CẦM GIỮ TÀI SẢN, BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
TS. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP – Khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được sử dụng từ khá lâu trong đời sống thực tiễn và phát huy tác dụng rõ rệt nhất là trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.Có thể nói rằng, các biện pháp bảo đảm đóng vai trò mang tính sống còn trong sự vận hành của lĩnh vực này.
Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại song song hai hệ thống các quy định về giao dịch bảo đảm, hệ thống các quy định về giao dịch bảo đảm nói chung áp dụng với tất cả các giao dịch dân sự và hệ thống các biện pháp bảo đảm áp dụng tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, giao dịch bảo đảm giữ vai trò là nền tảng cơ bản. Từ BLDS đầu tiên của Việt Nam năm 1995 đến BLDS năm 2015, chế định này đã trải qua khá nhiều sự thay đổi (cả về tư tưởng chủ đạo trong việc xây dựng chế định cũng như các quy định cụ thể trong lĩnh vực này)[1].
Có nhiều cách phân loại khác nhau đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, như:
– Căn cứ vào đối tượng của biện pháp bảo đảm: Bảo đảm đối nhân, bảo đảm đối vật;
– Căn cứ vào sự hình thành của biện pháp bảo đảm: Biện pháp bảo đảm hình thành trên cơ sở hợp đồng, biện pháp bảo đảm hình thành trên cơ sở các quy định của pháp luật.
So với quy định của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã có khá nhiều thay đổi liên quan đến các quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, ở góc độ tổng thể, có thể thấy sự thay đổi rõ ràng nhất đến từ các quy định của pháp luật liên quan đến hai biện pháp bảo đảm, đó là cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu.
1. Cầm giữ tài sản
1.1 Xác lập biện pháp cầm giữ
Điều 346 BLDS năm 2015 quy định “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Quy định này cho thấy, phạm vi áp dụng của biện pháp cầm giữ là khá rộng. Thứ nhất, áp dụng đối với mọi loại tài sản (đối tượng được cầm giữ), thứ hai, áp dụng đối với các loại nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm giữ (áp dụng đối với tất cả các nghĩa vụ phát sinh từ tất cả các loại hợp đồng song vụ) và thứ ba, trong quan hệ với chủ thể thứ ba, tài sản cầm giữ không cần biết là thuộc quyền sở hữu, quyền hưởng dụng của ai, miễn đang là đối tượng của một hợp đồng song vụ thì đều có thể trở thành tài sản cầm giữ. Có thể hình dung tác động của biện pháp này đối với người thứ ba thông qua ví dụ sau. A vay tiền của ngân hàng X để mua nhà của B, theo thoả thuận giữa các bên, B sẽ trao giấy tờ nhà cho ngân hàng X để dùng làm tài sản thế chấp. Nếu sau khi ký hợp đồng, vì lý do gì đó mà A không thanh toán được tiền mua, B sẽ giữ lại căn nhà, trường hợp này ngân hàng X sẽ gặp các nguy cơ về việc không có tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tài sản cầm giữ phải có mối “liên quan mật thiết” với nghĩa vụ cần được bảo đảm bằng việc cầm giữ. Có thể hình dung qua giả thiết sau, A vay của B 500 triệu đồng và chưa trả được nợ. Sau đó A lại mua một chiếc xe ô tô của B với giá 400 triệu đồng, tiền mua xe đã được thanh toán đầy đủ nhưng B lại không giao xe và yêu cầu A phải trả hết toàn bộ khoản nợ 500 triệu đồng đã vay thì mới giao xe.
Căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật dân sự, trong tình huống nêu trên, việc cầm giữ tài sản là không thể thực hiện được. Bởi vì, chiếc xe ô tô là đối tượng của hợp đồng song vụ, và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng này (nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản) đã được thực hiện xong, vì thế, việc cầm giữ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Với giả thuyết nêu trên, có thể xác định rằng, tài sản cầm giữ và nghĩa vụ được bảo đảm cần thiết phải phát sinh trong cùng một quan hệ thì việc cầm giữ mới có giá trị. Đây là điểm mà chúng tôi cho rằng, cần đặt ra yêu cầu, hay điều kiện, hay cũng chính là giới hạn cho việc áp dụng biện pháp cầm giữ, đó chính là mối quan hệ giữa tài sản cầm giữ và nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm giữ. Chính xác là tài sản cầm giữ và nghĩa vụ được bảo đảm cầm giữ phải tồn tại trong cùng một quan hệ nghĩa vụ song vụ.
