Đề tài: Anh (chị) hãy phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về ủy thác thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này?
Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động Tư pháp, nhằm góp phần thượng tôn tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước. Việc ủy thác thi hành án dân sự nhìn chung đã được cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên thực tiễn cho thấy có lúc, có nơi còn lúng túng, thực hiện chưa đúng dẫn đến sai sót, vi phạm về thủ tục ủy thác thi hành án dân sự.
I. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VỀ ỦY THÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ theo Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014, uỷ thác thi hành án dân sự được hiểu là việc chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần quyết định thi hành án từ cơ quan thi hành án này sang cơ quan thi hành án khác theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thi hành án các bản án, quyết định của Toà án liên tục và trên thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân được pháp luật bảo vệ.
1. Nguyên tắc ủy thác thi hành án dân sự
Nguyên tắc ủy thác thi hành án dân sự được pháp luật quy định tại Điều 55 Luật THADS 2014. Theo đó, có các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự (THADS) phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trong đó, khi thực hiện việc uỷ thác cần xác định rõ các căn cứ sau đây: (i) uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản. (ii) uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án làm việc. (iii) uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án cư trú. (iv) uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có trụ sở.
Thứ hai, trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ. Căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật THADS 2014 bao gồm 02 trường hợp: (i) Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản; (ii) Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau. Tùy từng trường hợp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng pháp luật một cách linh hoạt để giải quyết cụ thể dựa trên nguyên tắc trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên.
Thứ ba, việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc được quy định tại khoản 3 Điều 55, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Có thể nhận thấy, chữ “Phải” ở đây để khẳng định các nhà làm Luật đã quy định dứt khoát Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải hành động ngay trong việc uỷ thác, không thể chậm trễ, chần chừ.
2. Thẩm quyền ủy thác thi hành án dân sự
Trong phạm vi Điều 56 Luật THADS 2014 quy định cụ thể về thẩm quyền uỷ thác của các cơ quan THADS. Cần lưu ý, tại điểm a khoản 1 Điều này được hiểu vừa là thẩm quyền uỷ thác đi và cũng vừa là thẩm quyền nhận uỷ thác của cơ quan THADS cấp tỉnh. Cơ quan THADS cấp huyện không được ủy thác cho cơ quan THADS cấp tỉnh của tỉnh mình. Cơ quan THADS khi thực hiện việc uỷ thác cần bám sát và thực hiện đúng quy định tại Điều 56 vì nếu uỷ thác không đúng thẩm quyền sẽ là căn cứ để cơ quan thi hành án nhận uỷ thác gửi trả lại hồ sơ uỷ thác theo quy định tại khoản 2 Điều 57. Điều đó làm cho việc thi hành án bị kéo dài và mục đích, ý nghĩa của việc uỷ thác sẽ không đạt được.[1]
3. Trình tự, thủ tục ủy thác thi hành án dân sự
Điều 57 Luật THADS 2014 quy định về trình tự, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thi hành án đã uỷ thác và cơ quan thi hành án nhận uỷ thác. Theo tinh thần của điều luật này thì đối với những tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác, thì cơ quan thi hành án mới cần phải xử lý trước khi thực hiện việc uỷ thác. Các tài sản có liên quan đến khoản uỷ thác trong quy định trên là các trường hợp tài sản đã được tuyên kê biên hoặc được tuyên hoàn trả cho đương sự nhưng dùng để đảm bảo thi hành án. Còn đối với khoản tiêu huỷ tang vật không có liên quan đến các khoản phải thi hành khác. Do đó cơ quan THADS có thể thực hiện ngay việc uỷ thác mà không cần phải chờ tiêu huỷ tang vật xong. Các cơ quan thi hành án nhận uỷ thác cần lưu ý thực hiện và không được trả lại hồ sơ uỷ thác mà phải tiếp nhận và tổ chức thi hành theo đúng quy định.
Việc thực hiện ủy thác thi hành án còn được hướng dẫn chi tiết tại Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Theo đó, pháp luật đã quy định và hướng dẫn rõ ràng hơn cho một số trường hợp trong quá trình ủy thác thi hành án dân sự, góp phần cho việc ủy thác thi hành án dân sự được diễn ra nhanh chóng và phát huy đúng với mục đích ý nghĩa của hoạt động này.
4. Các trường hợp ủy thác thi hành án dân sự
Thứ nhất, uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án. Uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án còn được gọi là ủy thác thẳng. Đây là trường hợp khi cơ quan thi hành án nhận được bản án, quyết định thuộc diện chủ động thi hành án hoặc yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định, nếu xét thấy việc thi hành án có căn cứ ủy thác thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở mà không ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ ra quyết định ủy thác thẳng trong những trường hợp pháp luật quy định rõ ràng, gồm: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 2 Điều 130 Luật Thi hành án dân sự, Điều 35 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ ngày 18/7/2015 của Chính phủ); trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản thi hành án cụ thể mà tài sản đó ở nơi khác (khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ ngày 18/7/2015 của Chính phủ). Việc uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án tùy từng trường hợp cụ thể có thể là ủy thác toàn bộ hoặc một phần nội dung quyết định của bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.[2]
Ủy thác thi hành án khi chưa ra quyết định thi hành án thì chưa được coi là một việc ủy thác thi hành án dân sự mặc dù đã ra quyết định ủy thác thi hành án dân sự. Trường hợp này, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự không thống kê và chỉ tiêu ủy thác thi hành án nhưng cần lập sổ theo dõi riêng về ra quyết định ủy thác thẳng.
