Đề tài: Phân tích quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Sưu tầm một bản án của Tòa án giải quyết về vấn đề này và nêu quan điểm cá nhân về nội dung được giải quyết.
Từ bao đời nay để duy trì sự phát triển của xã hội và nhằm thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, con người đã sử dụng phương thức giao dịch dân sự. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì giao dịch dân sự càng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế. Dù được diễn ra thường xuyên và đa dạng nhưng giao dịch dân sự luôn được thể hiện dưới những hình thức nhất định, mà những hình thức đó được pháp luật quy định, do đó các bên chủ thể phải có quyền và nghĩa vụ trong quan hệ giao dịch đó. Hình thức tuy chỉ là phương tiện biểu hiện nội dung của giao dịch nhưng đã trở thành điều kiện có hiệu lực của giao dịch và nếu giao dịch không thỏa mãn yêu cầu về hình thức, giao dịch có khả năng bị vô hiệu. Để làm rõ hơn về vấn đề này, em xin chọn đề bài số 4 cho bài tập học kì môn Luật Dân sự:
“Phân tích quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Sưu tầm một bản án của Tòa án giải quyết về vấn đề này và nêu quan điểm cá nhân về nội dung được giải quyết”.
I/ Khái quát chung về giao dịch dân sự vô hiệu
1. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý có ý thức, thể hiện ý chí của cá nhân, pháp nhân thương mại và các chủ thể khác nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Có thể nói giao dịch dân sự là công cụ pháp lý cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần của con người. Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
“1. Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
2. Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
3. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;
4. Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật”
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện nêu trên thì vô hiệu.[1]
Giao dịch dân sự vô hiệu không phát sinh hiệu lực đối với các bên, không phụ thuộc vào việc các bên đã, đang hay đã thực hiện giao dịch. Bởi khi một giao dịch bị xem là vô hiệu thì mọi cam kết, thỏa thuận của các bên đều không được pháp luật ghi nhận, quyền và nghĩa vụ của các bên không bị phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo nội dung giao dịch, dù là tại thời điểm tuyên bố giao dịch vô hiệu, các bên chưa hoặc đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong nghĩa vụ theo thỏa thuận. Việc giao kết của các bên không có kết quả như mong muốn nếu bị xem là vô hiệu. Như vậy, giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch do pháp luật quy định, không làm phát sinh hậu quả pháp lý mà các bên mong muốn.[2]
Theo quy định tại Điều 129 BLDS, giao dịch dân sự vi phạm điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ những trường hợp được quy định tại khoản 1 và 2 điều này. Những quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập trật tự kỉ cương xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và Nhà nước; bảo đảm an toàn pháp lí cho các chủ thể trong giao lưu dân sự.
2. Phân loại giao dịch dân sự vô hiệu
Theo cách phân loại truyền thống thì các trường hợp giao dịch bị vô hiệu có thể được phân thành hai nhóm chính: Vô hiệu tuyệt đối (hay còn gọi là vô hiệu đương nhiên) và vô hiệu tương đối (hay còn gọi là vô hiệu bị tuyên). Việc phân loại này không được ghi nhận trong các văn bản pháp luật nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá bản chất của giao dịch dân sự vô hiệu và trình tự thủ tục tuyên bố một giao dịch dân sự vô hiệu.
Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối và giao dịch dân sự tương đối khác nhau một số điểm cơ bản. Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối là giao dịch dân sự không có hiệu lực ngay từ khi giao kết, không có giá trị về mặt pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên phải chấm dứt thực hiện và quay lại tình trạng ban đầu và hoàn lại trả lại cho nhau những gì đã nhận trước đó. Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối là giao dịch đương nhiên vô hiệu, quyết định của Tòa án công nhận giao dịch dân sự này vô hiệu chỉ là hình thức công nhận sự vô hiệu của giao dịch dựa trên các quy định của pháp luật.
Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối là loại giao dịch dân sự có khả năng khắc phục. Giao dịch này thường không xâm phạm đến trật tự công cộng và đạo đức xã hội và được coi là có hiệu lực pháp lý đến khi nào tuyên bố bị vô hiệu. Nếu một bên hoặc các bên không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Đối với giao dịch này, quyết định của Tòa án là cơ sở duy nhất làm cho giao dịch trở nên vô hiệu.
