BÁO CÁO SỐ 1002/BC-UBTVQH13 NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2015 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
Thời gian qua, đã có những tranh luận khá thú vị về một số nội dung trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, nhất là về Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự và Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Để có thêm thông tin tham chiếu, Civillawinfor xin giới thiệu toàn văn Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22 tháng 11 năm 2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại Phiên họp Quốc hội thông qua Bộ luật .
Ngày 24 tháng 10 năm 2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) (BLDS). Ngay sau phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLDS như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101)
Nhiều ý kiến tán thành với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo BLDS bao gồm cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được quy định tại Điều 101 của Dự thảo theo hướng: đây không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này được thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc thông qua người đại diện.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam, nhất là giao dịch dân sự bằng tài sản chung và vì lợi ích chung của hộ gia đình cần được tiếp tục ghi nhận. Vì vậy, đề nghị giữ quy định hai loại chủ thể này trong BLDS, đồng thời bổ sung cụm từ “chủ thể khác” sau cụm từ “cá nhân, pháp nhân” quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và khoản 1 Điều 2 của Dự thảo.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:
Dự thảo BLDS do Chính phủ trình sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Quá trình tiếp thu chỉnh lý, lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… cũng cho thấy, đa số ý kiến cho rằng chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của luật phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình, vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 thì sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 303/366 phiếu tán thành về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân như Dự thảo. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của BLDS như trong Dự thảo.
2. Về bảo vệ quyền dân sự (các điều 2, 5, 6 và 14)
Nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để cụ thể hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong BLDS hiện hành (Điều 3 BLDS 2005). Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong dự thảo Bộ luật.
3. Về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3)
Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc: Nhà nước tham gia quan hệ dân sự bình đẳng với các pháp nhân và cá nhân khác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 3 dự thảo BLDS ghi nhận nguyên tắc chung: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Khi Nhà nước tham gia quan hệ dân sự thì cũng bình đẳng với các chủ thể khác và nội dung này đã được thể hiện cụ thể tại Điều 97 của dự thảo BLDS. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong Dự thảo.
4. Về các phương thức bảo vệ quyền dân sự (Điều 11)
Có ý kiến đề nghị sửa khoản 6 Điều 11 như sau: “Hủy bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó“.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu chỉ quy định về hủy bỏ quyết định hành chính là chưa đầy đủ, vì trong thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự, còn rất nhiều loại quyết định cá biệt khác có thể được xem xét hủy bỏ để bảo đảm quyền dân sự, chẳng hạn như các quyết định kỷ luật, cho thôi việc, sa thải lao động, quyết định cá biệt trong lĩnh vực khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quy định này cũng phù hợp với thẩm quyền của Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong Dự thảo.
5. Về bồi thường thiệt hại (Điều 13)
Có ý kiến đề nghị bỏ từ “toàn bộ” vì cho rằng quy định trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại là không chính xác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin giải trình như sau: Về nguyên tắc, khi người có hành vi vi phạm thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật vẫn có quy định cho phép các bên thỏa thuận về việc bồi thường hoặc trong một số trường hợp luật định có thể không phải bồi thường toàn bộ. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong Dự thảo.
6. Về quyền thay đổi tên và xác định lại dân tộc
Có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 28 và khoản 4 Điều 29 đều quy định về quyền nhân thân của người chưa thành niên trong việc thay đổi tên và xác định lại dân tộc nhưng lại có sự khác nhau về độ tuổi là chưa phù hợp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền thay đổi tên và quyền xác định lại dân tộc đều là những quyền nhân thân. Tuy nhiên, họ tên của một cá nhân gắn bó trực tiếp với cá nhân đó, vì vậy cần quy định việc hỏi ý kiến đối với người từ 9 tuổi trở lên để biết và tôn trọng mong muốn của chính người đó. Trường hợp việc xác định lại dân tộc liên quan đến vấn đề huyết thống nên đòi hỏi cá nhân được hỏi ý kiến phải là người có nhận thức đầy đủ hơn, ở một độ tuổi lớn hơn. Đây là các quy định kế thừa BLDS hiện hành, thực tiễn thi hành cũng không có vướng mắc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như trong Dự thảo.