Ngoài ra, một vấn đề nữa đặt ra là, có phải tất cả các hợp đồng song vụ đều có thể áp dụng biện pháp cầm giữ? Về pháp lý, theo quy định tại Điều 346 BLDS năm 2015 nêu trên, điều này là đúng. Tuy nhiên, vẫn có vấn đề chưa thật sự ổn với cách thức quy định này. Hãy hình dung với hợp đồng dịch vụ: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 513 BLDS năm 2015). Có thể thấy với hợp đồng song vụ này, bên có quyền không có gì để cầm giữ cả. Vậy có cần thiết phải giới hạn những loại hợp đồng song vụ nào có thể áp dụng biện pháp cầm giữ?
1.2 Về hiệu lực của biện pháp cầm giữ
Cầm giữ làm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba không phải bằng việc đăng ký giao dịch bảo đảm mà bằng việc nắm giữ tài sản. Điều này có nghĩa là bằng các quy định của BLDS năm 2015, nhà làm luật đã trao cho bên có quyền một quyền quan trọng là nắm giữ tài sản để yêu cầu được thực hiện quyền của mình.
Việc cầm giữ tài sản tạo ra cho bên có quyền một số quyền đi kèm với các nghĩa vụ nhất định. Ví dụ như các quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ, yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ… Tuy nhiên, bên cầm giữ không có quyền yêu cầu xử lý tài sản cầm giữ để thực hiện quyền của mình. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của cầm giữ so với các biện pháp bảo đảm khác. Bên cầm giữ chỉ có quyền nắm giữ tài sản (không giao tài sản), cũng cần nhấn mạnh lần nữa rằng, đó là cầm giữ về mặt vật chất đối với tài sản. Điều này cũng có nghĩa rằng, tính chất bảo đảm còn tồn tại chừng nào tài sản còn nằm trong tay của bên cầm giữ.
Mặt khác, việc cầm giữ tạo ra khá nhiều các nghĩa vụ đối với bên cầm giữ. Có thể liệt kê một số nghĩa vụ quan trọng như: giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ; không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ; không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ…
Với những nghĩa vụ nêu trên, bên có quyền sẽ phải thận trọng trong việc quyết định cầm giữ tài sản, đặc biệt là đối với những tài sản dễ hư hỏng, biến chất (như hàng đông lạnh, nông sản…).
Việc cầm giữ chấm dứt trong những trường hợp được liệt kê tại Điều 350 BLDS năm 2015, nếu tài sản không còn trong tay bên cầm giữ thì biện pháp cầm giữ chấm dứt.
2. Bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu không phải là một vấn đề mới trong BLDS năm 2015. Nội dung pháp lý này đã được quy định trong BLDS năm 2005 nhưng với tư cách là một điều khoản trong hợp đồng mua bán tài sản[2]. Tuy nhiên, với tính chất “bảo đảm” nênbiện pháp này gần như rất ít được biết đến trong thực tiễn. Vì vậy, việc sử dụng điều khoản này để dự phòng cho việc không thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ khá hạn chế trên thực tế.
BLDS năm 2015 quy định bảo lưu quyền sở hữu là một trong số 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 292 và được mô tả cụ thể tại khoản 1 Điều 331 BLDS năm 2015: “Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ”.
2.1 Về xác lập bảo lưu quyền sở hữu
Phạm vi áp dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu
Khoản 1 Điều 331 BLDS năm 2015 quy định “Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ”.