3. Các trường hợp giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu
3.1. Giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123 BLDS năm 2015)
3.2. Giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 BLDS năm 2015)
3.3. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS năm 2015)
3.4. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khan trong nhận thức và làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sư xác lập, thực hiện (Điều 125 BLDS năm 2015)
3.5. Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn (Điều 126 BLDS năm 2015)
3.6. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 BLDS năm 2015)
3.7. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128 BLDS năm 2015)
II/ Nội dung về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
1. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiêu do không tuân thủ quy định về hình thức
Theo nguyên tắc chung thì các chủ thể được tự do lựa chọn hình thức của giao dịch. Khi các bên thống nhất phương thức biểu đạt ý chí của hành vi pháp lý đơn phương thì coi như hình thức giao dịch dân sự đã được hình thành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc giao dịch dân sự của các chủ thể có ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước. Và đồng thời, pháp luật muốn lưu ý sự thận trọng của các bên khi tham gia giao lưu dân sự thì Nhà nước sẽ can thiệp về hình thức bắt buộc của giao dịch dân sự. Thông thường, các giao dịch dân sự có đối tượng cần sự quản lý của Nhà nước hoặc các giao dịch dân sự phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp và khó giải quyết tranh chấp sẽ là những giao dịch phải tuân thủ quy định bắt buộc về hình thức. Hình thức thể hiện ý chí khá đa dạng: lời nói, hành vi, hành động quy ước, văn bản có công chứng, chứng thực, văn bản không có công chứng, chứng thực. Hình thức giao dịch dân sự còn là căn cứ xác định thời điểm có hiệu lực của giao dịch dân sự.
2. Đặc điểm giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức là một loại giao dịch dân sự vô hiệu, do đó, nó mang đầy đủ các đặc điểm của một giao dịch dân sự vô hiệu. Ngoài ra, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức còn mang các đặc trưng như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức là giao dịch dân sự vi phạm quy định về hình thức bắt buộc. Khi pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, nghĩa là các chủ thể bị giới hạn quyền lựa chọn hình thức giao dịch dân sự. Chủ thể bắt buộc phải tuân thủ quy định về hình thức để giao dịch đó phát sinh hiệu lực. Nếu chủ thể chọn một hình thức giao dịch khác với hình thức bắt buộc của giao dịch do pháp luật quy định thì giao dịch đó bị thiếu đi một điều kiện có hiệu lực, hay giao dịch đó không mặc nhiên phát sinh hiệu lực. Việc không tuân thủ quy định về hình thức trở thành căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định bắt buộc về hình thức là giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối. Các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý tồn tại hai quan điểm cho rằng: Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là giao dịch dân sự vô hiệu tương đối. Theo quan điểm của người viết, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối, bởi lẽ: Một khi quy định về hình thức là quy định bắt buộc do pháp luật quy định thì các chủ thể không có quyền lựa chọn hình thức giao dịch như họ mong muốn mà phải tuyệt đối tuân thủ. Khi không thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch đó mặc nhiên được xem là không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm xác lập. Bên cạnh đó, hình thức của giao dịch còn là yếu tố xác định thời điểm có hiệu lực của giao dịch.
3. Quy định pháp luật hiện hành về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức
Thứ nhất, hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch. Có hai trường hợp giao dịch được coi là không tuân thủ về hình thức, đó là: Văn bản giao dịch không đúng quy định của pháp luật và văn bản giao dịch vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực. Như vậy, giao dịch dân sự đã được xác lập giữa các bên, trước hết, phải được thể hiện bằng văn bản vàtrường hợp giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản (khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015). Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.
Ở đây, cần xác định rõ thế nào là giao dịch bằng văn bản nhưng văn bản đó không đúng quy định của luật, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn vấn đề này. Theo cách hiểu thông thường thì giao dịch đúng quy định của luật là giao dịch tuân thủ các nội dung mà pháp luật quy định. Chẳng hạn, hợp đồng có thể có các nội dung nội sau đây: Đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp (Điều 398 BLDS năm 2015).