7. Về quyền xác định lại giới tính (Điều 36)
Có ý kiến đề nghị quy định tại khoản 3 Điều 36 dự thảo Bộ luật cần xác định rõ đây không phải là trách nhiệm của cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính mà là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin giải trình như sau: Việc đăng ký thay đổi hộ tịch vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cá nhân đã xác định lại giới tính. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan trong việc thực hiện đăng ký lại thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như trong Dự thảo.
8. Về chuyển đổi giới tính (Điều 37)
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trong BLDS việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến tán thành với Dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật; có ý kiến đề nghị việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cung cấp thêm thông tin về thực tiễn và nhu cầu chuyển đổi giới tính để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:
Việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Với tinh thần đó, trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một Điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
9. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38)
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “theo luật định” vào trước cụm từ “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, ….” tại khoản 2 cho chặt chẽ với lý do: việc thu thập, lưu giữ… thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hạn chế quyền con người, do đó phải được ghi nhận trong luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý lại khoản 2 Điều 38 như sau:
“2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
10. Về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59)
Dự thảo BLDS bổ sung một điều mới (Điều 23) quy định về năng lực hành vi của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.
Qua thảo luận, có hai loại ý kiến như sau:
+ Loại ý kiến thứ nhất tán thành cần quy định cơ chế bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23). Tuy nhiên, cần chỉnh lý lại quy định về cơ chế giám hộ đối với đối tượng này cho khả thi và phù hợp với mức độ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của họ.
+ Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định năng lực hành vi của đối tượng này vì cho rằng, việc quy định thêm đối tượng này nhưng chưa rõ về tiêu chí xác định, cơ chế giám hộ và mức độ hạn chế, sự tham gia của những người này trong các quan hệ dân sự sẽ làm phát sinh những phức tạp trong xã hội.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 203/366 phiếu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong BLDS, đồng thời chỉnh sửa lại các quy định của dự thảo BLDS về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn tại các điều 46, 57, 58, 59.
11. Về pháp nhân (Chương IV)
– Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc phân loại pháp nhân vì cho rằng, việc phân loại pháp nhân không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn giao dịch dân sự cũng như trong hoạt động xét xử.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Việc phân loại pháp nhân là cơ sở quan trọng để các luật chuyên ngành cụ thể hóa địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức phù hợp với từng loại pháp nhân trong thực tiễn giao lưu dân sự. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ các tiêu chí phân loại pháp nhân như Điều 75 và Điều 76 dự thảo BLDS.
– Có ý kiến đề nghị Chương IV cần quy định trách nhiệm dân sự của cá nhân đối với pháp nhân trong giao dịch dân sự mà mình là đại diện cho pháp nhân để xác lập, thực hiện. Nếu gây thiệt hại cho pháp nhân do lỗi của mình thì phải có trách nhiệm bồi thường cho pháp nhân.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này đã được quy định tại Điều 597 của Dự thảo, theo đó “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
12. Về trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự (Điều 99)
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý...”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định tại Điều 99 là nhằm bảo đảm tính minh bạch, nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Đối với một số trường hợp đặc thù liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia của Nhà nước khi tham gia các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã được quy định cụ thể tại Điều 100 của dự thảo BLDS, do đó đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này như trong Dự thảo.