Quy định này gián tiếp cho thấy, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu này chỉ có thể áp dụng đi kèm với hợp đồng mua bán tài sản. Trong khi đó, nếu chỉ xét về bản chất của tên gọi “bảo lưu quyền sở hữu”, có thể hình dung biện pháp này có thể áp dụng đi kèm với các giao dịch liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản. Điều này có nghĩa là, đối với tất cả các giao dịch có liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản thì các chủ thể đều có thể thực hiện quyền “bảo lưu quyền sở hữu” của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ này thì chưa đủ, bảo lưu quyền sở hữu được áp dụng có tính chất của một biện pháp bảo đảm, tức là cùng với dấu hiệu nhận biết là áp dụng với các giao dịch mà trong đó có động tác chuyển quyền sở hữu tài sản còn cần thêm dấu hiệu là các giao dịch này phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên được chuyển giao quyền sở hữu. Tức là nó được hình thành trên cơ sở các hợp đồng song vụ. Với các phân tích trên, hợp đồng mua bán chỉ là loại điển hình của hợp đồng song vụ có chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, hợp đồng trao đổi tài sản theo quy định tại Điều 455 BLDS năm 2015 cũng có những tính chất như đã phân tích trên đây. Nếu áp dụng đúng quy định tại Điều 331 BLDS năm 2015, bảo lưu quyền sở hữu không được phép áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 455 BLDS năm 2015 quy định: “Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, bảo lưu quyền sở hữu tài sản được áp dụng cả đối với hợp đồng trao đổi tài sản.
Hình thức của xác lập
Khoản 2 Điều 331 BLDS năm 2015 quy định:“Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán”. Như vậy, đây là một trong số ít các trường hợp mà pháp luật quy định hình thức phải bằng văn bản đối với giao dịch.
Việc yêu cầu xác lập bằng văn bản đối với biện pháp bảo lưu quyền sở hữu là một yêu cầu hợp lý. Bởi lẽ, cần có bằng chứng xác thực cho một hành vi đặc biệt của bên có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tài sản trong việc không thực hiện nghĩa vụ này. Trên thực tiễn, yêu cầu này sẽ dẫn đến những trường hợp sau: Thứ nhất, hoàn toàn không có vấn đề gì nếu theo quy định của pháp luật hợp đồng mua bán hay hợp đồng trao đổi tài sản phải lập thành văn bản, khi đó điều khoản bảo lưu quyền sở hữu được ghi vào văn bản – hợp đồng mua bán. Thứ hai, trong trường hợp hợp đồng mua bán không buộc phải xác lập bằng văn bản, khi đó các bên sẽ có hai lựa chọn: Một là, xác lập hợp đồng mua bán bằng văn bản (mặc dù luật không yêu cầu) và tương ứng với hợp đồng này là điều khoản hay hợp đồng bảo lưu quyền sở hữu; hai là, chấp nhận tình trạng hợp đồng mua bán lập bằng miệng nhưng hợp đồng (hay điều khoản) bảo lưu quyền sở hữu lại xác lập bằng văn bản.
Về thời điểm xác lập bảo lưu quyền sở hữu tài sản
Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu phải được xác lập trước thời điểm thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Về logic, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu tài sản phải xác lập đồng thời (vì ghi cùng) với hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, để phù hợp với thực tiễn hiện nay, thời điểm xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, một cách hợp lý, chỉ cần trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là được.
2.2 Hiệu lực của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu
Vấn đề hiệu lực của biện pháp bảo đảm này được xem xét ở góc độ hiệu lực đối kháng hay quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ.
Về hiệu lực đối kháng
Khoản 3 Điều 331 BLDS năm 2015 quy định “Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Như vậy, việc đăng ký bảo lưu quyền sở hữu không được xem như một quy định bắt buộc về hình thức để thoả thuận này có hiệu lực. Nó chỉ là cơ sở để làm phát sinh giá trị đối kháng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu với người thứ ba. Điều này có nghĩa là nếu không được đăng ký, biện pháp bảo đảm này chỉ có giá trị trong quan hệ giữa các bên tham gia giao dịch.
Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 chưa xác định rõ giá trị của hiệu lực đối kháng trong trường hợp bên mua tài sản bán lại tài sản này cho người khác. Theo chúng tôi, giải pháp cần công nhận là người mua tài sản phải chấp nhận quyền của bên bán (đang vẫn là chủ sở hữu đối với tài sản).
