KHÔNG ÁP DỤNG ĐIỀU 20 LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ THÌ TÁC GIẢ TRẮNG TAY
ĐỖ KHẮC CHIẾN – Chuyên gia SHTT, Trọng tài viên VIAC
Mở đầu
Bài viết “Thực hư việc áp dụng Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ” đã khảo sát quy định của Điều 33 Luật SHTT và khẳng định rằng Điều 33 Luật SHTT không phải là cơ sở pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và một số khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng. Việc đề cập vai trò của Điều 33 Luật SHTT trong vụ tranh chấp chỉ để rộng đường dư luận nhằm đáp lại ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước khẳng định Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật, vì đương nhiên Điều 33 Luật SHTT không thể là cơ sở pháp luật.
Theo nguyên tắc quan hệ giữa quyền tác giả và quyền liên quan thì sự bảo hộ đối với quyền liên quan phải giữ nguyên vẹn (hoặc bảo toàn) sự bảo hộ đối với quyền tác giả và do đó không một quy định nào về quyền liên quan được giải thích hoặc áp dụng theo cách thức có thể gây tổn hại cho sự bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm.
Tương tự như vậy, cũng để rộng đường dư luận, bài viết này đề cập vai trò của Điều 20 Luật SHTT còn thực ra Điều 20 Luật SHTT đương nhiên là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc.
Điều 20 Luật SHTT đương nhiên là cơ sở pháp luật vì lý do đơn giản sau đây:
– Mọi hành vi sử dụng tác phẩm được bảo hộ theo Luật SHTT đều thuộc phạm vi điều chỉnh của quyền tài sản trong quyền tác giả (sau đây có thể rút gọn là ‘quyền tài sản’);
– Điều 20 Luật SHTT là điều duy nhất của Luật SHTT quy định các nội dung cơ bản của quyền tài sản; và
– Trong trường hợp có quy định khác của Luật SHTT, ngoài Điều 20, đề cập đến quyền tài sản thì quy định đó cũng chỉ có thể đề cập đến một hoặc một số khía cạnh cụ thể của quyền tài sản, với điều kiện quy định đó phải phù hợp với quy định của Điều 20.
Nếu Điều 20 Luật SHTT không được áp dụng làm cơ sở pháp luật trong hoạt động sử dụng tác phẩm thì tất cả các tác giả không được hưởng bất kỳ một sự bảo hộ nào về mặt kinh tế hoặc vật chất theo Luật SHTT, tức là tác giả hoàn toàn trắng tay trong khi người sử dụng được tự do hưởng lợi.
Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 20 Luật SHTT đòi hỏi sự diễn giải chuẩn xác các quy định của Điều 20 Luật SHTT, một số quy định khác của Luật SHTT, đặc biệt là các quy định về giới hạn quyền tài sản tại Điều 25 và 26 Luật SHTT.
Quy định cụ thể về quyền tài sản
Quy định về độc quyền cho phép tại Điều 20 Luật SHTT
Điều 20 Luật SHTT quy định các vấn đề cơ bản của quyền tài sản, trong đó:
– Khoản 1 quy định tập hợp các quyền cụ thể thuộc quyền tài sản, ứng với mỗi quyền là một hành vi sử dụng tác phẩm;
– Khoản 2 quy định chủ sở hữu quyền tài sản có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền tài sản, tức là cho phép thực hiện hành vi sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 nói trên; và
– Khoản 3 quy định người "sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1" có trách nhiệm "phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả".
Như vậy, Điều 20 Luật SHTT điều chỉnh quan hệ giữa chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tác phẩm, theo đó nếu hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi một trong các quyền tài sản tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT thì chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyềncho phép (hoặc không cho phép) người khác thực hiện hành vi đó và ngược lại.
Quy định về giới hạn độc quyền cho phép tại Điều 20 Luật SHTT
Quy tắc chung tại Điều 20 Luật SHTT có một số giới hạn hoặc ngoại lệ, nhằm đảm bảo lợi ích của xã hội trong trường hợp lợi ích của xã hội và lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả cần được cân bằng, bao gồm:
– Giới hạn toàn phần quyền tài sản, quy định tại Điều 25 Luật SHTT (Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao);
– Giới hạn một phần quyền tài sản, quy định tại Điều 26 Luật SHTT (Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao).