13. Về giải thích giao dịch dân sự (Điều 121)
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại nội dung ở khoản 1 Điều 121 theo hướng: “Khi một điều khoản, ngôn từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản, ngôn từ đó phù hợp với mục đích, tính chất giao dịch, tập quán nơi giao dịch được xác lập”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 121 của Dự thảo được chỉnh lý trên cơ sở ghép nội dung của Điều 126 về giải thích giao dịch dân sự và Điều 409 về giải thích hợp đồng dân sự của BLDS hiện hành. Qua nghiên cứu cho thấy, việc ghép các nội dung này chưa bảo đảm tính khái quát, vừa không rõ ràng, rành mạch như BLDS hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho tách các nội dung tại Điều 121 của Dự thảo thành 2 điều về giải thích giao dịch dân sự và giải thích hợp đồng trên cơ sở kế thừa quy định của BLDS hiện hành, có chỉnh lý bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn như tại Điều 121 và Điều 404 của Dự thảo.
14. Về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124)
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nếu người thứ ba có yêu cầu” tại khoản 2 Điều 124, vì khoản này nên quy định bản chất của giao dịch dân sự vô hiệu chứ không nên quy định việc Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch dân sự phụ thuộc vào yêu cầu của một chủ thể nhất định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý khoản 2 Điều 124 như sau: “2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.
15. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129)
Có ý kiến cho rằng, quy định “đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ” như Dự thảo là chưa phù hợp, vì trong trường hợp tuy chưa thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng các bên đã xác lập giao dịch, thực hiện được 50%, hoặc thực hiện được 2/3 nghĩa vụ thì sẽ giải quyết như thế nào?
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp thu ý kiến nêu trên của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Điều 129 như sau:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
1. Giao dịch đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
2. Giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
16. Về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133)
Có ý kiến cho rằng, quy định bất động sản đã được đăng ký và chuyển giao cho người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ trong mọi trường hợp là quá rộng, đề nghị cân nhắc thêm về vấn đề này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: BLDS hiện hành và dự thảo BLDS đều ghi nhận bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp người thứ ba đã xác lập giao dịch với chủ sở hữu nhưng sau đó người này không còn là chủ sở hữu do bản án, quyết định của Tòa án đã bị hủy, sửa. Theo đó, quyết định, bản án của Tòa án là căn cứ để bảo vệ người thứ ba ngay tình. Tương tự như vậy, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nếu người thứ ba căn cứ vào quyết định này để xác lập giao dịch thì cũng cần bảo vệ quyền lợi cho họ. Quy định như vậy cũng nhằm mục đích bảo đảm trật tự xã hội, ổn định các giao dịch dân sự. Trường hợp có sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận mà quyền sử dụng đất đã được chuyển giao cho người thứ ba thì cần xử lý trách nhiệm của những người có lỗi như quy định tại khoản 3 Điều 133 dự thảo BLDS.
17. Về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện (Điều 142)
Có ý kiến đề nghị giữ lại quy định của BLDS hiện hành về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định của BLDS hiện hành tuy đúng với thực tiễn nhưng chưa đầy đủ, chưa bảo đảm xử lý được các trường hợp tranh chấp về giao dịch dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện khi không có thẩm quyền đại diện, người thứ ba không biết và không thể biết về việc này và tin tưởng mình đã giao dịch với người có thẩm quyền; trong khi đó, pháp nhân biết về giao dịch đó nhưng không thể hiện ý chí rõ ràng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 1 Điều 142 như sau:
“1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện”.
18. Về thời hiệu (mục 2 Chương X)
Có ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định tại khoản 2 Điều 149 về áp dụng thời hiệu. Bởi vì, trong tranh chấp dân sự bao giờ cũng có sự xung đột về lợi ích giữa các bên, nhưng Điều này lại quy định cơ chế áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của một bên hoặc các bên.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Để bảo vệ đầy đủ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân như quy định tại các điều 5, 6 và 14 của dự thảo BLDS, Điều 149 về thời hiệu đã bổ sung quy định mới theo hướng: Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của đương sự. Như vậy, khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm giải thích cho các bên về quyền, nghĩa vụ của mình, bao gồm cả quyền về áp dụng thời hiệu. Nếu ít nhất một bên yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu thì Tòa án có trách nhiệm áp dụng quy định về thời hiệu. Trường hợp các bên muốn Tòa án phân xử tranh chấp để giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của các bên thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo tinh thần bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của các đương sự. Với tinh thần đó, xin được giữ nội dung này như Dự thảo.
