả nội dung và hình thức của đối tượng bảo hộ.
5. Về cơ chế bảo hộ
Cơ chế bảo hộ quyền tác giả được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật SHTT: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Do đó, quyền tác giả có đặc điểm chỉ bảo hộ về mặt hình thức chứ không bảo hộ về mặt nội dung. Có nghĩa là cùng một ý tưởng nhưng được thể hiện dưới những hình thức khác nhau thì đều được bảo hộ. Sự sáng tạo của tác giả không chỉ đem lại cho tác giả quyền tác giả đối với tác phẩm mà còn nhằm chống lại sự sao chép nó hoặc lấy và sử dụng hình thức trong tác phẩm gốc đã được thể hiện.
Trong khi đó, quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ theo Khoản 3 Điều 6:
“3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.”
Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ độc quyền cả nội dung và hình thức của đối tượng. Đối tượng sở hữu công nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Một số đối tượng phải được đánh giá và công nhận, một số đối tượng khác được xác định và bảo hộ thông qua các vụ tranh chấp.
6. Về căn cứ xác lập quyền
Quyền tác giả được xác lập dựa trên cơ chế bảo hộ tự động. Từ thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả được bảo hộ về mặt pháp lí và có các quyền của người sáng tạo mà không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục đăng kí nào. Việc đăng kí quyền tác giả không phải là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả, mà chỉ có giá trị là chứng cứ chứng minh của đương sự khi có tranh chấp về quyền tác giả.
Nhưng đối với quyền sở hữu công nghiệp được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xem xét và cấp bằng bảo hộ cho chủ sở hữu các đối tượng đó (trừ các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập một cách tự động như bí mật kinh doanh và tên thương mại do bản chất, đặc trưng của chúng). Khác với quyền tác giả, việc đăng kí chỉ mang tính chất khuyến khích, còn việc đăng kí quyền sở hữu công nghiệp là thủ tục bắt buộc.
7. Về thời hạn bảo hộ
Đối với quyền tác giả: thường có thời hạn bảo hộ dài hơn, được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật SHTT 2005. Quyền nhân thân không thể chuyển giao được bảo hộ vô thời hạn. Quyền tác giả và quyền nhân thân có thể chuyển giao được bảo hộ trong thời hạn nhất định và không được gia hạn. Thời hạn bảo hộ chỉ phát sinh khi tác phẩm đã được định hình dưới dạng vật chất nhất định.
Đối với quyền sở hữu công nghiệp: thường có thời hạn bảo hộ ngắn hơn so với quyền tác giả, được quy định cụ thể tại Điều 92 Luật SHTT 2005. Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ theo thời hạn của văn bằng bảo hộ. Do đặc trưng của từng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nên thời hạn bảo hộ phát sinh tại từng thời điểm khác nhau tùy thuộc vào đối tượng được bảo hộ. Có thể chia làm 3 nhóm gồm: đối tượng có thời hạn bảo hộ xác định và không được gia hạn như sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp; đối tượng có thời hạn bảo hộ xác định và được gia hạn như nhãn hiệu và đối tượng được bảo hộ đến khi nào còn đáp ứng được điều kiện bảo hộ như tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh.
8. Ví dụ minh họa
Ông A là tác giả hai ca khúc khởi kiện ông B đã sử dụng hai ca khúc này nhưng không xin phép và trả tiền bản quyền. Ngoài ra, ông B tự ý sửa chữa tựa đề bài hát X và Y cùng từ ngữ trong ca khúc. Ông A yêu cầu bồi thường, không được sử dụng, biểu diễn, phân phối hai ca khúc trên, tiêu hủy hai ca khúc đó và xin lỗi cải chính công khai trên báo. Ngoài ra ông A còn đưa ra căn cứ ông đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Ông B cũng thừa nhận rằng đã sử dụng hai ca khúc trên của ông A mà không xin phép và trả tiền bản quyền tác giả. Việc xuất bản đĩa nhạc của ông B đã xâm phạm quyền tác giả.
Việc công nhận ông A là tác giả của hai ca khúc có cơ sở. Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ: “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học…”; Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ thì hai ca khúc là tác phẩm nghệ thuật thuộc loại hình tác phẩm âm nhạc được liệt kê bảo hộ. Mặc khác, ông A là người trực tiếp sáng tác ra hai ca khúc trên (Khoản 1 Điều 13), do đó ông A chính là tác giả, có đầy đủ các quyền của tác giả theo quy định của pháp luật. Quyền tác giả đã phát sinh kể từ khi hai ca khúc này được sáng tác và định hình trên dưới một hình thức vật chất nhất định nên thời hạn bảo hộ được tính ngay tại thời điểm đó.