Kết hợp các quy định của Điều 20, Điều 25 và Điều 26 Luật SHTT, có thể phát biểu một quy tắc khái quát về sử dụng quyền tài sản như sau:
– Người không phải là chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có thể thực hiện hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT nhưng không thuộc phạm vi quy định tại Điều 25 hoặc Điều 26 Luật SHTT, nếu được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép; và
– Người không phải là chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có thể thực hiện hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT và thuộc phạm vi quy định tại Điều 26 Luật SHTT với điều kiện phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc thực hiện hành vi trái với quy tắc nói trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là xâm phạm quyền tài sản, theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT.
Áp dụng Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ
Để việc trình bầy được ngắn gọn, trong các phần tiếp theo, người thực hiện hành vi sử dụng tác phẩm được giả định là người không phải là chủ sở hữu quyền tác giả.
Áp dụng đối với hành vi sử dụng tác phẩm nói chung
Điều 20 Luật SHTT áp dụng đối với bất kỳ một hành vi sử dụng tác phẩm nào. Nhưng Điều 20 Luật SHTT phân biệt các hành vi sử dụng tác phẩm cụ thể theo hình thức sử dụng. Khoản 1 Điều 20 quy định một tập hợp các quyền tài sản cụ thể, ứng với mỗi hình thức sử dụng là một quyền tài sản cụ thể.
Vì vậy, trong thực tế, áp dụng quy định về quyền tài sản tại Điều 20 Luật SHTT được thực hiện thông qua áp dụng quy định cụ thể về quyền tài sản.
Nếu khẳng định được rằng hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của một quyền tài sản cụ thể tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT thì có thể tiến hành việc áp dụng đối với hành vi sử dụng tác phẩm cụ thể.
Áp dụng đối với hành vi sử dụng tác phẩm cụ thể
Để áp dụng quy định về quyền tài sản tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, trước hết phải xác định xem hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của quyền cụ thể nào trong quyền tài sản.
Trong một số trường hợp, việc xác định quyền cụ thể có thể không đơn giản, vì ranh giới giữa các hành vi sử dụng và ranh giới giữa các quyền tài sản không phải lúc nào cũng được quy định rõ ràng.
Đặc biệt, ranh giới giữa biểu diễn tác phẩm trước công chúng, truyền đạt tác phẩm tới công chúng và phát sóng không được xác định rõ ràng trong Luật SHTT.
Chính vì vậy, việc xác định quyền cụ thể trong khoản 1 Điều 20 Luật SHTT làm cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền cũng gây tranh cãi. VCPMC cho rằng đó là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng tại điểm b) khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, nhưng thực ra hành vi sử dụng tác phẩm tại phòng ngủ khách sạn không thuộc phạm trù quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng.
Khả năng áp dụng Điều 20 Luật SHTT đối với hành vi sử dụng tác phẩm cụ thể phụ thuộc vào quy định về giới hạn quyền tài sản, cụ thể là:
– Nếu hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi quy định tại Điều 25 Luật SHTT thì quy định tại Điều 20 Luật SHTT không áp dụng;
– Nếu hành vi sử dụng tác phẩm thuộc phạm vi quy định tại Điều 26 Luật SHTT thì quy định tại Điều 20 Luật SHTT chỉ áp dụng một phần, vì người sử dụng chỉ có trách nhiệm trả tiền nhuận bút, thù lao.
Kết luận
Điều 20 Luật SHTT là cơ sở pháp luật để xem xét hành vi sử dụng tác phẩm trong bất kỳ một vụ tranh chấp nào về quyền tài sản trong quyền tác giả.
Đương nhiên, Điều 20 Luật SHTT là cơ sở pháp luật để xem xét hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong vụ tranh chấp giữa VCPMC và một số khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng.
Để áp dụng Điều 20 Luật SHTT vào vụ tranh chấp giữa VCPMC và một số khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng, cần phải làm rõ hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền và đối chiếu hành vi sử dụng quyền tài sản đó với quy định tại các Điều 20, 25 và 26 Luật SHTT.
SOURCE: VIBONLINE.COM.VN