Những văn bản bắt buộc phải công chứng, chứng thực được quy định trong BLDS và các văn bản luật chuyên ngành. Theo khoản 2 Điều 119 BLDS năm 2015: Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 thì nếu các bên vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, khi giải quyết thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Thứ hai, điều kiện để văn bản không tuân thủ hình thức được Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực là một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch. Theo Điều 274 BLDS năm 2015: Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Theo đó, đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện, và đối tượng phải xác định được. Quy định đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch có thể hiểu là: (1). Một bên hoặc các bên đã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật (nếu là vật cùng loại thì phải giao ít nhất 2/3 số lượng với chất lượng như đã thỏa thuận là hợp lý), nhưng với vật đặc định hoặc vật đồng bộ thì việc xác định 2/3 nghĩa vụ sẽ gặp khó khăn. (2). Đã chuyển giao ít nhất hai phần ba quyền. (3). Một bên hoặc các bên đã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá. (4). Một bên hoặc các bên đã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận. Tuy nhiên, việc xác định thế nào cho chính xác một hoặc các bên đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ sẽ gặp khó khăn trong thực tiễn giải quyết, dễ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thứ ba, không phải việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó đương nhiên có hiệu lực, mà cần có thêm điều kiện là phải thông qua con đường Tòa án. Cụ thể là, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của giao dịch như đã nêu trên thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.[3]
III/ Thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức.
1. Một số khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến thực tiễn thi hành pháp luật
Điều 129 BLDS 2015 quy định hai trường hợp ngoại lệ, vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức nhưng hợp đồng không bị coi là vô hiệu, đó là:
(1) Giao dịch được xác lập theo quy định bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch;
(2) Giao dịch được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch.
Quy định trên có một số điểm chưa rõ ràng, khiến cho quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Về cách hiểu “văn bản không đúng quy định của pháp luật” (trường hợp thứ nhất)
Quy định tại điểm (1) nêu là chưa rõ về cách hiểu: một giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật được hiểu như thế nào? Liên quan tới vấn đề này, một số văn bản chuyên ngành có quy định về (i) các loại hợp đồng nào phải được xác lập bằng văn bản (ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, Hợp đồng xây dựng, …). Như vậy, “văn bản không đúng quy định của pháp luật” được hiểu là gì: một hợp đồng không được lập thành văn bản? hợp đồng lập thành văn bản nhưng không có đầy đủ các nội dung bắt buộc?
Khoản 1 Điều 117 BLDS quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong đó không có yếu tố nào liên quan đến hình thức của giao dịch. Và quy định này là hợp lý, bởi yếu tố hiệu lực của giao dịch dân sự nên chỉ xem xét đến mặt nội dung cũng như ý chí của các bên, hình thức chỉ là biểu hiện bên ngoài của việc thể hiện ý chí của các chủ thể, không thể xem là yếu tố quyết định đến hiệu lực của giao dịch. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 117 BLDS lại quy định “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp có quy định”. Điều này dường như là chưa nhất quán về quan điểm có hiệu lực của giao dịch dân sự trong chính điều luật này.
• Về cách xác định “hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch” (cả hai trường hợp)
Trên thực tế, đối với một số lĩnh vực, việc xác định chính xác hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch là khá khó khăn, vì nghĩa vụ của các bên không thể phân chia được theo phần. Vì vậy, cần phải có quy định và quy định hướng dẫn áp dụng luật để giải quyết cho trường hợp này.
- Về cách hiểu cụm từ “công chứng, chứng thực” đi liền với nhau là tương đồng nhau về mặt ngữ nghĩa?
Hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực là hai hoạt động khác nhau. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014). Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính (khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Như vậy, văn bản được công chứng sẽ được công chứng viên kiểm tra tính hợp pháp về nội dung còn đối với văn bản được chứng thực, cơ quan có thầm quyền chứng thực sẽ không chịu trách nhiệm về nội dung giao dịch mà chỉ ghi nhận sự kiện pháp lý giữa các chủ thể. Hợp đồng công chứng sẽ chặt chẽ, có tính chính xác hơn hợp đồng chứng thực. Do đó, khi quy định hình thức bắt buộc về giao dịch dân sự phải bằng văn bản có công chứng, chứng thực, các nhà làm luật cần phân biệt giữa các giao dịch cần phải công chứng và các giao dịch phải chứng thực.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là loại giao dịch xảy ra tranh chấp khá phổ biến tại các Tòa án mà đa số là các giao dịch liên quan đến bất động sản như nhà ở, quyền sử dụng đất. Vấn đề đặt ra cho hội đồng xét xử đó là xem xét hiệu lực của giao dịch và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch đó. Qua việc phân tích các án thực mà Tòa án đã giải quyết để thấy được những hạn chế trong quy định pháp luật và khó khăn khi cơ quan xét xử áp dụng luật.