Hành vi của ông B là xâm phạm đến quyền tác giả, quy định tại Khoản 8 Điều 28: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này”. Dựa vào lời khai của các bên, cho thấy ông B đã thực hiện hành vi đổi tên ca khúc, sữa chữa từ ngữ trong ca khúc, sử dụng ca khúc đó mà chưa được sự cho phép của tác giả, chưa trả tiền bản quyền. Hành vi này đầy đủ cơ sở kết luận là hành vi xâm phạm quyền tác giả như đã nói ở trên. Do đó, ông A có thể căn cứ vào những quy định của pháp luật thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG NƯỚC MẮM PHÚ QUỐC BỊ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
1. Theo anh, chị hành vi của doanh nghiệp X có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ, nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện việc quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Trong trường hợp này, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Như vậy, có thể thấy, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc là chủ thể đã được Nhà nước trao quyền quản lí chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau:
“a) Tổ chức, cá nhân được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý đó có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”
Với quy định này thì Hiệp hội nước mắm Phú Quốc có quyền cho phép người khác sử dụng hoặc ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc của địa phương mình.
Ngày 10/09/2014, Hiệp hội Nước nắm Phú Quốc phát hiện doanh nghiệp X tại Đà Nẵng thu mua nước nắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phú Quốc và các địa phương khác đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước nắm đậm đà hương vị Phú Quốc” để bán ra thị trường. Hành vi của doanh nghiệp X đã xâm phạm quyền SHTT mà cụ thể là quyền đối với chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc.
Để xác định một hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý nói riêng và quyền đối với sở hữu trí tuệ nói chung, căn cứ vào Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải đáp ứng 4 điều kiện sau:
Thứ nhất, xét đối tượng thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, đối tượng cần xem xét đó là chỉ dẫn địa lý đối với Nước mắm Phú Quốc. Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2001 đến năm 2014 thì phát hiện hành vi sản xuất nước mắm mang nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” của doanh nghiệp X. Theo quy định tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ về hiệu lực của văn bằng bảo hộ thì văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại khoản 7 Điều này có quy định: “Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.” Theo quy định này thì Chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc được cấp cho Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc vẫn đang được bảo hộ tại thời điểm có hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X.
Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.Yếu tố xâm phạm là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Cụ thể, yếu tố xâm phạm là sản phẩm, quy trình hoặc một phần, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc quy trình được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì “yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn được bảo hộ”. Trong trường hợp này cần xác định hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X. Theo quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn được bảo hộ bao gồm:
“a) Sử dụng chỉ dẫn được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.”
“c) Sử dụng bất kì dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ ku vực địa lý đó.”
Trong trường hợp này, doanh nghiệp X đã mua nước mắm từ khu vực địa lý của chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc và các địa phương khác, đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” đây là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Việc doanh nghiệp X này dán nhãn như trên đối với sản phẩm của mình tức là đã sử dụng dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Nhãn hiệu “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” của doanh nghiệp X có thể làm cho người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm nước mắm xuất xứ từ Phú Quốc. Ngoài ra theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ thì hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dáu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Ở đây, có thể thấy, nước mắm của doanh nghiệp X là hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc.
Một là, doanh nghiệp X không thuộc khu vực có chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc và việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc của doanh nghiệp X không được sự cho phép của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc – chủ thể quản lý chỉ dẫn địa lý. Hai là, ở đây hai sản phẩm đều là nước mắm có chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ giống nhau. Ba là, tên nhãn hiệu cho sản phẩm của công ty X trùng với địa danh chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nước mắm mà Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã được cấp Giấy phép đăng kí.
Hành vi của doanh nghiệp X là hành vi cố ý làm cho người tiêu dùng tưởng rằng nước mắm mà doanh nghiệp X sản xuất có nguồn gốc từ Phú Quốc. Như vậy có thể thấy trong trường hợp này đã có yếu tố xâm phạm đến chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.
Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét trong tường hợp này là doanh nghiệp X. Doanh nghiệp này không nằm trong khu vực địa lý của chỉ dẫn Nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ, không được sự cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nhãn hiệu “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” chưa đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc. Mặt khác, doanh nghiệp X đã pha chế nước mắm mua về từ các cơ sử ở Phú Quốc với các loại nước mắm khác, việc làm này đã làm thay đổi chất lượng, giá trị của sản phẩm Nước mắm Phú Quốc nên hành vi của doanh nghiệp X cũng không thuộc trường hợp được cho phép theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp X không phải là chủ thể được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, hành vi xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi của doanh nghiệp X là hành vi cần xem xét. Hành vi pha chế, dán nhãn và đem bán ra thị trường sản phẩm nước mắm có nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” được doanh nghiệp X tiến hành tại trụ sở của mình tại Đà Nẵng. Địa phương này nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, hành vi cần xem xét ở đây xảy ra tại Việt Nam.
Từ việc phân tích ở trên có thể thấy, hành vi của doanh nghiệp X đã đáp ứng đầy đủ các cơ sở để xác định một hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Như vây, doanh nghiệp X đã có hành vi xâm phậm quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể trong trường hợp này là hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc.
2. Trên cơ sở đó tư vấn các biện pháp phù hợp để Hiệp hội nước mắm Phú Quốc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo rằng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống hoặc có được uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền. Chính vì lý do này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng, và do vậy thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm mang chỉ nhãn hiệu thông thường.
Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là Hiệp hội nước mắm Phú Quốc khi phát hiện chỉ dẫn địa lý bị vi phạm có thể tiến hành các biện pháp sau để bảo vệ quyền của mình. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về quyền đối với chỉ dẫn địa lý, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, xâm phạm mà bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Thứ nhất, chủ sở hữu có thể áp dụng biện pháp tự bảo vệ như tiến hành gửi thư cảnh báo vi phạm, thương lượng để yêu cầu doanh nghiệp X chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, chủ sở hữu quyền còn có thể cân nhắc áp dụng biện pháp dân sự, khởi kiện doanh nghiệp X ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được căn cứ theo Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và Khoản 2 Mục 1 Phần 8 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/04/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Tòa án.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, hiện tại, cơ quan nhà nước áp dụng quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm áp dụng đối với tổ chức vi phạm là 500 triệu đồng và đối với cá nhân là 250 triệu đồng, áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng chế tài hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật hình sự khi hành vi vi phạm có quy mô thương mại, cụ thể như sau:
“Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Đặc biệt là, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam buộc phải cam kết thực hiện Hiệp định TRIPS[1] như là điều kiện bắt buộc, và kéo theo đó là toàn bộ hệ thống thực thi của Việt Nam (cả tư pháp và hành chính) đều phải căng hết sức để thực hiện các cam kết về thực thi. Trong khi đó, phần do sự thiếu kinh nghiệm của hệ thống tư pháp, phần do thói quen ngại “kiện tụng” của người dân, gánh nặng thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang đổ dồn về hệ thống các cơ quan hành chính, gây áp lực cho hoạt động của các cơ quan này và gánh nặng cho ngân sách nhà nước.[2]
Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 35 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý nước ngoài và 32 chỉ dẫn địa lý nội địa.[3] Việt Nam có duy nhất 1 chỉ dẫn địa lý là “Nước mắm Phú Quốc” được bảo hộ tại EU năm 2013. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tương đối đầy đủ, tuy nhiên Việt Nam lại không có quy định về cơ chế kiểm tra chất lượng các sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa thường không được xác định chất lượng ổn định, kém sức cạnh tranh.
Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm của EU về hệ thống này là rất đáng nghiên cứu và học tập. Chỉ có như vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa của Việt Nam mới có thể vượt qua “rào cản kỹ thuật” vào các nước phát triển như EU và vươn tầm quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016
3. Dương Thu Hương, Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp – Thực trạng và xu hướng hoàn thiện pháp luật, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2002.
[1] Hiệp định TRIPS (Agreement on Trade-Related Aspect of Intellectual Property Rights) là các Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, là một thỏa thuận pháp lí quốc tế giữa tất cả các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một số bài luận liên quan:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về chủ thể thương lượng tập thể
- Cấu trúc của thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN – Phân tích yếu tố Tự do di chuyển đầu tư
- Uỷ thác thi hành án dân sự – Phân tích, đánh giá, đề xuất kiến nghị hoàn thiện
- Trách nhiệm giải quyết việc làm đối với người khuyết tật
- Phân tích các khía cạnh pháp lí của quản lí nhà nước về giao thông đường bộ
- Phân tích quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
- Phân tích các yếu tố xã hội tác động đến hoạt động xây dựng pháp luật
- Sự thay đổi các quy định về chi phí được trừ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 cho đến nay
- Phân tích các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
- Dịch vụ logistics bao gồm chuỗi các dịch vụ – Khái quát Bình luận Thực trạng