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu có thể xem như một quan hệ đơn vụ, theo đó chỉ có bên mua tài sản là có nghĩa vụ, đó là nghĩa vụ phải thanh toán tiền mua tài sản; bên bán chỉ có quyền, quyền yêu cầu thanh toán và quyền lấy lại tài sản.
Về quyền lấy lại tài sản của bên bán
Điều 332 BLDS năm 2015 quy định “Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Trên thực tế, việc áp dụng điều khoản bảo lưu quyền sở hữu trong thời gian qua hay bị nhầm lẫn với một kỹ thuật khác có cơ chế gần tương tự. Việc bảo lưu quyền sở hữu thường đi kèm với việc trả chậm (hay thanh toán nhiều lần trong thời gian kéo dài), nhưng không phải tất cả các trường hợp trả nhiều lần (trả góp) đều là bảo lưu quyền sở hữu. Có thể hình dung qua ví dụ đơn giản, A mua căn hộ chung cư của nhà đầu tư B, vì không có tiền thanh toán một lần, với hỗ trợ của nhà đầu tư, A được vay tiền với lãi suất ưu đãi của ngân hàng C với thoả thuận là căn hộ sẽ được thế chấp cho ngân hàng C và A sẽ thanh toán tiền vay bằng hình thức trả chậm. Với tình huống này, chúng ta có trong thực tế việc “trả chậm” nhưng không có việc bảo lưu quyền sở hữu mà là một hợp đồng “mua đứt, bán đoạn”. Do đó, nếu vì lý do gì đó A không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng C thì C chỉ có thể tiến hành các thủ tục đòi nợ hoặc yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là căn hộ mà A đã mua chứ không có quyền lấy lại tài sản như quy định tại Điều 332 BLDS năm 2015 nêu trên.
Vậy, quyền lấy lại tài sản theo quy định được hiểu như thế nào? Với điều khoản bảo lưu quyền sở hữu thì bên có quyền vẫn luôn là chủ sở hữu tài sản. Trong trường hợp này, bản thân quyền sở hữu tài sản là đối tượng của giao dịch bảo đảm để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên mua. Vì vậy, nếu người mua hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, quyền sở hữu được chuyển giao, ngược lại, nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán, với tư cách là chủ sở hữu, bên bán được lấy lại tài sản. Tính chất bảo đảm cao hơn rất nhiều lần so với các biện pháp bảo đảm thông thường (như cầm cố, thế chấp). Ngoài ra, Điều 332 còn quy định “Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” có thể sẽ gây ra những tranh cãi trên trên thực tế. Bởi lẽ, có thể xảy ra hai trường hợp sau: thứ nhất, khi bên mua vẫn đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tài sản bị mất đột ngột. Nếu vẫn tiếp tục thanh toán cho đến hết thì bên bán sẽ chuyển giao quyền sở hữu tài sản sang cho bên mua? Tài sản không còn, việc chuyển giao quyền sở hữu liệu có còn ý nghĩa?; thứ hai, nếu đang thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tài sản bị mất, bên mua ngưng thanh toán, bên bán đòi tài sản thì phát hiện ra tài sản bị mất. Tại đây, quyền yêu cầu bồi thường sẽ phát sinh. Quy định này của Điều 332, một cách gián tiếp, đẩy rủi ro cho bên mua tài sản kể từ thời điểm được giao tài sản. Trong khi đó, bên bán với tư cách chủ sở hữu tài sản sẽ không gánh chịu rủi ro./.
[1] Có thể kể đến sự thay đổi trong tư tưởng chủ đạo về sự kết hợp giữa lý thuyết về vật quyền và trái quyền trong các quy định của BLDS năm 2015 (Một số điểm mới của chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của BLDS năm 2015- Nguyễn Quang Hương Trà, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp (http://dkqg.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=49) hay sự thay đổi trong cách thức thực hiện các giao dịch bảo đảm trong BLDS năm 2005 bằng việc cho phép thế chấp hay cầm cố cả động sản và bất động sản.
[2] Xem: Đoàn Thị Phương Diệp, “Bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản với các thỏa thuận đặc biệt”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (258+259), tháng 2/2014, tr. 69-73.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/cam-giu-tai-san-bao-luu-quyen-so-huu-theo-bo-luat-dan-su-nam-2015