SỬ DỤNG DIỄN ĐÀN INTERNET ĐỂ XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ?

SỬ DỤNG DIỄN ĐÀN INTERNET ĐỂ XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ?

 ĐỖ KHẮC CHIẾN – Chuyên gia SHTT, Trọng tài viên VIAC

Mở đầu

Mục đích của bài viết này là trao đổi ý kiến về một số bất cập trong xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, thông qua khảo sát một vụ việc thực tế đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

Những bất cập nêu trong bài viết được giới hạn trong giai đoạn trước tố tụng, vì đương sự chưa yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc khởi kiện ra tòa án.

Bài viết dựa trên thông tin, tư liệu công khai trên phương tiện đại chúng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2017.    

Tóm tắt sự việc

Gần đây (tháng 4 năm 2017), đã xảy ra một vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận, thậm chí đã được đưa ra phiên chất vấnngày 13 tháng 6 năm 2017 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

‘Sự cố" xảy ra khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT và Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP (được sửa đổi theo Nghị định số 85/2009/NĐ-CP), với mức tiền tính theo số TV lắp đặt tại các phòng ngủ, nhưng một số khách sạn đã từ chối trả tiền cho VCPMC trong khi vẫn tiếp tục việc sử dụng.

Phía khách sạn đã công khai phản đối yêu cầu của VCPMC trên phương tiện đại chúng, mở ra  một cuộc tranh luận khá ồn ào và có lúc căng thẳng, với sự tham gia của nhiều luật sư, nhà báo, chuyên gia, nhạc sĩ và những người quan tâm khác.

Phạm vi cuộc tranh luận càng ngày càng mở rộng, ý kiến càng ngày càng chia rẽ và giải pháp càng ngày càng xa vời.

Trong bối cảnh đó, Cục Bản quyền tác giả (Cục BQTG) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã có ý kiến về vụ việc và đưa ra một số biện pháp can thiệp.

Cục BQTG đã khẳng định rằng yêu cầu của VCPMC có cơ sở pháp luật, đó là Điều 33 Luật SHTTvà Điều 35 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP (được sửa đổi theo Nghị định số 85/2009/NĐ-CP), đồng thời Cục BQTG cũng đã yêu cầu VCPMC phải tạm dừng ngay việc thu tiền, để hoàn tất một số công việc theo yêu cầu.

VCPMC đã chấp nhận ý kiến và thực hiện yêu cầu của Cục BQTG, VCPMC không bầy tỏ quan điểm rõ ràng về vai trò cơ sở pháp luật của Điều 20 Luật SHTT, hoặc của Điều 33 Luật SHTT; và VCPMC đã dừng ngay việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc tại khách sạn trên cả nước, kể cả các khách sạn đồng tình với việc thu tiền.

Dư luận tiếp tục có nhiều ý kiến về hoạt động của VCPMC, có những thắc mắc hoặc nghi vấn về nhiều vấn đề, bao gồm tư cách đại diện chủ sở hữu quyền tác giả của VCPMC, cách thức tính tiền sử dụng tác phẩm, tính minh bạch của việc phân phối tiền, quan hệ với bên sử dụng tác phẩm.   

Cơ quan quản lý nhà nước cũng tiếp tục đưa ra nhận xét về hoạt động của VCPMC, trong đó có những nhận xét khá nặng, cho rằng cần phải chấn chỉnh lại những việc làm quá đà, không đúng, không hợp lý, không minh bạch của VCPMC.

Hiện trạng, đến cuối tháng 8 năm 2017, vẫn chưa có thông tin về công việc cụ thể mà Cục BQTG yêu cầu VCPMC thực hiện là gì, VCPMC đã hoàn tất hay chưa và khi nào thì VCPMC lại được tiếp tục thu tiền, đặc biệt là không rõ VCPMC sẽ tiếp tục thu tiền dựa trên Điều 33 hay Điều 20 Luật SHTT.

Theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT những khách sạn tại Đà Nẵng đang hoặc đã sử dụng tác phẩm âm nhạc nhưng từ chối trả tiền cho VCPMC bị coi là thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc mà VCPMC được chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền làm đại diện, bởi lẽ:

– Cả VCPMC, Cục BQTG và Bộ VHTTDL đều khẳng định việc VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc là có cơ sở pháp luật, tuy giữa VCPMC và cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có sự khác biệt ý kiến trong áp dụng quy định cụ thể của Luật SHTT (Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT);

– Phía khách sạn đã không trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc theo yêu cầu của VCPMC nhưng vẫn tiếp tục sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC được chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền.  