19. Thời điểm xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản (Điều 161)
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 161 để làm rõ sự khác biệt giữa thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản và động sản, theo đó, việc xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản phải từ thời điểm đăng ký.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định tại Điều này đã loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác, trong đó có luật đất đai, luật nhà ở để tránh các xung đột pháp luật về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với động sản, bất động sản, do đó xin được giữ như Dự thảo.
20. Về bảo vệ việc chiếm hữu (Điều 185)
Đoạn cuối Điều 185 Dự thảo trình Quốc hội quy định: “Trường hợp người có yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền khác đối với tài sản đang bị người khác chiếm hữu mà có hành vi cản trở trái pháp luật người chiếm hữu thực hiện việc chiếm hữu tài sản thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người này phải chấm dứt hành vi cản trở, nếu không chấm dứt thì bác yêu cầu của người này”.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung nêu trên, bởi vì chưa rõ đây là một điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hay là một biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định như Dự thảo có thể gây hiểu lầm là việc đương sự phải tự chấm dứt hành vi vi phạm trước khi Tòa án thụ lý là một điều kiện của việc thụ lý giải quyết vụ việc, không phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc, Tòa án nhận thấy cần phải áp dụng các biện pháp chấm dứt hành vi vi phạm thì có thể quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bỏ nội dung này tại Điều 185 của dự thảo BLDS.
21. Về quyền hưởng dụng (Mục 2 Chương XIV)
Có ý kiến đề nghị quy định rõ các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hưởng dụng để tránh hiểu lầm có sự trùng lặp với các hợp đồng thuê, ủy quyền quản lý… thuộc phần nghĩa vụ và hợp đồng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, một trong những điểm khác biệt cơ bản của quyền hưởng dụng so với các quyền khác đối với tài sản xác lập trên cơ sở hợp đồng thuộc Phần thứ ba của BLDS về nghĩa vụ và hợp đồng là: chủ sở hữu tài sản có quyền: “Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập”. Chủ sở hữu tài sản không thể đơn phương chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng hưởng dụng mà chỉ được “Yêu cầu Toà án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình” (khoản 1 và khoản 2 Điều 263). Như vậy, nếu người thứ ba xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu với chủ sở hữu tài sản thì cũng không thể tước bỏ quyền hưởng dụng đã được xác lập trước đó. Do vậy, để bảo đảm tính minh bạch, an toàn trong giao dịch dân sự, phân định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ của quyền hưởng dụng với các quyền khác theo hợp đồng thuộc Phần nghĩa vụ và hợp đồng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại Điều 259 về hiệu lực của quyền hưởng dụng như sau:
“Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
22. Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420)
Vấn đề này qua thảo luận có hai loại ý kiến như sau:
– Loại ý kiến thứ nhất tán thành với cơ chế điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nhưng đề nghị cần quy định cụ thể hơn về hoàn cảnh thay đổi, các trường hợp thay đổi và chủ thể được thay đổi hợp đồng.
– Loại ý kiến thứ hai không tán thành việc bổ sung Điều 420 về việc Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, vì cho rằng hợp đồng phải được giao kết, sửa đổi, chấm dứt trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các bên.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Về nguyên tắc, việc giao kết, thực hiện hợp đồng phải dựa trên ý chí tự do, tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp do những lý do khách quan dẫn đến hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức mà việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng nhưng không thể ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại và nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá sản. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 251/366 phiếu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho được giữ nội dung này và chỉnh lý chặt chẽ như trong Dự thảo.
23. Về lãi suất (Điều 466 và Điều 468)
23.1. Về mức trần lãi suất (Điều 468)
Về lãi suất có hai loại ý kiến như sau:
– Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.