Thứ hai, uỷ thác sau khi ra quyết định thi hành án. Đối với bản án, quyết định đã được cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án nhưng qua xác minh cho thấy có cơ sở xác định cơ quan thi hành án khác có điều kiện thực hiện việc thi hành án (cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở) thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.
II. NHỮNG BẤT CẬP VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ ỦY THÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Thứ nhất, theo Điều 55 Luật THADS, trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan THADS ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan THADS thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Trường hợp những người phải thi hành nghĩa vụ liên đới có tài sản ở nhiều nơi, cơ quan THADS thực hiện ủy thác theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) để lựa chọn nơi ủy thác thi hành án. Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau mà tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án (Điều 34 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên, việc xác định được nơi có điều kiện thi hành án vẫn còn có nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do việc xác minh điều kiện thi hành án phải tiến hành ở nhiều địa phương khác nhau. Việc lựa chọn nơi để ủy thác đối với các trường hợp nhiều người cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ cũng gặp vướng mắc do chưa có quy định pháp luật cụ thể trong việc xác định giá trị tài sản cũng như chi phí cho việc xác định giá trị tài sản đối với các trường hợp này.[3] Do đó, đề nghị xem xét bỏ điều kiện “tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án” mà quy định ngắn gọn: “Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án” (Điều 34 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) để tăng thẩm quyền cho cơ quan thi hành án và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với những trường hợp này.
Thứ hai, theo khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể mà tài sản đó ở nơi khác thì có thể ủy thác khoản phải thi hành án mà tài sản đó bảo đảm cho cơ quan THADS nơi có tài sản bảo đảm. Trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản phải thi hành thì về nguyên tắc cơ quan THADS phải xử lý tài sản đó để đảm bảo thi hành án. Do đó, nếu tài sản ở nơi khác thì phải thực hiện việc ủy thác. Việc quy định “có thể ủy thác” sẽ tạo ra tính tùy nghi, không thống nhất của các cơ quan THADS trong việc áp dụng pháp luật.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật THADS thì trước khi ủy thác, cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Có điều, thực tế cơ quan thi hành án đang gặp khó khăn trong việc thi hành các vụ án lớn mà bản án tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án ở nhiều tỉnh thành.
Trong những trường hợp này, nếu thực hiện thi hành án tuần tự theo quy định là phải xử lý xong tài sản kê biên tại địa bàn sau đó mới được ủy thác thì sẽ chậm trễ thu hồi tài sản và có nguy cơ tài sản bị thay đổi hiện trạng hoặc bị chiếm dụng trái phép. Bên cạnh đó, ngoài những trường hợp tài sản tại nơi ủy thác không đủ để thi hành án theo quy định thì còn có nhiều trường hợp tài sản tại nơi ủy thác đang có tranh chấp, đã được tòa án thụ lý, việc xử lý tài sản bị hoãn theo quy định tại Điều 48 Luật THADS 2014 và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, người phải thi hành án vẫn còn tài sản ở các địa phương khác nên cần phải có quy định về việc ủy thác để xử lý đối với những tài sản này để đảm bảo thi hành án hiệu quả.[4]
Do đó, để thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án, hạn chế việc đương sự tẩu tán tài sản, đồng thời để các cơ quan THADS biết được kết quả tổ chức thi hành án của nhau để phối hợp và xử lý tài sản cho phù hợp, cần bổ sung quy định: Trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 48 Luật THADS mà đương sự có tài sản ở địa phương khác thì cơ quan THADS ủy thác đến nơi có tài sản để thi hành.
Nói tóm lại, vấn đề uỷ thác THADS là một trong những quy định nhằm làm giảm bớt chi phí của nhà nước và của đương sự, đồng thời làm tăng hiệu quả của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định bởi vì cơ quan thi hành án nhận uỷ thác là cơ quan có điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn để thi hành vụ việc. Tuy nhiên, vấn đề uỷ thác thi hành án cần phải được hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật mới phát huy được hết vai trò và ý nghĩa của nó. Việc uỷ thác cũng tạo cơ sở cho các cơ quan THADS né tránh, đùn đẩy việc thi hành án cho cơ quan THADS nơi khác ngay khi căn cứ để uỷ thác cũng chưa được xác định rõ ràng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Thi hành án dân sự năm 2014
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Thi hành án dân sự Việt Nam, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
Một số bài luận liên quan:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về chủ thể thương lượng tập thể
- Cấu trúc của thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN – Phân tích yếu tố Tự do di chuyển đầu tư
- Trách nhiệm giải quyết việc làm đối với người khuyết tật
- Phân tích các khía cạnh pháp lí của quản lí nhà nước về giao thông đường bộ
- Phân tích quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
- Phân tích các yếu tố xã hội tác động đến hoạt động xây dựng pháp luật
- Sự thay đổi các quy định về chi phí được trừ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 cho đến nay
- Phân tích các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
- Phân tích những điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp
- Dịch vụ logistics bao gồm chuỗi các dịch vụ – Khái quát Bình luận Thực trạng