Những bất cập

Từ phần tóm tắt sự việc trình bầy trên đây, có thể thấy việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện đang có nhiều bất cập.

Thứ nhất, VCPMC đã không thực hiện ‘quyền tự bảo vệ’ quy định tại Điều 198 Luật SHTT, cụ thể là không yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc khởi kiện ra tòa án án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho VCPMC.

Thứ hai, nhiều khách sạn sử dụng tác phẩm âm nhạc không hiểu hoặc cố tình không hiểu việc sử dụng tác phẩm âm nhạc phải tuân thủ các quy định của Luật SHTT, trước hết là quy định về quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả tại Điều 20 Luật SHTT.

Thứ ba, Cục BQTG đã vượt quá phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo pháp luật khi khẳng định Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật và đưa ra những biện pháp can thiệp vào hoạt động của VCPMC, bởi lẽ giải thích luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ của Quốc hội và xử lý hành vi vi phạm hành chính của VCPMC không thuộc thẩm quyền của Cục BQTG. 

Hậu quả cần khắc phục

Những bất cập nói trên đã gây ra hậu quả về pháp lý và kinh tế đối với chủ sở hữu quyền tác giả, người sử dụng tác phẩm và cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với VCPMC

Việc VCPMC chưa thực hiện ‘quyền tự bảo vệ’ tuy không trái quy định của pháp luật nhưng có thể trái quy định của ĐIỀU LỆ TRUNG TÂM BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ ÂM NHẠC VIỆT NAM ban hành kèm theo QUYẾT ĐỊNH CỦA TỔNG THƯ KÝ HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM, số 19/2002/QD-NS ngày 19/4/2002 (Điều lệ VCPMC).

VCPMC có thể khắc phục hậu quả bằng cách tiến hành các thủ tục cần thiết để ‘tự bảo vệ’ vào bất cứ lúc nào, miễn là trước khi kết thúc thời hiệu theo quy định của pháp luật.

Về cơ bản, những thiệt hại do VCPMC không thực hiện quyền tự bảo vệ gây ra đối với các chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho VCPMC có thể được xử lý theo quy định của Điều lệ VCPMC.

Nếu khẳng định về Điều 33 Luật SHTT của Cục BQTG là đúng, VCPMC phải sửa đổi quy chế cấp phép, thu tiền, phân phối tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cho phù hợp và phải xử lý hậu quả của việc thu tiền không đúng pháp luật.

Đối với các khách sạn

Nếu phía khách sạn không có căn cứ để bác bỏ yêu cầu của VCPMC thì có thể phải đối diện với nguy cơ vụ việc được đưa ra xử lý trước cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án.

Để giảm nhẹ tốn phí hoặc thiệt hại, phía khách sạn có thể chủ động thương lượng với VCPMC một giải pháp hợp lý, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và thiện chí.

Đối với Cục BQTG      

Ý kiến và biện pháp mà Cục BQTG đã đưa ra chắc chắn có tác động tới quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trong vụ việc đang được đề cập.

Cục BQTG cần có tuyên bốhoặc thông báo công khai về cơ sở pháp luật của việc VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền, để giải tỏa tình trạng không rõ ràng hiện nay, vì thông thường ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước được công chúng và các cơ quan nhà nước khác coi là ‘chuẩn’.   

Đồng thời, Cục BQTG cần đưa ra phương án xử lý những thiệt hại mà chủ sở hữu quyền tác giả phải gánh chịu do yêu cầu VCPMC tạm dừng thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc gây ra, nếu yêu cầu tạm dừng không đúng quy định của pháp luật.

Kết luận

Mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đều có thể được xử lý, nhưng chỉ có thể xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả thông qua các thủ tục do pháp luật quy định.

Phương tiện đại chúng (Internet) có thể là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm nhưng không thể là diễn đàn để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

SOURCE: VIBONLINE.COM.VN

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=6979

1900.0191