– Loại ý kiến thứ hai tán thành sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về mức lãi suất tối đa; kết quả như sau: 278/366 phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Do khoản 1 Điều 468 đã được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
23.2. Về lãi suất nợ quá hạn (Điều 466)
Qua thảo luận, có hai loại ý kiến về cách tính lãi suất trên nợ quá hạn của hợp đồng vay có lãi tại Điều 466 như sau:
– Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong hợp đồng vay có lãi mà bên vay đến hạn không trả hoặc không trả đủ nợ, thì lãi suất bao gồm: (1) lãi trên nợ gốc trong hạn theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng và (2) lãi trên nợ gốc quá hạn với mức lãi suất bằng 150% lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài hai khoản lãi suất tính trên nợ gốc nêu trên, bên vay còn phải chịu tiền lãi chậm trả đối với phần lãi phát sinh đến hạn chưa trả.
– Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khi bên vay không thể trả hoặc không trả đủ nợ thì rất khó có điều kiện về tài chính để thực hiện nghĩa vụ. Do đó, chỉ nên quy định mức lãi trên nợ gốc trong hạn theo lãi suất hợp đồng và lãi trên nợ gốc quá hạn với mức lãi suất bằng 150% lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, bởi vì, nếu có khoản lãi phát sinh đến hạn mà bên vay chưa trả cũng là một hành vi vi phạm nghĩa vụ, do đó cần phải có chế tài hợp lý. Tuy nhiên, mức lãi suất này không nên áp dụng như mức lãi suất đối với nợ gốc quá hạn, mà chỉ nên áp dụng mức lãi suất tối đa bằng 50% mức trần lãi suất như quy định tại khoản 2 Điều 468. Với tinh thần đó, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 5 Điều 466 như sau:
“5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
24. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 584)
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của BLDS hiện hành về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định của BLDS hiện hành về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa làm rõ nguyên tắc loại trừ trách nhiệm bồi thường do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Việc bổ sung các nội dung nêu trên vào Điều 584 của dự thảo BLDS là cần thiết, do đó, xin được giữ nội dung này như Dự thảo.
25. Về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591)
Có ý kiến đề nghị tại khoản 2 cần bổ sung đối tượng được bồi thường thiệt hại về tinh thần khi người thân của họ bị xâm phạm tính mạng là “Người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại” để phù hợp với khoản 3 Điều 606.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý như trong Dự thảo.
26. Về di chúc chung vợ chồng (các điều 641, 642 và 646)
Có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng của BLDS hiện hành, bởi vì di chúc là ý chí của cá nhân, việc quy định vợ chồng lập di chúc chung rất phức tạp trên thực tế khi xác định thời điểm mở thừa kế, hiệu lực của di chúc chung và giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ các điều 641, 642 và 646 về di chúc chung vợ chồng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung vợ chồng và hiệu lực của di chúc chung vợ chồng.
27. Về hiệu lực thi hành (Điều 688)
Có ý kiến cho rằng quy định hiệu lực thi hành của BLDS từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 là quá gấp vì đây là Bộ luật lớn, các cơ quan cần có thời gian chuẩn bị nhiều hơn để thống nhất thực hiện khi áp dụng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội và quy định hiệu lực thi hành của BLDS từ 01 tháng 01 năm 2017.
28. Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 689)
Có ý kiến cho rằng các quy định tại điều khoản chuyển tiếp là chưa đầy đủ để triển khai thi hành Bộ luật, do đó đề nghị ban hành nghị quyết để thực hiện Bộ luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: Điều 689 sẽ được tiếp thu chỉnh lý để quy định đầy đủ các nội dung quy định một số điểm cụ thể thi hành nội dung BLDS. Các nội dung khác trong việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản hoặc ban hành văn bản theo thẩm quyền của các cơ quan nhà nước để triển khai thi hành BLDS sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó.
Ngoài các vấn đề nêu trên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo BLDS đã được chỉnh lý tại nhiều điều khoản cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
*
* *
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Uông Chu Lưu