2.1. Bản án 37/2018/DS-PT ngày 20/08/2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế của Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
2.1.1. Tóm tắt bản án
*Nội dung vụ việc
Cụ Vũ Văn N và cụ Nguyễn Thị Đ2 là vợ chồng. Cụ N và cụ Đ2 sinh được hai người con gái là bà Vũ Thị S và bà Vũ Thị Đ. Năm 1973, cụ N lấy vợ hai là cụ Nguyễn Thị T. Cụ N và cụ T sinh được một người con trai là anh Vũ Văn Đ3. Bà Đ1 lấy ông C là người cùng thôn với bố mẹ bà và sinh sống tại thôn B, xã T, huyện Y, Vĩnh Phúc. Trong quá trình chung sống, cụ N và cụ Đ2 tạo lập được 01 thửa đất ở thôn B, xã T. Vào khoảng năm 1980 hay 1981, cụ N đã chia bằng miệng thửa đất của cụ N và cụ Đ2 tạo lập được ra làm 03 thửa. Chia cho cụ T một thửa, cụ Đ2 một thửa và bà Vũ Thị S một thửa. Thửa đất của cụ T được chia là thửa ở phía trên, hiện nay cụ T đang sử dụng và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất của cụ Đ2 được chia là thửa số 125 diện tích 318m2 còn thửa đất của bà S được chia là thửa số 126 diện tích 290m2. Ngày 23/12/1990 (âm lịch) cụ N chết, trước khi chết cụ N không để lại di chúc. Khi cụ N chia thửa đất số 126 cho bà S, cụ N không lập bằng văn bản nên năm 1990 Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hai thửa đất 126 đứng tên cụ Đ2. Quá trình sử dụng 02 thửa đất số 125; 126, cụ Đ2 đã tách thửa đất của cụ Đ2 được chia năm 1989 ra thành 02 thửa số 125 và số 126. Trên đất mang tên cụ Đ2 có 01 nhà cấp 4. Năm 1996, cụ Đ2 có ý định bán 01 thửa để chi tiêu thì ông C không muốn cho cụ Đ2 bán đất ra ngoài nên ông C đã trực tiếp mua lại của cụ Đ2 thửa đất cụ Đ2 định bán để giữ đất sau này có chỗ thờ cúng tổ tiên. Còn 01 thửa thì cụ Đ2 thừa kế lại cho ông C nhưng với điều kiện, vợ chồng ông bà phải có trách nhiệm trông nom, chăm sóc cụ Đ2 đến khi cụ Đ2 chết. Khi còn sống, cụ Đ2 là người đóng thuế sử dụng đất. Sau đó, ông C bà Đ1 là người đóng thuế sử dụng đất của cụ Đ2. Từ năm 2011 đến năm 2015, chị em xảy ra mâu thuẫn, bà S đóng thuế sử dụng đất, nhưng bà chưa có thời gian nào được quản lí sử dụng thửa đất đó.
Ngày 10/10/1996, cụ Đ2 đã lập 02 văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất 02 thửa đất số 125, 126 của cụ Đ2 cho ông C được sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Cao là trưởng khu 9 thôn B thời kỳ đó xác nhận. Tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã T cụ Đ2 đã thể hiện quan điểm tặng cho của mình và ký tên vào văn bản tặng cho ông C 02 thửa đất số 125; 126 dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Phương N (phó chủ tịch xã T) và ông Đỗ Văn K (cán bộ ruộng đất thời kì đó). Đến năm 1999, cụ Đ2 sợ ông C không tốt với bà Đ1 nên cụ Đ2 lại thay đổi di nguyện và lập thêm 02 văn bản tặng cho bà Đ1 02 thửa đất của cụ Đ2 đã cho ông C năm 1996 dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn C1 (trưởng khu 9 thôn B) và anh em nội tộc bên nội của cụ N. Lý do văn bản tặng cho bà Đ1 đất năm 1999 cụ Đ2 điểm chỉ không ký vào giấy chuyển quyền sử dụng đất là do cụ Đ2 nghĩ điểm chỉ cho chắc chắn nên không ký tên nữa. Ngày 23/02/2000 (âm lịch) cụ Đ2 chết, cụ Đ2 không để lại di chúc. Khi cụ Đ2 còn sống, bà S chưa bao giờ nghe thấy cụ Đ2 nói về việc tặng cho vợ chồng ông C, bà Đ1 02 thửa đất số 125, 126. Vì vậy, các văn bản tặng cho vợ chồng ông C bà Đ1 của cụ Đ2 lập vào các ngày 10/10/1996 và ngày 27/9/1999, bà S cho rằng là giả mạo nhưng bà không có căn cứ gì để chứng minh rằng các văn bản đó là giả mạo nên bà không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký và vân tay điểm chỉ của cụ Đ2 ở trong các văn bản tặng cho đất của cụ Đ2. Hiện nay, vợ chồng ông C bà Đ1 đang là người trực tiếp đang quản lý sử dụng di sản của cụ Đ2. Năm 2017, bà S đã có đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án chia tài sản chung đối với 02 thửa đất của cụ Đ2, sau đó lại rút đơn khởi kiện. Ngày 26/3/2018, bà Vũ Thị S lại làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị Đ2 để lại theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa, các bên đương sự trình bày:
Nguyên đơn: Bà Vũ Thị S yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế 02 thửa đất số 125 và 126 của cụ Đ2 để lại đối với vợ chồng ông C bà Đ1. Bà xin được chia bằng hiện vật để làm nơi thờ tự cho bố mẹ. Còn các tài sản trên 02 thửa đất số 125; 126 bà chỉ yêu cầu Tòa án chia ngôi nhà cấp 04 bốn gian của cụ Đ2 để lại, còn cây cối lâm lộc và các tài sản khác trên đất bà không yêu cầu chia vì bà xác định những tài sản đó không phải là tài sản của cụ Đ2 để lại mà là tài sản do vợ chồng ông C bà Đ1 tạo lập ra.
Bị đơn: Bà Vũ Thị Đ1, ông Nguyễn Văn C thừa nhận về hàng thừa kế của cụ N và cụ Đ2 như lời trình bày của bà S là đúng.
*Giải quyết của Tòa án
– Không chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị S. Giữ nguyên bản án số 07/2018/DS-ST ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc.
– Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Vũ Thị S.
– Công nhận quyền sử dụng thửa đất số 125, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 450.4m2 (Bốn trăm năm mươi phảy tư mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366995 và thửa đất số 126, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 269,8m2 (Hai trăm sáu chín phảy tám mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366994 do Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) nay là huyện Y cấp cho cụ Nguyễn Thị Đ2 ngày 15/10/1990 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C bà Vũ Thị Đ1.
2.2. Quan điểm cá nhân về nội dung được giải quyết trong bản án trên
Nhìn một cách tổng quan, cách giải quyết của Tòa án trong bản án này là đúng đắn, hợp tình, hợp lý, công bằng. Xét thấy, bà S cho rằng vào khoảng năm 1980 hay 1981, cụ N đã chia bằng miệng thửa đất của N và cụ Đ2 tạo lập được thành 03 thửa, trong đó có 01 thửa được chia cho bà S. Nhưng bà S không đưa ra được căn cứ chứng minh một thửa đó được chia cho bà. Cụ N chết và không để lại di chúc. Theo khoản 2 Điều 651 BLDS 2005, di chúc miệng của cụ N năm vào1980 hay 1981 theo lời của bà S nhưng đến năm 1991 (dương lịch) cụ N mất nên đương nhiên di chúc miệng vô hiệu (quá thời hạn 3 tháng kể từ khi di chúc miệng của cụ N có hiệu lực). Sau đó, cụ Đ2 là người hưởng 02 thửa đất số 125 và số 126, thành tài sản riêng cụ sở hữu. Sau khi cụ Đ2 mất, cụ Đ2 không để lại di chúc. Vì vậy, chia tài sản thừa kế theo pháp luật, theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015: “a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”, bà Đ1 và bà S thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được chia đều di sản thừa kế. Xét kháng cáo của bà S nhận thấy quá trình giải quyết vụ án và trong đơn kháng cáo bà S, phía bà Đ1, ông C xuất trình tài liệu là “Giấy phân chia đất ở” đề ngày 01/02/1989 và “Giấy chuyển quyền sử dụng đất thổ cư” đề ngày 10/10/1996 đối với thửa đất số 125 có diện tích 318m2; “Giấy chuyển quyền sử dụng đất thổ cư” đề ngày 10/10/1996 đối với thửa đất số 126 có diện tích 290m2 và 02 “Giấy chuyển nhượng quyền thừa kế đất thổ cư” đề ngày 27/9/1999 nhưng bà S không thừa nhận. Tuy nhiên bà S cũng không yêu cầu trưng cầu giám định đối với các tài liệu chứng cứ trên.
