Sự thay đổi các quy định về chi phí được trừ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 cho đến nay

Sự thay đổi các quy định về chi phí được trừ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 cho đến nay.

1. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997

Ngày 10/05/1997, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu và yêu cầu hội nhập, phù hợp với định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế. Đối với những chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế, Luật này đã liệt kê danh mục những chi phí hợp lý như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí nguyên vật liệu, tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca, trợ cấp thôi việc cho người lao động[1]… Đồng thời, Luật cũng chỉ ra những khoản chi phí không được trừ như các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi, khoản chi không có chứng từ hoặc chứng từ không hợp pháp[2]… Để biết những khoản chi phí của mình có phải là chi phí hợp lý hay không, các doanh nghiệp cần đối chiếu những chi phí được liệt kê trong điều khoản này.

Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng, nhận thấy còn nhiều hạn chế ở các quy định cuả Luật Thuế thu nhập cá nhân 1997, Quốc hội đã thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2003 vào ngày 17/06/2003.

2. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003

Luật Thuế TNDN năm 2003 đã bổ sung thêm một trường hợp về chi phí được trừ, cụ thể là chi phí mua hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không có hoá đơn chứng từ do Chính phủ quy định[3]. Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật 2003 cũng đã bổ sung thêm quy định về chi phí khấu hao của tài sản cố định và mức trích khấu hao quy định… Cách quy định này là phù hợp với thực tiễn khi ban hành vì có thể giúp cho doanh nghiệp đối chiếu để tự kê khai. Tuy nhiên, qua thực hiện ngày càng phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn, làm hạn chế quyền chủ động của doanh nghiệp trong kinh doanh. Pháp luật chưa bao quát được hết nhiều khoản chi phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến việc hiểu và vận dụng khác nhau giữa cơ quan quản lí Nhà nước và doanh nghiệp, tạo cơ hội để sinh ra cơ chế “xin – cho” trong quá trình thực hiện.

Đến năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới thay thế Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2003 thể hiện một bước tiến mới trong cải cách pháp luật thuế với những thay đổi căn bản và quan trọng.

3. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008

Tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 liệt kê cụ thể các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế mà chỉ quy định điều kiện để xác định khoản chi được trừ bao gồm hai nhóm điều kiện: Thứ nhất, là khoản chi thực tế phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thứ hai, khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật[4]. Theo cách này thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng điều kiện quy định và không nằm trong những khoản chi không được trừ (có liệt kê cụ thể) khi xác định thu nhập chịu thuế.

Quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (khoản 1 Điều 9) rất ngắn gọn và mang lại hiệu quả cao. Điều luật không chỉ rõ những khoản chi nào sẽ được trừ mà chỉ nêu một cách tổng quát, chỉ cần doanh nghiệp đưa ra các giấy tờ hợp pháp là có thể được trừ khi tính thuế thu nhập. Quy định này đem lại sự thuận lợi cho cả phía doanh nghiệp và phía nhà nước, doanh nghiệp thì không cần phải xem khoản chi của mình có trong “danh mục” được trừ hay không mà chỉ xem xét rằng các khoản chi của mình là có phù hợp, có đáp ứng đủ các điều kiện quy định và có các giấy tờ hợp pháp hay không. Còn về phía Nhà nước thì cũng không cần phải đối chiếu các khoản chi để trừ có hợp lý hay không mà chỉ cần doanh nghiệp đưa ra các giấy tờ hợp pháp cho các khoản chi là có thể tiến hành việc trừ chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 còn một số những thiếu sót còn tồn tại. Một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí của doanh nghiệp như: chưa có quy định về khống chế tỉ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) được tính vào chi phí; quy định về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, về các khoản chi của doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động xã hội về tỉ lệ khống chế phí quảng cáo, khuyến mại không còn phù hợp với thực tiễn,… 

Vì vậy, ngày 19/06/2013, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.

4. Luật Thuế TNDN sửa đổi năm 2013

Về cơ bản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN 2013 vẫn giữ nguyên các điều kiện để khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế. Tuy nhiên, luật sửa đổi năm 2013 bổ sung thêm hai điều kiện mới là: khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, với khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt[5]. Đồng thời, có quy định loại trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn do hạ tầng công nghệ và mạng lưới ngân hàng còn chưa thật đồng đều giữa các vùng miền.

Một số loại chi phí được xác định là chi phí hợp lý được trừ quy định trong Luật Thuế TNDN 1997 và 2003 như chi phí quản lý quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam theo quy định của Chính phủ… đã được liệt kê vào nhóm các chi phí không được trừ theo quy định của pháp luật về Thuế TNDN hiện hành. Có thể nói, đây là một trong những thay đổi lớn của pháp luật Việt Nam về Thuế TNDN, tạo ra sự quản lý chặt chẽ hơn về thuế, tránh hành vi tiêu cực nhằm tránh thuế của một số doanh nghiệp.


[1] Khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN năm 1997.

[2] Khoản 2 Điều 9 Luật Thuế TNDN năm 1997.

[3] Điểm o khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN 2003.

[4] Khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN 2008.

[5] Khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN 2013, được sửa đổi, bổ sung

Một số bài luận liên quan:

1900.0191