HIỂU THẾ NÀO VỀ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP?

HIỂU THẾ NÀO VỀ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP?

LS. TRẦN MINH HẢI – Công ty Luật BASICO

Doanh nghiệp là dạng khách hàng vay vốn chủ yếu trong cơ sở khách hàng của mỗi ngân hàng. Khi xét cấp một khoản tín dụng cho khách hàng, yêu cầu muôn thủa đối với ngân hàng và cán bộ ngân hàng là phải bảo đảm khách hàng vay vốn sử dụng đúng mục đích. Đúng mục đích, trước tiên được hiểu là mục đích vay vốn đúng với ngành nghề kinh doanh mà khách hàng được phép triển khai.

Vậy nên, hiểu các doanh nghiệp được hoàn toàn tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm hay chỉ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cho phép?

Câu hỏi này không hề mới. Tại khoản 1, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, có nội dung xác định một trong những quyền năng cơ bản của doanh nghiệp là “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Tuy nhiên, để bảo đảm gắn kết với việc thẩm định mục đích vay vốn của doanh nghiệp, cán bộ ngân hàng nên có nhận thức thận trọng về phạm vi tự do kinh doanh của khách hàng.

Trước hết, ngân hàng phải loại trừ các trường hợp pháp luật cấm kinh doanh đối với nhu cầu vay vốn của khách hàng doanh nghiệp. Có 7 trường hợp cấm kinh doanh cụ thể được nêu tại Điều 6 của Luật Đầu tư (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016) như kinh doanh mại dâm, mua bán người, kinh doanh chất ma túy…

Loại trừ các trường hợp cấm kinh doanh, cơ chế quản lý Nhà nước về doanh nghiệp hiện nay là cơ chế đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được quyền lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, phương thức để tiến hành hoạt động kinh doanh. Pháp luật về doanh nghiệp chỉ đặt ra một số giới hạn là những ngưỡng chặn nhất định. Nếu vượt qua những ngưỡng chặn đó, quyền tự do kinh doanh thuộc về doanh nghiệp.

Ngưỡng chặn thứ nhất là vốn pháp định đối với một số ngành nghề kinh doanh. Ngưỡng chặn này nhằm loại trừ bớt các doanh nghiệp chưa đáp ứng đòi hỏi đặc thù tiềm năng về tài chính để tiến hành giao kết với cộng đồng. Những doanh nghiệp ngành như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng… thường là doanh nghiệp đại chúng, là huyết mạch của nền kinh tế cần phải đáp ứng điều kiện vốn pháp định và không dễ để hình thành những doanh nghiệp này.

Ngưỡng chặn thứ hai là chứng chỉ hành nghề đối một số ngành liên quan sức khỏe, tính mạng, an toàn con người như kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm, kinh doanh dịch vụ pháp lý.

Ngưỡng chặn thứ ba là giấy phép, áp dụng đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt mà Nhà nước can thiệp vào quyền tự do kinh doanh để đảm bảo đạt được tôn chỉ, mục đích, ngăn ngừa sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng và thường có liên quan đến lợi ích quốc gia trong đó, như kinh doanh vàng, ngoại hối, casino…

Ngưỡng chặn thứ tư là những điều kiện chung áp dụng đối với một số ngành nghề dịch vụ như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ đối với kinh doanh khách sạn, nhà hàng…

Các ngưỡng chặn này đã được cụ thể hóa thành 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nêu tại Phụ lục 4 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Về lý thuyết, ngoài các ngưỡng chặn này, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, quyền tự do kinh doanh không hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp. Việc tự do kinh doanh mọi ngành nghề vẫn bị giới hạn bằng biện pháp và thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp khi kinh doanh phải đăng ký ngành nghề kinh doanh và khi đăng ký phải lựa chọn ngành nghề trong hệ thống danh mục hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam đã được ban hành. Như vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký thông tin ngành nghề mình lựa chọn, nhưng chỉ được lựa chọn ngành nghề trong danh mục ấn định.

Sự tự do kinh doanh trong khuôn khổ một danh mục những ngành nghề đã dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề. Có doanh nghiệp muốn cung cấp một loại hàng hóa, dịch vụ nhưng lại không tìm thấy ngành nghề muốn đăng ký trong danh mục đã phải đăng ký một ngành nghề na ná.

Trong nền kinh tế thị trường, phát triển nhiều dịch vụ, liên tục hình thành những hoạt động kinh doanh mới, xuất phát từ nhu cầu thị trường hoặc du nhập từ nước ngoài. Điều này sẽ dẫn đến những mục đích vay vốn hướng tới những khía cạnh ngành nghề kinh doanh mới lạ, tự do của khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với ngành ngân hàng, quá trình thẩm định các mục đích vay vốn đó phải gắn liền với sự nhận thức rõ về khuôn khổ pháp lý thực tế của khía cạnh tự do kinh doanh. Cùng nhìn nhận về tự do kinh doanh, khác với các doanh nghiệp, ngân hàng nên hiểu theo khía cạnh thực tế và chặt chẽ nhất.

SOURCE: BÁO ĐẦU CHỨNG KHOÁN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/hieu-the-nao-ve-quyen-tu-do-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-195852.html

1900.0191