Về mặt hình thức, các hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 đều chưa tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 725 của BLDS năm 2005 về nghĩa vụ của bên được tặng cho quyền sử dụng đất:
“Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:
1. Đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai;
2. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho;
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Vợ chồng ông C và bà Đ1 là người được tặng cho quyền sử dụng đất nhưng chưa đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng theo quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi cụ Đ2 và vợ chồng ông C, bà Đ1 đã thực hiện việc giao đất, sau khi cụ Đ2 chết vợ chồng ông C bà Đ1, quản lý sử dụng liên tục, công khai, ổn định hàng năm đóng thuế đất cho 02 thửa đất của cụ Đ2 tặng cho. Do vậy căn cứ Điều 129 BLDS năm 2015 xác định các bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện xong. Trong 05 bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 thì có 02 bản hợp đồng được chính quyền địa phương chứng thực, còn 03 bản thì chỉ có xác nhận của ông Nguyễn Văn Cao vì vậy xét về mặt hình thức chỉ có 02 bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 được chính quyền địa phương chứng thực được coi là có hiệu lực và không rơi vào các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức theo quy định tại Điều 122 BLDS 2015. Còn các văn bản còn lại không có chứng thực của chính quyền địa phương thì chỉ được coi là tài liệu khẳng định thêm việc cụ Đ2 thể hiện ý chí tặng cho vợ chồng ông C, bà Đ1 02 thửa đất số 125, 126.
Kế thừa thành tựu tiến bộ của BLDS 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, BLDS năm 2015 có một số chỉnh sửa phần giả định của điều luật cho súc tích hơn và bổ sung làm rõ hai trường hợp mà Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch dân sự, dựa vào kết quả thực hiện giao dịch trên thực tế (ít nhất 2/3 nghĩa vụ đã được thực hiện) và ý chí đích thực của chủ thể đã xác lập giao dịch dân sự. 03 văn bản còn lại trong bản án trên chỉ có xác nhận của ông Nguyễn Văn Cao là trường hợp rơi vào khoản 2 Điều 129 BLDS 2015. Như trong phần nội dung bản án, cụ Đ2 điểm chỉ không ký vào giấy chuyển quyền sử dụng đất là do cụ Đ2 nghĩ điểm chỉ cho chắc chắn nên không ký tên nữa (theo xác nhận, cụ Đ2 có biết chữ). Sau khi cụ Đ2 lập văn bản cho đất, cụ Đ2 đã giao đất và nhà cho vợ chồng ông bà quản lý nên khi nhà ở của cụ Đ2 xuống cấp, ông bà sửa sang nâng cấp lại cho cụ Đ2 ở. Ngoài ra còn xây dựng tường cổng các công trình phụ cho cụ Đ2 sử dụng và trồng cây cối lâm lộc trên đất, hàng năm ông bà là người đóng thuế sử dụng đất của cụ Đ2. Việc này bà S, anh em nội tộc trong gia đình cùng với chính quyền địa phương và hàng xóm trong thôn đều biết. Khi cụ Đ2 còn sống, hàng năm đến ngày giỗ ngày tết của gia đình cụ Đ2, vợ chồng ông bà là người đứng ra lo liệu. Khi cụ Đ2 chết ông bà cũng là người đứng ra lo liệu, bà S không có trách nhiệm gì. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 129, thì thủ tục công chứng, chứng thực không còn bắt buộc nữa. Cụ thể, trong trường hợp này, do cụ Đ2 và vợ chồng ông C bà Đ1 hoặc một bên chủ thể không quan tâm hoặc cố ý không thực hiện hình thức và thủ tục của hợp đồng, khi có tranh chấp gây ra những phức tạp và lãng phí về tài sản và thời gian của của bà S và ông C bà Đ1 khi tham gia tranh tụng. Với mục đích, thừa nhận giao dịch có vi phạm về hình thức, thủ tục luật định, nhưng trên thực tế các bên đã thực hiện cho nhau các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch một phần hoặc toàn bộ, thì không thể tuyên giao dịch này vô hiệu. Xét về bản chất, hình thức không phải là ý chí của các bên mà chỉ là phương tiện biểu đạt ý chí (như lời nói, hành vi, văn bản). Do đó, nếu hủy bỏ văn bản chỉ có xác nhận của ông Nguyễn Văn Cao là phương tiện biểu đạt quyết định của sự thỏa thuận, tự nguyện từ phía cụ Đ2 và ông C bà Đ1 thì ở góc độ nhất định, có thể hiểu tương ứng với sự không coi trọng, thậm chí là coi nhẹ ý chí của hai bên. Chính vì vậy, cho dù hình thức của văn bản chưa được các bên tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật nhưng các bên có sự thống nhất ý chí và đã thực hiện theo sự thống nhất đó thì không nên áp đặt sự vô hiệu, chấm dứt hiệu lực đối với giao dịch dân sự họ đã xác lập.
