SỨC MẠNH MỀM CỦA VIỆT NAM VÀ ASEAN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

SỨC MẠNH MỀM CỦA VIỆT NAM VÀ ASEAN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

 LÊ VĨNH TRƯƠNG

I. Tổng quan về sức mạnh mềm

Sức mạnh mềm có ba trụ cột văn hóa, giá trị, định hướng (thể chế và phương hướng) ứng với lịch sử, các giá trị hiện tại và sự dấn bước đến tương lai của một dân tộc trong hình thành và phát triển, trong lao động và chiến đấu giữ nước.1

“Sức mạnh mềm cũng là một dạng quyền lực; nếu không hợp nhất được sức mạnh mềm vào chiến lược quốc gia sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.” Joseph Nye người đúc kết lại quyền lực mềm mại, nhu chế cương, nhuyễn khắc ngạnh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải phát triển sức mạnh mềm và liên kết yếu tố này với các yếu tố truyền thống trong chiến lược quốc gia của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã nhắc đến yếu tố sức mạnh mềm trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 172 .Trung Quốc tập trung hướng sức mạnh mềm đến Đông Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Ngoài hàng loạt viện trợ, hiệp định thương mại và đầu tư cũng như cam kết đầu tư, ở cả ba khu vực trên, Trung Quốc tích cực tuyên truyền văn hóa, ẩm thực, xiếc, múa truyền thống, phim ảnh và thảo dược. Họ đã xây dựng được 128 viện Khổng Giáo trên toàn thế giới và có kế hoạch xây thêm hàng trăm viện nữa nhằm truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc 3 .

Trong khi những tài sản của quyền lực cứng như quyền điều động quân đội hoàn toàn thuộc nhà nước để bảo vệ lợi ích công cộng, những tài sản khác của chung quốc gia như dầu khí, tài nguyên, công xưởng, máy bay dân dụng… có thể được chuyển giao cho sự kiểm soát tập thể trong tình hình khẩn cấp. Trái lại, nhiều nguồn lực của quyền lực mềm gần như tách riêng khỏi nhà nước và chỉ đóng góp một phần khi được huy động. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, văn hoá đại chúng Mỹ thường đối đầu với các chính sách nhà nước. Nếu cuộc chiến của chính giới là nhân danh tự do, thì các cuộc phản chiến cũng đã trưng ra tính chất cởi mở của nền dân chủ Mỹ và là chất xúc tác hàn gắn quan hệ Việt Mỹ những năm sau.

Sức mạnh mềm có mặt tại nhiều thực thể và phương diện đa dạng của quan hệ quốc gia và khu vực.

II. Sức mạnh mềm Việt Nam

Định nghĩa

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền hiện nay, Việt Nam và ASEAN đang đứng trước những thử thách lớn không chỉ liên quan biển Đông, sông Mê Kông, thâm hụt thương mại, hoang phí tài nguyên mà còn liên quan đến hàng loạt vấn đề thuộc kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Những nhà làm chính sách của Việt Nam thường nhắc đến sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại khi xử lý các mối quan hệ, giải quyết các vấn đề, vượt qua các thách thức và tận dụng các cơ hội.

Một trong những thành tố của sức mạnh tổng hợp được sử dụng trong suốt lịch sử là sự khoan thư sức dân, ý niệm mạnh mẽ về chính nghĩa, nhu thắng cương, số ít khắc chế số nhiều, và đức hiếu sinh, mở đường sống cho đối phương. Đây là sức mạnh mềm. Người Việt đã sử dụng một dạng thức sức mạnh mềm trong dựng nước và giữ nước một cách tự nhiên.

Bao hàm

Sự kết hợp và truyền bá có chủ đích văn hóa, văn học (dân gian, truyền khẩu, chữ Nôm, chữ Hán, thơ văn hiện đại), nghệ thuật, khoa học, tập quán, tôn giáo của dân tộc Việt có khả năng ảnh hưởng đến những dân tộc và quốc gia khác. Sự quyến rũ của vẻ đẹp tinh thần, của hành vi ứng xử cao thượng làm các khách thể phải tôn trọng và đối thoại thay cho chọn lựa khác.

Các tôn giáo đến Việt Nam, được Việt hóa và thành một phần đời sống của xứ sở, nâng dậy tâm hồn chị ngã em nâng, nhẹ nhàng như mái đình cây đa của tín ngưỡng dân gian, của tự tình dân tộc. Những tôn giáo Việt hóa này đã trở thành nơi tĩnh tâm, chiêm nghiệm nhân quả, là chốn trú ngụ tâm linh, hồn thiêng sông núi Việt. Phật giáo Việt Nam còn có thiền phái Trúc Lâm và vị vua Phật phi thường Tây chinh Bắc chiến ”một tấc đất tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”, rồi sau đó rũ bỏ tất cả để hoằng dương Phật pháp, trong triết lý giản dị “đồng tọa bất đồng san”4 .

Việt võ đạo, trà đạo, âm nhạc dân tộc (ca trù, quan họ, cải lương), âm nhạc hiện đại, hội họa, trang phục, y học dân tộc, khoa học quân sự, tinh thần hương ước, các môn vật lý, toán học (các môn thường có giải quốc tế), sự cơ động chống thiên tai, địch họa… là những mắc xích văn hóa làm gia tăng sức hấp dẫn của lịch sử kiến quốc và vệ quốc của người Việt.

Ẩm thực Việt Nam giàu dinh dưỡng, nhiều rau quả, khoáng chất, chất đạm phù hợp khẩu vị và trào lưu giữ sức khỏe có thể là một đại diện âm thầm cho sức mạnh mềm.

ĐỌC TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

SOURSE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI SỐ 22, THÁNG 8/2011 – tapchithoidai.org/

<

p align=”justify”>BÀI VIẾT ĐƯỢC ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA  GIÁO SƯ TRẦN HỮU DŨNG – QUẢN TRỊ TRANG TAPCHITHOIDAI.ORG, ĐỀ NGHỊ CÁC BẠN CHỈ ĐỌC THAM KHẢO  VÀ KHÔNG CHÉP LẠI BÀI VIẾT ĐỂ ĐĂNG LẠI NƠI KHÁC VỚI BẤT CỨ MỤC ĐÍCH GÌ.

1900.0191