Tuy nhiên, những quy định tại khoản 1 và 2 Điều 129 còn nhiều hạn chế, khó khăn đối với các nghĩa vụ dân sự khác nhau phát sinh từ giao dịch có đối tượng khác nhau. Nghĩa vụ của các bên đã thực hiện khó có thể định lượng phần tối thiểu là hai phần ba nghĩa vụ hoặc không thể định lượng được, nếu nghĩa vụ là một công việc phải thực hiện.
Hiện nay, giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức không phải là một loại tranh chấp ít gặp ở các Tòa án. Có nhiều nguyên nhân khiến các chủ thể không hoàn thiện các thủ tục về hình thức dẫn tới giao dịch bị vô hiệu. Mặc dù xảy ra nhiều, nhưng công tác giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức ở các cơ quan xét xử còn gặp nhiều vướng mắc do một số hạn chế còn tồn tại trong điều luật.
Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Các chủ thể có quyền tự do lựa chọn phương thức biểu đạt ý chí. Tuy nhiên, đối với những giao dịch có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lí của Nhà nước, đồng thời pháp luật muốn lưu ý sự thận trọng của các bên tham gia giao lưu dân sự thì pháp luật buộc các bên phải tuân thủ quy định về hình thức bắt buộc. Khi các bên không thỏa mãn yêu cầu về hình thức bắt buộc thì giao dịch bị xem là vô hiệu do không tuân thủ. Qua sự tìm hiểu trên đây, đã cung cấp cho em thêm nhiều tri thức về giao dịch dân sự vô hiệu nói chung cũng như giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức nói riêng. Đồng thời, cũng giúp em vận dụng linh hoạt được các điều luật về giao dịch dân sự vào thực tiễn. Một số ý kiến cá nhân trên đây của em còn nhiều thiếu sót mong thầy, cô có thể tham gia góp ý, bổ sung để bài viết của em thêm hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự năm 2005
2. Bộ luật dân sự năm 2015
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2018.
4. Nguyễn Văn Cường, “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”, tạp chí Tòa án nhân dân, Số 01/2002, tr. 29-3.
5. Nguyễn Thị Tố Tâm, Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội;tr. 11.
6. Nguyễn Thị Thu Hải, “Hiệu lực của giao dịch dân sự vô hiệu không tuân thủ hình thức theo Bộ luật dân sự 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 24/2016, VKSND tối cao.
7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2018.
8. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2017. 9. Bản án dân sự phúc thẩm số 37/2018/DS-PT ngày 20/08/2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế tỉnh Vĩnh Phúc.
[1] Nguyễn Văn Cường, “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”, tạp chí Tòa án nhân dân, Số 01/2002, tr. 29-3.
[2] Nguyễn Thị Tố Tâm, Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội;tr. 11.
[3] Nguyễn Thị Thu Hải, “Hiệu lực của giao dịch dân sự vô hiệu không tuân thủ hình thức theo Bộ luật dân sự 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 24/2016, VKSND tối cao.
Một số bài luận liên quan:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về chủ thể thương lượng tập thể
- Cấu trúc của thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN – Phân tích yếu tố Tự do di chuyển đầu tư
- Uỷ thác thi hành án dân sự – Phân tích, đánh giá, đề xuất kiến nghị hoàn thiện
- Trách nhiệm giải quyết việc làm đối với người khuyết tật
- Phân tích các khía cạnh pháp lí của quản lí nhà nước về giao thông đường bộ
- Phân tích các yếu tố xã hội tác động đến hoạt động xây dựng pháp luật
- Sự thay đổi các quy định về chi phí được trừ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 cho đến nay
- Phân tích các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
- Phân tích những điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp
- Dịch vụ logistics bao gồm chuỗi các dịch vụ – Khái quát Bình luận Thực trạng